'Tiêu cực của doanh nghiệp nhà nước làm giảm sút lòng tin'
Nắm giữ tổng tài sản trị giá gần 3 triệu tỉ đồng, các doanh nghiệp nhà nước dù có tăng trưởng nhưng được đánh giá vẫn chưa tương xứng với tiềm lực nguồn vốn.
Thanh tra Chính phủ (TTCP) đang lấy ý kiến đóng góp đối với dự thảo đề án của Chính phủ về nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN); phòng ngừa, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong DNNN.
Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng
Số liệu của TTCP cho thấy tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2019, cả nước có 818 DN có vốn Nhà nước, gồm 491 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 327 DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước.
Tổng tài sản của các DNNN là gần 3 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với năm 2018. Lãi phát sinh trước thuế của các DNNN đạt gần 163.000 tỉ đồng, giảm 2% so với năm 2018. Đáng chú ý, 44/491 DNNN (chiếm 9% tổng số DNNN) có lỗ phát sinh với tổng số lỗ phát sinh là 619 tỉ đồng.
Về cơ bản, các DNNN từng bước được cơ cấu lại hiệu quả hơn, là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, DNNN có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng nguồn vốn, chậm hơn so với DN ngoài nhà nước và DN FDI. Kết quả kinh doanh mặc dù có tăng trưởng nhưng chưa tương xứng với tiềm lực nguồn vốn Nhà nước đầu tư tại các DNNN.
Đặc biệt, nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đầu tư kém hiệu quả xảy ra trong DNNN. Các sai phạm chủ yếu về thủ tục đầu tư, mua sắm tài sản không đúng quy định; trình độ quản lý doanh nghiệp yếu kém; huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dàn trải, tùy tiện; hoạt động đầu tư tài chính vi phạm nghiêm trọng gây thiệt hại lớn…
TTCP dẫn chứng bằng các vụ vi phạm pháp luật tại 13 dự án đầu tư trọng điểm của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam giai đoạn 2010-2015, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin, Tập đoàn Dầu khí và một số doanh nghiệp thành viên (liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Nguyễn Xuân Sơn...); Tổng công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần AVG.
Ngoài ra, một số dự án thua lỗ, tổng nợ phải trả rất lớn, tiềm ẩn khả năng xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong đó, 12 dự án thua lỗ, yếu kém của Bộ Công Thương với tổng mức đầu tư hơn 63.600 tỉ đồng, các hành vi sai phạm làm thất thoát khoảng 3 tỉ USD, tổng số vốn chủ sở hữu âm hơn 33 tỉ đồng, tổng nợ phải trả lên đến hơn 58.500 tỉ đồng (tính đến 31-12-2017).
“Tình trạng yếu kém, vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực của DNNN làm cản trở quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm sút lòng tin của nhân dân vào vai trò quản lý của Nhà nước đối với DNNN” – TTCP nhấn mạnh.
Thanh tra, giám sát còn bất cập
Theo TTCP, bất cập trong hoạt động của DNNN xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với DNNN vẫn chưa cao.
TTCP cho rằng hoạt động giám sát còn hình thức, chủ yếu thông qua các báo cáo định kỳ, mức độ tương tác thấp, thiếu tính thường xuyên, liên tục, không kịp thời nắm bắt được tình hình thực tế của DN, nhất là việc thực hiện kế hoạch, thực hiện các dự án đầu tư và các quyết định của chủ sở hữu.
Cùng với đó, hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra mới chỉ tập trung vào việc phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật mà chưa chú trọng đúng mức vào việc phát hiện những sơ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật.
Số cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát được thực hiện nhiều nhưng số lượng các vụ việc, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được phát hiện chưa tương xứng với tình hình thực tế. Các rủi ro trong hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh và các vi phạm, yếu kém không được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.
Hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra còn chồng chéo, trùng lắp, gây khó khăn, cản trở tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của DNNN, chưa được tiến hành đồng bộ với các nội dung quản lý nhà nước đối với DN và hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của DNNN.
Ngoài ra, việc ban hành và thực hiện nhiều kết luận, kiến nghị từ hoạt động giám sát, kiếm thanh tra DNNN chưa nghiêm túc, ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật trong việc xử lý vi phạm.
TTCP nhận định có nhiều yếu tố dẫn tới các tồn tại trên, bao gồm việc quản lý, sử dụng, giám sát công chức thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra, thanh tra chưa hiệu quả, hợp lý. Còn tình trạng công chức thiếu trách nhiệm, vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.
Chính vì vậy, việc xây dựng và tiến tới triển khai thực hiện đề án là rất cần thiết.
5 nhóm giải pháp
Đề án tập trung vào năm nhóm giải pháp chính:
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN.
Thứ hai, tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra.
Thứ ba, kiện toàn tổ chức; nâng cao đạo đức công vụ, năng lực chuyên môn và trách nhiệm của các chủ thể có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN.
Thứ tư, thực hiện minh bạch, trách nhiệm giải trình và ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN.
Thứ năm, phát huy vai trò của xã hội trong hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra DNNN.