Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Những năm qua, xác định công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giải quyết việc làm là yếu tố quan trọng. Các cấp, các ngành, đơn vị trong tỉnh Sóc Trăng đã chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo, hình thành đội ngũ lao động có trình độ, kỹ năng, tay nghề đáp ứng nhu cầu các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Qua đó, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí Lục Bích Phúc - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Sóc Trăng cho biết, thời gian qua, để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách có liên quan đến GDNN, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động. Nhất là Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Đó là những văn bản của Trung ương được triển khai rất hiệu quả. Đối với tỉnh, từ năm 2019 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 5/8/2019 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDNN, giải quyết việc làm đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Đặc biệt, năm 2023, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND, ngày 11/7/2023 quy định chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và học sinh, sinh viên tham gia chương trình du học sinh vừa học, vừa làm từ ngân sách tỉnh và các chính sách khác có liên quan; tổ chức thành công Hội thảo nâng cao chất lượng nguồn lao động tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; triển khai đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về đánh giá kỹ năng nghề quốc gia năm 2023; ký kết Ghi nhớ hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực giữa UBND tỉnh Sóc Trăng với Trường Đại học Cần Thơ và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Esuhai...

Để công tác GDNN đạt chất lượng cao hơn, tỉnh đã tổ chức thành công Hội giảng nhà giáo GDNN cấp tỉnh năm 2023, tiến đến tham dự Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc năm 2024; tổ chức 50 cuộc tuyên truyền pháp luật về lĩnh vực GDNN cho người lao động và tuyên truyền, giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong các trường THCS và THPT trên địa bàn tỉnh với 6.740 lượt người dự; phối hợp tuyên truyền các chuyên mục, chuyên trang về GDNN trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Bằng những giải pháp thiết thực, năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 29.412 lao động, vượt 5,4% kế hoạch đề ra (trong đó người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 344 người, 14,67% so với kế hoạch); tư vấn việc làm cho 22.597 người lao động; tổ chức 107 phiên giao dịch việc làm.

Các cơ sở GDNN tuyển sinh 17.540 người (vượt kế hoạch năm). Trong đó, trình độ cao đẳng là 1.322 người, trung cấp là 976 người, sơ cấp là 5.386 người, dưới 3 tháng là 8.605 người, đào tạo thường xuyên 1.251 người. Tổng số tốt nghiệp được 15.833 người, trong đó trình độ cao đẳng là 430 người, trung cấp là 313 người, sơ cấp 5.234 người, dưới 3 tháng 8.605 người, đào tạo thường xuyên 1.251 người (đạt 90,27% so với tổng số tuyển sinh). Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,05%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp đạt 58,01%; tỷ lệ có văn bằng chứng chỉ là 31,99%.

Theo kế hoạch phát triển GDNN năm 2024 tỉnh Sóc Trăng, tỉnh dự kiến dành nguồn kinh phí trên 52,6 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho người lao động; trong đó kinh phí thuộc ngân sách tỉnh gần 17 tỷ đồng và nguồn kinh phí xã hội hóa trên 35,6 tỷ đồng. Đồng chí Lục Bích Phúc cho biết thêm: “Tỉnh cũng yêu cầu công tác tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp phải đáp ứng về số lượng, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; phát triển ngành, nghề đào tạo phải hướng đến đạt chất lượng cấp độ quốc gia, cấp độ ASEAN và quốc tế”. Trong đó, chỉ tiêu đặt ra trong năm 2024 là đào tạo, bồi dưỡng nghề nghiệp cho 16.000 người, gồm: trình độ cao đẳng 910 người, trung cấp 890 người; trình độ sơ cấp 6.863 người, đào tạo thường xuyên và dưới 3 tháng là 7.337 người.

Để đảm bảo đạt yêu cầu, chỉ tiêu đề ra, tỉnh cũng đưa ra nhiều giải pháp thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh đến các đối tượng. Chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý về GDNN các cấp và đội ngũ nhà giáo GDNN trong các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh.

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng. Ảnh: MAI KHÔI

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng. Ảnh: MAI KHÔI

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Dự án “Đầu tư phát triển ngành, nghề trọng điểm đến năm 2025” của Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng, Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng; Đề án Phát triển Trường Cao đẳng Nghề Sóc Trăng chất lượng cao đến năm 2025. Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động GDNN tại các trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên công lập các huyện, thị xã, thành phố; thực hiện hiệu quả công tác giảng dạy văn hóa trung học phổ thông gắn với đào tạo nghề nghiệp trình độ trung cấp và liên kết đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo quy định.

Đẩy mạnh liên kết, phối hợp giữa doanh nghiệp với cơ sở GDNN để đào tạo lao động cung ứng theo nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước nhằm đảm bảo việc làm sau đào tạo cho người học. Trong đó, chú trọng liên kết, phối hợp đào tạo nguồn lao động chất lượng cao tại các nước tiên tiến như: Đức, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Ấn Độ... theo hình thức vừa học - vừa làm.

Tại Châu Thành, để thực hiện có hiệu quả công tác này, thời gian qua, huyện đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như: tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh tạo nhiều việc làm mới; tăng cường bố trí nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ cơ sở vật chất và trang thiết bị đào tạo nghề cho Trung tâm GDNN - Giáo dục thường xuyên huyện. Nắm bắt nhu cầu thực tế sử dụng lao động của công ty, doanh nghiệp, người lao động để tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo ngắn hạn cho lao động đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Đồng thời, đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng nâng cao năng lực thực hành cho người học nghề. Huyện cũng phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên toàn huyện đạt 73,8%, trong đó:, tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt 38,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp đạt 68,23%.

Bằng sự đổi mới, nâng cao chất lượng công tác GDNN, tin rằng Sóc Trăng tiếp tục xây dựng lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, tay nghề, đáp ứng ngày càng tốt hơn về nguồn nhân lực trong thời đại số hóa và hội nhập quốc tế.

MAI KHÔI

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/giao-duc-nghe-nghiep/tiep-tuc-nang-cao-chat-luong-giao-duc-nghe-nghiep-73532.html