Tiếp tục xây dựng môi trường hạnh phúc, an toàn cho trẻ mầm non

Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn các Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục mầm non.

Trong 2 năm qua, nhiều tỉnh thành có những mô hình đổi mới, sáng tạo để giáo dục cho trẻ em như "Trường mầm non xanh", "Trường học điện tử", "Trường học hạnh phúc". Ảnh: NH

Trong 2 năm qua, nhiều tỉnh thành có những mô hình đổi mới, sáng tạo để giáo dục cho trẻ em như "Trường mầm non xanh", "Trường học điện tử", "Trường học hạnh phúc". Ảnh: NH

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non (GDMN); chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị nhà trường theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt, năng lực tự chủ, thực hiện tốt dân chủ cơ sở; tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng GDMN ở khu công nghiệp và nhóm, lớp mầm non độc lập tư thục. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non gắn với công tác rà soát sắp xếp, quy hoạch; tăng cường các giải pháp huy động trẻ nhà trẻ và mẫu giáo dưới 5 tuổi đến trường, lớp mầm non; duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi.

Đẩy mạnh phát triển chương trình GDMN phù hợp với điều kiện của địa phương, của cơ sở GDMN, khả năng và nhu cầu của trẻ; tiếp tục thực hiện các Chuyên đề, Chương trình để đổi mới, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho trẻ em.

Bảo đảm các điều kiện thực hiện Chương trình GDMN: về số lượng giáo viên, bố trí bảo đảm tối thiểu 02 giáo viên/lớp; nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ quản lý và giáo viên mầm non, bảo đảm đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; đảm bảo cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi, tài liệu, học liệu mầm non đáp ứng yêu cầu đổi mới GDMN.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến hết tháng 5/2023, cả nước có 26.472/30.180, chiếm 87,7% cơ sở giáo dục mầm non đã thực hiện chuyên đề "Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm". Con số này đã tăng 27,7% so với khi tổng kết chuyên đề giai đoạn 2016-2020.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn ra 8 tỉnh, thành phố đại diện 7 vùng trong cả nước, xây dựng mô hình điểm "Trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm" tại Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội, Nghệ An, Đắk Lắk, Khánh Hòa, TP.HCM, Đồng Tháp.

Trong 2 năm qua, nhiều tỉnh thành có những mô hình đổi mới, sáng tạo để giáo dục cho trẻ em như "Trường mầm non xanh", "Trường học điện tử", "Trường học hạnh phúc", "Vườn rau VietGap", "Không gian sáng tạo", "Bữa ăn thân thiện", "Lớp học yêu thương - Ươm mầm hạnh phúc"…

Một số địa phương có các chuyên đề bồi dưỡng mang tính đột phá như phát triển chiến lược nhà trường; ứng dụng STEM-Robotics trong tổ chức các hoạt động giáo dục... Có địa phương đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cho các tỉnh, thành phố trong vùng. Như tỉnh Bạc Liêu đã kết nối 12 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham dự hội thảo "Xây dựng và khai thác sử dụng có hiệu quả môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm trong cơ sở giáo dục mầm non"...

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, trong 2 năm học qua, kết quả nổi bật nhất của chuyên đề là trẻ em thực sự được trở thành trung tâm trong mọi hoạt động của cơ sở giáo dục mầm non. Các cơ sở đã thay đổi nhiều mặt tích cực một cách rõ rệt, tăng cường sự phối hợp giữa cơ sở giáo dục với gia đình và cộng đồng.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Bá Minh cho rằng, để xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm đạt hiệu quả, chất lượng, cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên mầm non và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí thực hiện.

Các nhà trường cần hợp tác các tổ chức, cá nhân để thực hiện công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ cũng như tăng cường sự phối hợp, tham gia của cha mẹ học sinh tại gia đình và nhà trường. Các nhà trường bảo đảm cho tất cả trẻ mầm non đều được tiếp cận với môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Ðược học thông qua chơi, thực hành, trải nghiệm sẽ giúp trẻ hình thành, phát triển các kỹ năng cần thiết phù hợp với lứa tuổi, cần thiết trong cuộc sống, hướng tới tương lai.

Cô giáo Lê Thị Nhung, Trường Mầm non 2 xã Minh Sơn (Lạng sơn) chia sẻ: Là giáo viên đứng lớp, vì vậy, để thực hiện xây dựng “Trường học hạnh phúc”, “Lớp học hạnh phúc” thì đầu tiên chúng tôi luôn gần gũi, yêu thương trẻ, thứ hai là chúng tôi xây dựng môi trường trong lớp học với các góc như: góc xây dựng, góc phân vai, góc nghệ thuật, góc học tập… sử dụng những cái nguyên vật liệu thiên nhiên đảm bảo an toàn, gần gũi với trẻ để trẻ tích cực và hoạt động hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã phối hợp với phụ huynh, huy động phụ huynh đóng góp ngày công hay những nguyên vật liệu để cùng giúp chúng tôi xây dựng được môi trường hạnh phúc cho trẻ.

Nguyễn Hạnh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tiep-tuc-xay-dung-moi-truong-hanh-phuc-an-toan-cho-tre-mam-non-2192818.html