Tiêu chí về xuất xứ hàng hóa là rào cản để doanh nghiệp tận dụng EVFTA

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam thực thi tốt hơn nữa hiệp định EVFTA, chiều 8/9, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo chuyên đề 'Tận dụng các cơ hội ưu đãi mặt hàng nông sản từ Hiệp định EVFTA'.

Sau 3 năm thực thi hiệp định, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và thị trường EU tăng trưởng tốt. Ảnh: Anh Thư

Sau 3 năm thực thi hiệp định, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và thị trường EU tăng trưởng tốt. Ảnh: Anh Thư

Theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng, đại diện Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là hàng nông sản. Dù EU là thị trường khó tính, yêu cầu cao, nhưng nhờ hiệp định EVFTA thực thi từ tháng 8/2022, con đường đưa hàng Việt Nam vào EU đã thuận lợi hơn trước.

Sau 3 năm thực thi hiệp định, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và thị trường EU tăng trưởng tốt ngay cả trong thời kỳ kinh tế thế giới có nhiều biến động như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột địa chính trị…

Nhờ EVFTA, Việt Nam đã vươn lên thành đối tác thương mại lớn nhất của EU trong ASEAN và đứng thứ 11 trong số các nước cung ứng hàng hóa lớn nhất vào EU. Đồng thời, EU cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đạt 46,83 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm trước, chiếm 12,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Đặc biệt, mặt hàng gạo, vốn không phải mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang khối EU, đã có kim ngạch tăng trưởng đều trong những năm gần đây. Theo cam kết tại EVFTA, EU dành hạn ngạch 80.000 tấn gạo được hưởng mức thuế quan ưu đãi cho Việt Nam mỗi năm. Năm 2022, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đã vượt hạn ngạch, đạt tới 94.510 tấn.

Trong đó, xuất khẩu gạo sang một số thị trường tăng mạnh, như Hà Lan tăng 44%, Ba Lan tăng 68%, Tây Ban Nha tăng 89%, Bỉ tăng 149%... Không chỉ vậy, gạo Việt Nam đã lần đầu được đưa lên kệ hàng của hai chuỗi đại siêu thị tại Pháp là Carrefour và E.Leclerc.

Trước những kết quả tích cực này, ông Minh Lăng cho rằng, còn nhiều dư địa cho hàng nông sản của Việt Nam vào thị trường EU. Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp còn chưa tận dụng được nhiều ưu đãi thuế quan cho mặt hàng này. Nguyên nhân chính là do hàng hóa chưa đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ để được hưởng ưu đãi.

Bên cạnh EVFTA, để đưa hàng hóa vào thị trường EU, doanh nghiệp còn có thể tận dụng các ưu đãi khác đã có trước đó để thuận tiện hơn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa tìm hiểu kỹ càng để nắm rõ và tận dụng được các ưu đãi của Hiệp định EVFTA.

Do đó, theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa để nhận được ưu đãi. Cần tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của nước sở tại, thậm chí là thói quen tiêu dùng, sở thích của người dân như hàng hóa thân thiện với môi trường, có thể tái sử dụng, dán nhãn carbon, có chứng nhận tự nguyện về môi trường, đảm bảo về lao động…

Trong đó, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề rất quan trọng cần được doanh nghiệp lưu ý. Ông Minh Lăng nhấn mạnh, việc kiểm soát vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm… tại thị trường EU rất nghiêm ngặt. Doanh nghiệp phải làm kỹ càng, minh bạch, và đồng đều, bởi một khi phát hiện ra dư lượng hóa chất trong các sản phẩm thực phẩm EU sẽ có các biện pháp theo dõi, thậm chí có thể ngừng nhập khẩu các mặt hàng này.

Ông Trần Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Việt Nam ASEAN, trực thuộc Trung ương Hội VASEAN. Ảnh: Anh Thư

Ông Trần Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Việt Nam ASEAN, trực thuộc Trung ương Hội VASEAN. Ảnh: Anh Thư

Là một đơn vị xúc tiến xuất khẩu hàng hóa sang EU, ông Trần Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Việt Nam ASEAN, trực thuộc Trung ương Hội VASEAN, cho rằng một trong những vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU là thiếu sự đồng đều giữa các đơn hàng.

Ông Minh chia sẻ, sau vài đơn hàng đầu tiên thành công xuất sang EU với chất lượng tốt, khi khối lượng đơn hàng tăng lên, doanh nghiệp thường đánh mất sự đồng đều và bị giảm chất lượng chung của hàng hóa xuống. Đây là điều cần phải khắc phục nếu muốn có thể làm ăn lâu dài với các doanh nghiệp đối tác.

Theo ông Minh, các doanh nghiệp cần có sự đồng bộ từ cơ sở sản xuất, ở đây là người nông dân, tới chủ vựa, các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics, đơn vị xúc tiến thương mại, và cả về phía đối tác nhập khẩu. Từ đó thiết lập một chuỗi cung ứng bền vững, hoạt động trơn tru.

Anh Thư

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tieu-chi-ve-xuat-xu-hang-hoa-la-rao-can-de-doanh-nghiep-tan-dung-evfta-post26638.html