Tiết kiệm hơn 64.000 tỷ đồng kinh phí, vốn nhà nước

Chi ngân sách thời gian qua đã được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2024 theo báo cáo của bộ, ngành, địa phương là 64.014 tỷ đồng.

Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2024 theo báo cáo của bộ, ngành, địa phương là 64.014 tỷ đồng. Ảnh: internet

Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2024 theo báo cáo của bộ, ngành, địa phương là 64.014 tỷ đồng. Ảnh: internet

Cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết

Thời gian qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai quyết liệt, có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng. Trình bày báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2024 tại phiên họp Thường vụ Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong quản lý, sử dụng kinh phí nhà nước, thu ngân sách nhà nước năm 2024 thực hiện đạt 2,043 triệu tỷ đồng, tăng 342,7 nghìn tỷ đồng (tăng 20,1%) so dự toán và báo cáo Quốc hội. Chi ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt 1,83 triệu tỷ đồng, bằng 86,4% dự toán.

Điều hành chi ngân sách năm 2024 được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai. Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2024 theo báo cáo của bộ, ngành, địa phương là 64.014 tỷ đồng.

Nợ công/GDP đến cuối năm 2024 ước thực hiện 34,7%, nợ Chính phủ/GDP ước thực hiện 32,2%, nợ nước ngoài của quốc gia/GDP ước thực hiện 31,8%, trong phạm vi Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2024 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Đến ngày 31/12/2024, tổng số tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã đăng nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công là 67.480 tài sản, tổng chiều dài các tuyến đường, cầu đường đã đăng nhập là 915,2 nghìn km; tổng số tài sản là công trình nước sạch nông thôn tập trung đã đăng nhập thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản cộng là 15.460 công trình.

Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng được đẩy mạnh. Năm 2024, ngành Thanh tra đã triển khai 6.673 cuộc thanh tra hành chính và 118.983 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 157.585 tỷ đồng, 245 ha đất; kiến nghị thu hồi 85.403 tỷ đồng và thu hồi 41 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 72.183 tỷ đồng, 204 ha đất.

Cơ quan thanh tra đã ban hành 105.108 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân, với số tiền 4.150 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính đối với 2.360 tập thể và 9.017 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý 269 vụ, 173 đối tượng.

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước

Năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ năm 2025 với mục tiêu thực hiện kiên quyết, đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp hữu hiệu, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, nắm bắt cơ hội, đẩy lùi thách thức, tăng tốc, bứt phá về đích, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm 2021 - 2025.

Trong đó, Chính phủ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước gắn với huy động các nguồn lực xã hội và sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Chính phủ chỉ đạo quản lý chặt chẽ việc huy động và quản lý, sử dụng các khoản vốn vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước. Đồng thời, thường xuyên rà soát, theo dõi, đánh giá kỹ việc phát hành trái phiếu Chính phủ gắn với nhu cầu chi đầu tư phát triển, trả nợ gốc của ngân sách bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

Cùng với các nhiệm vụ nêu trên, Chính phủ xác định tăng cường quản lý, sử dụng tài sản công, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, tập trung vào việc sắp xếp, xử lý tài sản, đặc biệt là nhà, đất gắn với việc sắp xếp, tổ chức tinh gọn bộ máy. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tập trung rà soát, kiên quyết loại bỏ những dự án kém hiệu quả, dự án chưa thật sự cần thiết, cấp bách, ưu tiên vốn cho các dự án trọng điểm, cấp bách, tạo động lực cho phát triển nhanh và bền vững.

Để tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thành sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy theo đúng mục tiêu, yêu cầu đề ra gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao khả năng tự lực, tự cường, trách nhiệm quản trị địa phương.

Những hạn chế, bất cập trong hệ thống pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí cũng tiếp tục được Chính phủ chú trọng khắc phục. Song song với đó, Chính phủ ưu tiên nguồn lực, trí lực, chuẩn bị nhân lực, tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt.

Ngoài ra, Chính phủ xác định tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, thu hồi triệt để các dự án treo và đẩy nhanh việc thu hồi các tài sản, đất đai nhà nước bị thất thoát, vi phạm theo các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tiet-kiem-hon-64-000-ty-dong-kinh-phi-von-nha-nuoc.html