Tiếp tục khai quật khảo cổ khám phá bí ẩn phế tích Tháp Châu Thành, Bình Định
Đợt khai quật khảo cổ lần thứ 3 do Bảo tàng tỉnh Bình Định và Viện Khảo cổ phối hợp thực hiện, thời gian từ 1/7 - 30/8, trên diện tích 200m2.
Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch (VH,TT-DL) vừa ban hành quyết định số 1197/QĐ-BVHTTDL, ngày 24/5, cho phép Bảo tàng tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ lần thứ 3 tại phế tích Tháp Châu Thành, thuộc khu vực Châu Thành, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Theo quyết định 1197/QĐ-BVHTTDL, thời gian thực hiện khai quật từ 1/7 - 30/8, phạm vi khai quật trên diện tích 200m2, do ông Phạm Văn Triệu, Viện Khảo cổ học chủ trì.
Quyết định của Bộ VH,TT-DL lưu ý, trong thời gian khai quật, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.
Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Bảo tàng tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ VH,TT-DL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.
Sau khi kết thúc đợt khai quật, Bảo tàng Bình Định và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lí, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất 1 tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 1 năm.
Ngoài ra, trước khi công bố kết quả của đợt khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.
Theo Sở VH-TT tỉnh Bình Định, trước đó, trong đợt khai quật khảo cổ lần đầu phế tích Tháp Châu Thành vào tháng 10 và 11/2020 trên diện tích 164m², đã phát hiện nhiều thông tin quan trọng.
Tại hố chính, xuất lộ 4 lớp kiến trúc của 4 thời kì khác nhau (3 lớp dưới thuộc văn hóa Chăm pa và 1 lớp trên cùng thuộc thời nhà Nguyễn và Tây Sơn). Trong đó, lớp kiến trúc ở mặt bằng đầu tiên là hoàn chỉnh với mặt bằng hình chữ nhật có cửa quay về hướng Đông, cho thấy dạng kiến trúc đền thờ, vật thờ là tảng đá thiêng. Các lớp kiến trúc sau được xây dựng kế thừa trên nền lớp kiến trúc trước ở cùng một vị trí.
Cuộc khai quật cũng phát hiện rất nhiều di vật, gồm vật liệu xây dựng gạch, ngói âm dương, mảnh gốm trang trí kiến trúc, đầu hình sừng bò, đá ong, cùng đồ gốm Champa,… Các dấu tích khai quật và hiện vật tìm được cho thấy, phế tích Châu Thành có tầng văn hóa dày với nhiều lớp kiến trúc chồng lấn lên nhau, trải dài từ khoảng thế kỉ IV - V đến thế kỷ XIII - XIV.
Bảo tàng tỉnh Bình Định và Viện Khảo cổ học cũng đã thực hiện đợt khai quật khảo cổ lần thứ 2 phế tích Tháp Châu Thành được từ ngày 9/4 đến 10/6-2021, trên diện tích 200m².