Tiếp tục thực hiện hiệu quả Bộ chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh

Trong quá trình đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh luôn được tỉnh Ninh Bình xác định là một trong những giải pháp trọng tâm ưu tiên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Người dân tra cứu thông tin và làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Trường Giang

Người dân tra cứu thông tin và làm thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Trường Giang

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định 1/6 chương trình trọng tâm là "Tập trung cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh".

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xác định chủ đề công tác năm 2021 và năm 2022 là "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính". Ban cán sự đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề và kế hoạch cụ thể hóa, triển khai các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy.

Qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, những năm qua, tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhiều giải pháp đã được tỉnh ban hành, triển khai một cách đồng bộ. Tuy nhiên, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh chưa đạt được mục tiêu đề ra, PCI của tỉnh biến động qua các năm theo xu hướng giảm bậc; đặc biệt năm 2020 giảm mạnh về điểm số, tụt sâu về thứ bậc xếp hạng.

Do đó, việc xây dựng và triển khai bộ chỉ số đánh giá năng lực canh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) được coi là giải pháp thiết thực, hiệu quả để nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của chính quyền các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành thuộc tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Với quan điểm chỉ đạo thẳng thắn, trách nhiệm, chỉ rõ và kịp thời khắc phục những tồn tại, yếu kém; quyết tâm cải thiện xếp hạng chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2021, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai các giải pháp đồng bộ để xác định rõ thực trạng, tháo gỡ các điểm nghẽn, các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhằm nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và nhân dân.

Trong đó, đã tập trung xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương và thực hiện đánh giá ngay trong năm 2021. Các chỉ số thành phần của bộ chỉ số DDCI được xây dựng tương thích các chỉ số thành phần của chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), trên cơ sở áp dụng linh hoạt, phù hợp với thực tiễn môi trường kinh doanh của tỉnh Ninh Bình nhằm đánh giá mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đang đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đối với 22 sở, ban, ngành và 8 huyện, thành phố về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành.

Việc triển khai Bộ tiêu chí DDCI tạo động lực cải cách một cách quyết liệt, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, doanh nghiệp; tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực; tạo kênh thông tin tin cậy, rộng rãi và minh bạch để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành.

Là năm đầu tiên tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương tỉnh Ninh Bình, đơn vị tư vấn đã tiến hành khảo sát tại 3.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, thành phố trong khoảng thời gian 2 năm gần nhất đến thời điểm khảo sát.

Trong đó tiến hành khảo sát qua thư tín 2.000 doanh nghiệp và khảo sát trực tiếp 1.000 doanh nghiệp tại trụ sở làm việc, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa của UBND các huyện, thành phố. Sau gần 1 năm triển khai đánh giá, số phiếu thu về đạt yêu cầu là 1.752/3.000 phiếu, đạt 58,4% so với tổng số phiếu phát ra; trong đó, số phiếu thu về qua khảo sát gián tiếp là 833/2.000 phiếu, đạt 41,65%.

Với sự ủng hộ và phối hợp tích cực của các cấp, các ngành trong tỉnh, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh đã triển khai nghiên cứu, khảo sát và đo lường đánh giá xếp hạng Chỉ số DDCI. Tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh đánh giá: Mặc dù phải thực hiện với yêu cầu cao về tiến độ, quá trình triển khai xây dựng Bộ chỉ số đánh giá và thực hiện đánh giá được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan và đúng quy định.

Thể hiện rõ trong quá trình phê duyệt bộ chỉ số, đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện đánh giá theo bộ chỉ số được UBND tỉnh phê duyệt; quá trình khảo sát, lấy ý kiến được thực hiện với nội dung, tiêu chí, đối tượng cụ thể, thiết thực về những vấn đề đang được doanh nghiệp quan tâm khi liên hệ giải quyết thủ tục hành chính...

Đồng thời, có nhiều doanh nghiệp tích cực đóng góp ý kiến bổ sung, điều đó thể hiện sự tin tưởng vào Hệ thống cơ quan chính quyền và Bộ chỉ số đánh giá đã xây dựng. Các kết quả tổng hợp những đánh giá của doanh nghiệp, cộng đồng đối với các sở, ngành, huyện, thành phố đã phần nào phác họa được về môi trường cạnh tranh địa phương một cách hoàn toàn độc lập và khách quan. Năm 2022, tỉnh tiếp tục chọn chủ đề công tác năm là "Kỷ cương, trách nhiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính".

Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của tỉnh nhằm kịp thời giải quyết hiệu quả các điểm nghẽn trong công tác chỉ đạo điều hành, tháo gỡ các nút thắt về thể chế, tổ chức thực thi công vụ, tạo sự bứt phá mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần chia sẻ: Để thực hiện Bộ tiêu chí DDCI năm 2022 thực sự hiệu quả, khách quan, UBND tỉnh đã yêu cầu Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nhận thức đúng đắn vai trò, ý nghĩa tác động của Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương đến thứ bậc xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); thống nhất quan điểm trong chỉ đạo, điều hành và nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thẳng thắn nhìn nhận các hạn chế, yếu kém trên quan điểm cầu thị, tích cực.

Đặc biệt, không quá đề cao thứ bậc, mà phải chú trọng rà soát, sửa đổi ở nội tại những rào cản, điểm nghẽn, có giải pháp sửa đổi để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn trong quá trình giải quyết công việc, với mục tiêu cuối cùng là sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.

Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tiep-tuc-thuc-hien-hieu-qua-bo-chi-so-nang-cao-nang-luc-canh/d20220421214014748.htm