Tiếp tục phân cấp mạnh trong quy hoạch, đầu tư

Thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính đang triển khai nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tại các Luật, Nghị quyết sẽ trình Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Đối với các dự án PPP, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ được phân cấp tối đa cho bộ trưởng hoặc UBND cấp tỉnh. Ảnh minh họa

Đối với các dự án PPP, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ được phân cấp tối đa cho bộ trưởng hoặc UBND cấp tỉnh. Ảnh minh họa

Tăng thẩm quyền của bộ, ngành, địa phương trong điều chỉnh quy hoạch

Theo đó, trong lĩnh vực quy hoạch, Bộ Tài chính đã xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch với nhiều đề xuất phân cấp, phân quyền về quy hoạch.

Cụ thể như, phân cấp thẩm quyền của Quốc hội cho Chính phủ xác định các vùng cần lập quy hoạch vùng; quyết định quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Đồng thời, bỏ quy định về việc Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia.

Thông thoáng hơn trong quản lý tài sản kết cấu hạ tầng

Đối với lĩnh vực quản lý tài sản công, dự thảo Luật sửa 7 luật đã chuyển nội dung quy định liên quan đến cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công của cấp huyện thành cấp xã. Đối tượng được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng được chủ động trực tiếp tổ chức khai thác đối với tài sản kết cấu hạ tầng giao đơn vị quản lý (bao gồm cả tài sản có liên quan đến quốc phòng, an ninh) mà không phải thông qua trình tự, thủ tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Về thẩm quyền của Chính phủ, phân cấp thẩm quyền của Chính phủ cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho các bộ quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch ngành quốc gia. Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh quyết định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.

Các bộ tổ chức thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp đơn vị hành chính.

Dự thảo luật cũng phân cấp thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỉnh sau khi được Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh thông qua đối với việc điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp đơn vị hành chính. Bỏ quy định về việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

UBND cấp tỉnh được phân cấp tổ chức thẩm định điều chỉnh quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 để đáp ứng yêu cầu về sắp xếp đơn vị hành chính. Đây là thẩm quyền hiện thuộc Bộ Tài chính.

Linh hoạt trong triển khai các dự án PPP

Ở lĩnh vực đầu tư, Bộ đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý sử dụng tài sản công, dự kiến trình Quốc hội ngày 17/5 tới đây. Trong đó, nhiều nội dung trong lĩnh vực đầu tư tiếp tục được phân cấp.

Cụ thể là phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với 7 nhóm dự án.

Đối với các dự án PPP, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ được phân cấp tối đa cho bộ trưởng hoặc UBND cấp tỉnh theo hướng: lược bỏ trình tự quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cho bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác, HĐND cấp tỉnh, đồng thời quy định trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư ngắn gọn hơn.

Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác hoặc HĐND cấp tỉnh phê duyệt dự án PPP do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và dự án PPP thuộc phạm vi quản lý trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, dự án PPP ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của pháp luật về công nghệ cao, ứng dụng công nghệ mới.

Cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án PPP được phân cấp quyết định chấm dứt, đình chỉ hợp đồng dự án PPP (trước đây thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ).

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chủ trương phân cấp nhằm tạo sự chủ động, linh hoạt cho các bộ, ngành, địa phương khi triển khai các dự án PPP, phù hợp với quy định về phân cấp tại Luật Tổ chức Chính phủ năm 2025 (có hiệu lực từ ngày 1/3/2025), tại dự thảo Luật quy định phân cấp tối đa thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ cho bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ hoặc UBND cấp tỉnh.

Cụ thể, phân cấp thẩm quyền giao một cơ quan làm cơ quan có thẩm quyền; phân cấp thẩm quyền phê duyệt dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của Quốc hội; phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; phân cấp thẩm quyền quyết định chấm dứt hợp đồng dự án PPP.

Ở Luật Đầu tư công, có 11 nội dung được đề xuất sửa đổi để phân cấp, phân quyền. Đó là phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hàng năm từ Ủy ban thường vụ Quốc hội cho Chính phủ; gia hạn thời gian bố trí vốn cho các dự án nhóm A, B, C từ Thủ tướng Chính phủ về UBND cấp tỉnh; phân cấp toàn bộ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án lớn (từ 10.000 tỷ đồng) và dự án quan trọng quốc gia từ Thủ tướng Chính phủ về thủ trưởng các bộ và cơ quan ngang bộ; cho phép các địa phương tự điều chỉnh kế hoạch vốn trung hạn, giao chi tiết danh mục dự án và kéo dài thời gian giải ngân vốn ngân sách trung ương; phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định danh mục dự án và điều chỉnh kế hoạch vốn mà không cần HĐND cấp tỉnh phê duyệt chi tiết.

Rà soát điều chỉnh cơ chế đặc thù với các địa phương sau sáp nhập

Để tiếp tục phân cấp, phân quyền đồng bộ, toàn diện, Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ Tài chính) đề xuất, cần phải tiếp tục rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đối với 20 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi các luật và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến các lĩnh vực: quy hoạch; đầu tư; quản lý, sử dụng tài sản công; đấu thầu; ngân sách nhà nước; thuế, phí và lệ phí... phù hợp với việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo tinh thần Nghị quyết số 60-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cũng như phù hợp với lộ trình sửa đổi Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương sau sáp nhập được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép với địa phương trước khi sáp nhập. Đồng thời, giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan "tổng kết, đánh giá các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương (sau khi hoàn thành việc sáp nhập, hợp nhất) để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới hoặc luật hóa những vấn đề đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm để áp dụng trong toàn quốc". Mỗi cơ chế, chính sách đặc thù này đều mang lại lợi ích chiến lược để nghiên cứu, luật hóa để áp dụng chung trên toàn quốc.

Theo tinh thần đó, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để tổ chức triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, góp phần không chỉ củng cố vai trò đầu tàu của các địa phương trọng điểm mà còn tạo tiền đề cho sự phát triển đồng bộ, bền vững và hội nhập của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tiep-tuc-phan-cap-manh-trong-quy-hoach-dau-tu-176096-176096.html