Tiếp vốn thế nào để doanh nghiệp sớm 'hồi sinh' sau bão?
Sau hơn một tháng bão số 3 càn quét khiến hàng nghìn doanh nghiệp mất trắng tài sản, để khôi phục sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp cần có nguồn lực mới. Tuy nhiên, đến nay, họ vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào, do gặp khó khăn về việc chưa được cấp sổ đỏ, tài sản trên biển chưa được định giá và không tham gia bảo hiểm.
Tại Hội thảo với chủ đề Giải pháp tài chính, tín dụng thúc đẩy "Tam nông" tổ chức ngày 9/10, đại diện ngân hàng khẳng định, ngân hàng "chưa bao giờ từ chối bất kỳ nhu cầu vay vốn nào". Quan trọng là khả năng của doanh nghiệp có đáp ứng được tín dụng đó hay không?.
Doanh nghiệp bị thiệt hại do bão khó vay vốn
Số liệu từ NHNN cho biết, bình quân giai đoạn 2016-2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 16,27%, cao hơn mức tăng 14,91% của tín dụng chung toàn nền kinh tế.
Trong đó, tín dụng với nhóm ngành hàng nông sản xuất khẩu chủ lực có tỷ trọng tăng dần qua các năm, từ 31% năm 2016 lên gần 39% năm 2023, với tốc độ tăng cao hơn so với tốc độ tăng trưởng dư nợ nông nghiệp, nông thôn bình quân, góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao vị thế nông sản Việt trên thị trường thế giới.
Đến cuối năm 2023, tín dụng đối với ngành lúa, gạo tăng 24,09% so với cuối năm 2022; thủy sản tăng 12,83%; cà phê tăng 21,56%; rau quả tăng 11,33%.
Là ngân hàng có thị phần cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lớn nhất hệ thống, ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, đến 30/9/2024, tổng dư nợ cho vay của Agribank đạt trên 1,6 triệu tỷ đồng, trong đó: dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn là hơn 1 triệu tỷ đồng với 2,8 triệu khách hàng, tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm bắt đầu triển khai.
Theo các chuyên gia, sau cơn bão số 3, nhu cầu vay vốn cho lĩnh vực tam nông của khách hàng tại 26 tỉnh thành phía Bắc càng lớn hơn nữa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết hiện nay khó tiếp cận vốn do gặp khó khăn về việc chưa được cấp sổ đỏ, tài sản trên biển chưa được định giá và không tham gia bảo hiểm.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc của STP Group, cho biết tập đoàn đã đầu tư vào nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh suốt 7 năm. Tuy nhiên, cơn bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp.
“STP Group bị xóa sổ hoàn toàn những làng nuôi trên biển. May mắn là giống như một số doanh nghiệp khác, chúng tôi vẫn còn lại hạ tầng. Câu hỏi đặt ra là chúng tôi có thể vay được gì, và Bộ, ngành sẽ hỗ trợ như thế nào?” bà Bình bày tỏ.
Đến nay, đã có trên 90 tổ chức tín dụng và gần 1.100 Quỹ Tín dụng nhân dân tham gia cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Bà Bình mong muốn được tham gia vào gói tín dụng 30.000 tỷ đồng - vay ưu đãi cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ Agribank để khởi nghiệp lại, nhưng doanh nghiệp cần phải có tài sản đảm bảo và đáp ứng nhiều điều kiện khác. Bà cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, STP Group vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ nào, do gặp khó khăn về việc chưa được cấp sổ đỏ, tài sản trên biển chưa được định giá và không tham gia bảo hiểm.
“Chúng tôi đã xây dựng được nền tảng như truy xuất nguồn gốc, cấp sổ xanh,… nhưng nếu tiếp tục chờ đợi hỗ trợ thì sẽ rất lâu, nhất là sau thiệt hại do bão Yagi. Hiện giờ, chúng tôi cần đầu tư lại. Nếu tiếp tục với cách làm cũ, chắc chắn chúng tôi sẽ gặp thất bại. Mà đầu tư theo cách làm mới, chúng tôi cần lượng vốn lớn", bà nói.
Tách bạch tín dụng chính sách và thương mại
Liên quan đến câu chuyện của doanh nghiệp, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành Kinh tế (NHNN), cho biết Nghị định 55 đã quy định rõ trong trường hợp bất khả kháng, khách hàng theo Nghị định này có thể được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và cho vay mới để khôi phục sản xuất kinh doanh.
“Tất cả các khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hoàn toàn có thể yên tâm vì cơ chế chính sách đã có sẵn. Vấn đề hiện tại là cách tổ chức thực hiện của các tổ chức tín dụng,” bà Giang nhấn mạnh.
Ngoài ra, bà Giang cho biết ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp sau bão Yagi, bao gồm giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, và đang tích cực trình Thủ tướng chính sách giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3, bao gồm các lĩnh vực như thương mại, dịch vụ, công nghiệp,…
Về phía Agribank, Phó Tổng giám đốc Hoàng Minh Ngọc chia sẻ: “Sau cơn bão số 3, dư nợ bị thiệt hại của Agribank khoảng 40.000 tỷ đồng và 28.000 khách hàng bị ảnh hưởng. Agribank đã cử các đoàn công tác xuống trực tiếp Quảng Ninh ngay sau sự cố. Agribank đã giảm lãi suất từ 0,5% - 2%, tùy thuộc vào mức độ thiệt hại của khách hàng. Đồng thời, ngân hàng vẫn tiếp tục hỗ trợ vay vốn mới cho khách hàng.”
Ông cũng cho biết, từ đầu năm 2024, Agribank đã triển khai nhiều gói ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp, và mọi loại hình doanh nghiệp đều có thể tiếp cận.
Về đề nghị vay 30 tỷ đồng của STP Group, ông Ngọc khẳng định: “Agribank chưa bao giờ từ chối bất kỳ nhu cầu vay vốn nào. Tuy nhiên, cần phải phân biệt giữa tín dụng chính sách và tín dụng thương mại".
Đối với tín dụng chính sách, Agribank luôn tiên phong thực hiện. Để ngân hàng thuận lợi trong việc cho vay, Phó Tổng giám đốc Agribank kiến nghị tăng tỷ lệ cho vay không cần đảm bảo tài sản theo Nghị định 55.
Đối với khoản vay tín dụng thương mại như 30 tỷ đồng hay 50 tỷ đồng, đại diện Agribank cho biết sẽ cùng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế và doanh nghiệp đánh giá. "Không có chuyện tín chấp ít hay nhiều, quan trọng là khả năng của doanh nghiệp có đáp ứng được tín dụng đó hay không?", ông Ngọc khẳng dịnh.
Phó Tổng giám đốc Hoàng Minh Ngọc cũng nhấn mạnh: “Agribank đã cho vay rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, chẳng hạn như cho vay lúa gạo. Tài sản chỉ là một phần, có những doanh nghiệp, chúng tôi cho vay hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ. Điều quan trọng là sự đồng hành giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp hiểu và đồng hành cùng Agribank”.