Tiếp tục duy trì sức hút FDI
Những tháng đầu năm 2025, kinh tế vẫn duy trì sự tăng trưởng ổn định trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Một trong những điểm sáng nổi bật là việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong quý I/2025 vẫn duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là sự tăng tốc trong việc giải ngân vốn FDI.
Khơi gợi điểm sáng của nền kinh tế
Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2025 ước tính tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025.
Một điểm sáng khác là dù vốn FDI đăng ký ở mức 5 tỷ USD nhưng vốn FDI thực hiện lại đạt 11 tỷ USD.

Khu công nghiệp Yên Phong (huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Ảnh: Minh Sang
Mới đây khi Mỹ đưa ra chính sách thuế đối ứng áp lên các nền kinh tế, một số chuyên gia trong nước lo lắng, dòng vốn FDI sẽ thay đổi như thế nào?
Về vấn đề này, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam Na Ki Hong cho biết, khủng hoảng thuế quan là một cú sốc lớn đối với Samsung nhưng cũng là cơ hội để khẳng định mối quan hệ đối tác bền vững giữa Samsung và Việt Nam.
“Chúng tôi chờ đợi, kỳ vọng Chính phủ Việt Nam sẽ đạt kết quả đàm phán tốt đẹp, giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp” - ông Na Ki Hong chia sẻ.
Nhiều chuyên gia nhận định, thông thường các tập đoàn đa quốc gia thường xem xét nhiều yếu tố nền tảng ngoài thuế quan khi đưa ra quyết định đầu tư. Việt Nam có nhiều lợi thế nội tại gồm chuỗi cung ứng điện tử và dệt may đã được thiết lập, một thị trường tiêu dùng lớn và đang tăng trưởng nhanh, lực lượng lao động giá rẻ và có tay nghề, cũng như một chính sách điều hành thân thiện với doanh nghiệp (DN), đang tích cực cải cách thủ tục hành chính và loại bỏ rào cản cho nhà đầu tư.
Cùng với đó, mạng lưới 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết bao gồm với EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và toàn bộ ASEAN tiếp tục giúp củng cố vị thế của Việt Nam này trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tiếp tục sử dụng biện pháp “lạt mềm buộc chặt”
Theo Công ty chứng khoán SHS, có nhiều yếu tố giữ chân DN FDI tại Việt Nam, đó là cơ sở hạ tầng và logistics khá phát triển.
Cụ thể, Việt Nam đã đầu tư mạnh vào cảng biển, khu công nghiệp, đường cao tốc. Các trung tâm FDI như Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai có hạ tầng đồng bộ, giao thông kết nối thuận lợi với cảng biển, sân bay quốc tế. So với nhiều nước đang phát triển, hạ tầng của Việt Nam ổn định và liên tục cải thiện, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Chính phủ Việt Nam duy trì ưu đãi thuế và chính sách đầu tư hấp dẫn: Thuế thu nhập DN ưu đãi 10% trong 15 năm (so với mức 20% thông thường). Một số dự án chiến lược hưởng thuế suất 5% trong 37 năm. Cơ chế một cửa quốc gia, giúp DN rút ngắn thủ tục đầu tư.
Thực tế, sau nhiều năm thu hút FDI, Việt Nam đã hình thành các cụm công nghiệp hỗ trợ xung quanh các tập đoàn lớn như Samsung, Canon, LG. Điều này giúp DN dễ dàng tìm nguồn cung nội địa, giảm chi phí logistics và tồn kho. Về lao động, công nhân Việt Nam khéo léo, tiếp thu nhanh với chi phí chỉ bằng 45% Trung Quốc.
Đặc biệt, trong các ngành điện tử, Việt Nam đã chứng minh năng lực sản xuất vượt trội với xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt trên 100 tỷ USD năm 2022.
Đáng chú ý, Việt Nam thuộc nhóm nước ký kết nhiều FTA nhất khu vực, bao gồm CPTPP, EVFTA, RCEP. Nhờ đó, sản xuất tại Việt Nam giúp doanh nghiệp FDI hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Úc...
Để thu hút FDI trong bối cảnh mới, giới chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, hải quan, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ, tăng cường ưu đãi thu hút FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, bền vững...
Ngoài ra, để giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thuế đối ứng, Việt Nam cần tăng cường đối thoại song phương với Mỹ để làm rõ các yếu tố lợi ích thương mại song phương giữa hai quốc gia, khẳng định Việt Nam là đối tác thương mại công bằng và đáng tin cậy; đồng thời, tiếp tục chủ động, tích cực và dùng nhiều kênh, biện pháp khác nhau nhằm cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước...
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, Bộ Tài chính đánh giá có nhiều yếu tố lớn sẽ ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài. Đó là, các tổ chức quốc tế và các định chế ngân hàng, tài chính đều đánh giá khả năng gia tăng xác suất suy giảm kinh tế toàn cầu và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Theo đó, rất nhiều tổ chức đều hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến Việt Nam.
Bên cạnh đó chính sách thuế của Mỹ áp dụng không chỉ cho Việt Nam mà cho tất cả các quốc gia. Đây cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý, môi trường kinh doanh cũng như triển vọng đầu tư kinh doanh.
“Mặc dù khó khăn, nhưng Bộ Tài chính đang thực hiện rất nhiều giải pháp, trong đó có làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn để xúc tiến thực hiện, cụ thể hóa các dự án rất lớn về đầu tư nước ngoài. Mục tiêu năm 2025 vẫn là tăng 38-40 tỷ USD, vốn thực hiện vẫn đặt mục tiêu 27-28 tỷ USD” - ông Trung cho biết.
Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định, với nhiều nỗ lực của Chính phủ trong thời gian vừa qua, chắc chắn Việt Nam vẫn duy trì sức hút đối với các DN FDI.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tiep-tuc-duy-tri-suc-hut-fdi-10303728.html