Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng viên chức áp dụng từ 15/8
Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng đối với viên chức hành chính, viên chức văn thư, viên chức lưu trữ là nội dung được hướng dẫn tại Thông tư 05/2024/TT-BNV.
Mới đây, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 05/2024/TT-BNV quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng II và lên hạng I đối với viên chức hành chính, viên chức văn thư, viên chức lưu trữ; xếp lương đối với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/8/2024.
Tiêu chuẩn điều kiện xét thăng hạng với viên chức hành chính
Thứ nhất, tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng II viên chức hành chính
Theo Thông tư quy định, viên chức hành chính xét thăng hạng lên hạng II khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
Các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (sửa đổi tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ).
Đề án vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập được xây dựng, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật có vị trí việc làm của chức danh viên chức dự xét thăng hạng.
Được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng.
Có thời gian giữ chức danh chuyên viên và tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc). Trường hợp có thời gian tương đương với chức danh chuyên viên thì thời gian giữ chức danh chuyên viên tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng (nếu có thời gian giữ chức danh chuyên viên không liên tục thì được cộng dồn).
Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên và tương đương được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng xác nhận bằng văn bản (kèm theo hồ sơ) có một trong các nhiệm vụ khoa học sau: Tham gia xây dựng quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật thuộc ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nơi công tác đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận; Tham gia nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên đã được nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu; Tham gia xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận.
Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên và tương đương có một trong các thành tích công tác sau: Có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên; Có ít nhất 2 năm công tác được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Thứ hai, tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên hạng I
Viên chức hành chính xét thăng hạng lên hạng I khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện sau:
Các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 32 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (sửa đổi tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ).
Đề án vị trí việc làm của đơn vị sự nghiệp công lập được xây dựng, phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật có vị trí việc làm của chức danh viên chức dự xét thăng hạng.
Được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng.
Có thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương từ đủ 06 năm trở lên. Trường hợp có thời gian tương đương với chức danh chuyên viên chính thì thời gian giữ chức danh chuyên viên chính tối thiểu 01 năm (đủ 12 tháng) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký xét thăng hạng (nếu thời gian giữ chức danh chuyên viên chính không liên tục thì được cộng dồn).
Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương được cấp có thẩm quyền cử dự xét thăng hạng xác nhận bằng văn bản (kèm theo hồ sơ) có một trong các nhiệm vụ khoa học sau: Chủ trì xây dựng quy chế, quy định, quy trình kỹ thuật thuộc ngành, lĩnh vực, cơ quan, đơn vị nơi công tác đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận; Chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp cơ sở trở lên đã được nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu; Tham gia xây dựng đề án, văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành và được người đứng đầu cơ quan, đơn vị được giao thực hiện xác nhận.
Trong thời gian giữ chức danh chuyên viên chính và tương đương có một trong các thành tích sau: Có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ hoặc đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh trở lên; Có ít nhất 3 năm công tác được đánh giá, xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Quy định mới xếp lương với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức
Theo đó, tại Điều 4 Thông tư 05/2024/TT-BNV hướng dẫn xếp lương đối với người được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức kể từ ngày 7/12/2023 như sau:
(1) Trường hợp đang xếp lương theo các bảng lương quy định của nhà nước thì việc xếp lương tương ứng với từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức thực hiện như sau:
Trường hợp đang xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ của công chức hoặc viên chức quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 76/2009/NĐ-CP, Nghị định 14/2012/NĐ-CP, Nghị định 17/2013/NĐ-CP và Nghị định 117/2016/NĐ-CP) thì thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức;
Trường hợp đang xếp lương theo bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân và cơ yếu hoặc đang xếp lương theo bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân và chuyên môn kỹ thuật thuộc công an nhân dân hoặc theo các bảng lương đối với người làm công tác cơ yếu thì thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 6, khoản 7 Mục III Thông tư 79/2005/TT-BNV hướng dẫn chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty nhà nước vào làm việc trong các cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;
Trường hợp là người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp nhà nước được xếp lương theo hệ số mức lương của người quản lý công ty chuyên trách quy định tại Nghị định 52/2016/NĐ-CP quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư 13/2018/TT-BNV sửa đổi khoản 8 Mục III Thông tư 79/2005/TT-BNV.
(2) Trường hợp đã xếp lương theo các bảng lương quy định của nhà nước, sau đó chuyển công tác ra khu vực tư (chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần) và có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì việc xếp lương tương ứng với từng trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức thực hiện như sau:
Căn cứ vào hệ số lương tại thời điểm chuyển công tác ra khu vực tư thực hiện việc chuyển xếp theo quy định tại (1) và thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc sau khi chuyển ra công tác ở khu vực tư được tính sau mỗi khoảng thời gian 03 năm (đủ 36 tháng) đối với trường hợp được bổ nhiệm vào chức danh viên chức xếp lương từ loại A0 trở lên hoặc sau mỗi khoảng thời gian 02 năm (đủ 24 tháng) đối với trường hợp được bổ nhiệm vào chức danh viên chức xếp lương loại B được xếp lên 01 bậc lương hoặc hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); số tháng chưa đủ 36 tháng (đối với viên chức xếp lương từ loại A0 trở lên) hoặc chưa đủ 24 tháng (đối với viên chức xếp lương loại B) còn lại được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
(3) Trường hợp có thời gian công tác thuộc đối tượng hưởng lương có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật và không thuộc đối tượng tại (1) và (2) thì thực hiện xếp lương và xác định thời gian tương đương giữ hạng viên chức được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận như sau:
Về xếp lương: Căn cứ vào tổng thời gian hưởng lương có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc (nếu có thời gian không liên tục mà chưa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) trừ đi thời gian tập sự tính theo quy định của chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận, thời gian còn lại làm căn cứ để xếp lương ở chức danh nghề nghiệp được tuyển dụng, tiếp nhận như sau: Tính từ bậc 1 của chức danh nghề nghiệp viên chức được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận, sau mỗi khoảng thời gian 03 năm (đủ 36 tháng) đối với trường hợp được bổ nhiệm vào chức danh viên chức xếp lương loại A0, loại A1 hoặc sau mỗi khoảng thời gian 02 năm (đủ 24 tháng) đối với trường hợp được bổ nhiệm vào chức danh viên chức xếp lương loại B được xếp lên 1 bậc lương.
Sau khi quy đổi thời gian để xếp vào bậc lương trong chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận nêu trên, nếu có số tháng chưa đủ 36 tháng (đối với viên chức xếp lương loại A0, loại A1) hoặc chưa đủ 24 tháng (đối với viên chức xếp lương loại B) thì số tháng này được tính vào thời gian để xét nâng bậc lương lần sau hoặc xét hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) trong chức danh được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận.
Về xác định thời gian tương đương giữ hạng viên chức được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận: Trường hợp có thời gian công tác thuộc đối tượng hưởng lương có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật được tính để xếp lương vào hạng viên chức được bổ nhiệm khi tuyển dụng, tiếp nhận quy định tại (3) thì thời gian tương đương giữ hạng viên chức được bổ nhiệm được tính kể từ ngày có cùng trình độ đào tạo hoặc có trình độ đào tạo cao hơn so với trình độ đào tạo theo yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận.
(4) Các trường hợp được tuyển dụng, tiếp nhận vào viên chức và được xếp lương theo quy định tại (1) và (2) nếu trong thời gian công tác trước đó có năm công tác được đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc bị kỷ luật mà chưa bị kéo dài thời gian nâng bậc lương theo quy định thì thời gian không được tính để xếp lương thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 08/2013/TT-BNV (sửa đổi tại khoản 5 Điều 1 Thông tư 03/2021/TT-BNV).