Tiếp tục nâng cao chất lượng xe buýt Thủ đô

Thời gian qua, dù lượng hành khách đi xe buýt tại Hà Nội đã có sự tăng trưởng tích cực; tuy nhiên để đáp ứng đủ và tốt nhu cầu đi lại của người dân thì vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Thống kê của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội, hiện mạng lưới xe buýt của Thủ đô có 154 tuyến, trong đó 130 tuyến trợ giá.

 Nâng cao chất lượng xe buýt Thủ đô để thu hút hành khách góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân. Ảnh minh họa.

Nâng cao chất lượng xe buýt Thủ đô để thu hút hành khách góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, hạn chế phương tiện cá nhân. Ảnh minh họa.

Tổng số xe buýt là hơn 2.000 xe, độ tuổi trung bình khoảng 3,5 năm, trong khi theo quy định không quá 20 năm, chất lượng phương tiện tốt và có 13% phương tiện sử dụng nhiên liệu xanh, thân thiện với môi trường.

Để thu hút hơn nữa người dân sử dụng phương tiện vận tải công cộng, hạn chế xe cá nhân và góp phần giảm ùn tắc giao thông cần tiếp tục nâng cao chất lượng xe buýt.

Theo ông Nguyễn Thanh Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), hiện nay đơn vị đang quản lý vận hành 71/132 tuyến buýt có trợ giá, vận chuyển trên 60% lượng hành khách trên toàn thành phố.

Với chất lượng phương tiện, Transerco Hà Nội có khoảng 70% chiếc xe buýt đạt tiêu chuẩn, không có xe trên 10 năm tuổi, bình quân là 5,2 năm.

Tuy nhiên sau dịch COVID-19, hoạt động xe buýt đã bộc lộ những khiếm khuyết và tồn tại như đại biểu nêu. Nhu cầu và thói quen đi lại của người dân sau dịch có nhiều thay đổi, người dân có xu hướng chuyển sang đi lại bằng xe cá nhân.

Điều này làm sụt giảm sản lượng hành khách và doanh nghiệp vận tải đều chịu ảnh hưởng, giảm doanh thu cũng như “chảy máu lao động”.

Thông tin từ ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, hàng năm thành phố đều dành kinh phí trợ giá để phát triển xe buýt. Sau dịch COVID-19, hành khách đã thay đổi thói quen, mua phương tiện cá nhân để sử dụng.

Vấn đề lớn nhất hiện nay với xe buýt là tốc độ lưu thông. Khi người dân mua xe, sử dụng phương tiện cá nhân nhiều thì ùn tắc tăng cao, làm tốc độ lưu thông giảm xuống. Tốc độ xe buýt trước đây là 22km/h, hiện giờ còn 16km/h, giờ cao điểm chỉ hơn 10km/h.

Nhiều ý kiến cho rằng, thực tế là ở Hà Nội lượng người dân sử dụng xe buýt còn ít so với phương tiện cá nhân. Ùn tắc giao thông khiến di chuyển xe buýt mất nhiều thời gian từ đó người dân không mặn mà.

Cùng với đó mức tăng trưởng phương tiện cá nhân khoảng 4,5% trong khi diện tích đường giao thông chỉ tăng khoảng 0,2 - 0,3% dẫn đến sức ép lên hạ tầng giao thông của Hà Nội ngày càng lớn.

Mục tiêu đến năm 2025 vận tải hành khách công cộng đáp ứng 30 - 35% nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô đặt ra không ít thách thức.

Để hiện thực hóa mục tiêu này không chỉ cần nhiều giải pháp đồng bộ mà còn phải có sự đồng hành, chung tay của cộng đồng từ thay đổi thói quen đến nâng cao ý thức tham gia giao thông.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tiep-tuc-nang-cao-chat-luong-xe-buyt-thu-do-post276025.html