Tiết kiệm điện ngay cả trong mùa 'thấp điểm'

Dù đã hết cao điểm nắng nóng nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ phải điều chỉnh phụ tải trong các giờ cao điểm trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Do đó, việc sử dụng năng lượng hiệu quả và tiết kiệm vẫn luôn được đặt ra, kể cả trong giai đoạn 'thấp điểm' nắng nóng.

Tiềm năng tiết kiệm điện trong sản xuất thép rất lớn. (Nguồn: Mai Anh).

Tiềm năng tiết kiệm điện trong sản xuất thép rất lớn. (Nguồn: Mai Anh).

Dự phòng công suất hệ thống điện quốc gia vẫn còn thấp

Theo báo cáo của Bộ Công Thương gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước phiên chất vấn ngày 21/8, tình hình cung ứng điện toàn hệ thống trong 7 tháng năm 2024 đã được thực hiện tốt, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của Nhân dân cả nước. Lũy kế 7 tháng năm 2024 (tính đến hết ngày 25/7/2024), tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện quốc gia ước đạt hơn 174 tỷ kWh, cao hơn 11,70% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 56,06% so với kế hoạch.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc cung ứng điện các tháng còn lại năm 2024, cơ bản được bảo đảm trong thời gian còn lại của năm 2024, bảo đảm cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân.

“Tuy nhiên, tăng trưởng điện năng được dự báo tiếp tục tăng cao đến hết năm 2024, dự phòng công suất hệ thống điện quốc gia dự báo còn thấp đến hết tháng 10, trường hợp phụ tải tăng cao kết hợp các yếu tố bất lợi của hệ thống điện vẫn tiềm ẩn nguy cơ phải điều chỉnh phụ tải trong các giờ cao điểm” - đại diện Bộ Công Thương lưu ý.

Đáng chú ý, đại diện Bộ này cũng cho biết, các nhu cầu về điện năng giai đoạn đến giai đoạn 2030 được dự báo vào khoảng 107 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) và 165 - 184 triệu TOE vào năm 2050. Nhu cầu năng lượng cuối cùng này đã tính đến tác động của các chương trình, hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) ở các ngành kinh tế

Như vậy, với lưu ý nhiều khả năng đến giai đoạn cuối năm vẫn tiềm ẩn nguy cơ phải điều chỉnh phụ tải trong các giờ cao điểm cùng với việc các dự báo nhu cầu điện đều đã bao gồm các hoạt động TKNL ở các ngành kinh tế cho thấy, ngay cả trong mùa “thấp điểm” nắng nóng, việc tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN thông tin, trong năm 2023 và đặc biệt là 7 tháng năm 2024 tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam rất cao, đặc biệt tăng trưởng về điện đạt khoảng 14%. Đây là một mức tăng trưởng rất cao và hiện tại tỷ trọng của các ngành sản xuất trong cơ cấu về thương phẩm, về sản lượng chiếm tới 51%. Điều này cho thấy, sử dụng năng lượng tiết kiệm đối với khu vực sản xuất có tác động rất lớn tới vấn đề sử dụng điện tiết kiệm và bảo đảm cung cấp đủ điện cho kinh tế - xã hội.

Tiết kiệm năng lượng để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp

Theo thống kê của các tổ chức quốc tế thì Việt Nam có thể tiết kiệm được khoảng từ 20 - 30% năng lượng sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, thống kê đánh giá của Bộ Công Thương cho rằng, tiềm năng tiết kiệm có thể lên tới 30 - 35%.

“Việc xây dựng ý thức trong vấn đề sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là một vấn đề quan trọng nhất. Do đó, EVN đã thường xuyên cung cấp thông tin về vấn đề sử dụng năng lượng đối với các doanh nghiệp, để doanh nắm được mức độ sử dụng điện ở mức nào, từ đó đưa ra những phương thức nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhất” - ông Dũng nói.

Đặc biệt, các chương trình điều chỉnh phủ tải khá hiệu quả và được EVN triển khai rộng rãi đến các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm. Nhờ có chương trình dịch chuyển phụ tải mà hệ thống điện của không phải chịu áp lực quá cao vào những giờ cao điểm và cũng nhờ việc dịch chuyển phụ tải mà khách hàng giảm được chi phí mua điện vào giờ cao điểm, tác động tới việc giảm giá thành sản xuất và tăng được sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Ông Mạch Đình Khoa - Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại (Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam) khẳng định: “TKNL có tác động rất lớn với doanh nghiệp. Hiện giờ có một số ngành, chi phí điện đang chiếm từ 15 - 20% tổng giá thành sản xuất của mỗi sản phẩm. Hiện nay với thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì việc tối ưu hóa chi phí sản xuất, đồng thời có thể hạ giá bán sản phẩm hoặc giữ nguyên giá bán sản phẩm là việc rất quan trọng”.

Cùng với đó, hiện, các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đang chú trọng liên quan đến việc thống kê và sử dụng phát thải carbon. Do đó, khi sản phẩm thể hiện được việc sản xuất theo hướng TKNL, từ đó giảm khí thải carbon tốt. Đó là những tiền đề, những tiêu chuẩn quan trọng để giúp hàng hóa Việt Nam có thế mạnh hơn khi cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu đặc biệt ở các thị trường khó tính và có nhiều tiêu chuẩn về phát triển bền vững.

Ông Đặng Hải Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đưa ra những quy định để quản lý vấn đề về tiêu thụ năng lượng, làm sao giảm tối đa việc tiêu thụ năng lượng trên một đơn vị sản phẩm. Đó cũng là yêu cầu đặt ra, bắt buộc doanh nghiệp phải thay đổi theo hướng thích ứng yêu cầu của thị trường. Điều này cũng khiến doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh.

Hoàng Tú

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tiet-kiem-dien-ngay-ca-trong-mua-thap-diem-post522658.html