Tiêu điểm: Làm rõ nạn nhân mua bán người để nâng cao chất lượng hỗ trợ

Trong tuần qua, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, để cho ý kiến vào 12 dự án luật sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 tới đây. Trong đó có dự thảo Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi).

Trong các vụ án mua bán người, có những trường hợp mà nạn nhân và tội phạm mua bán người - ranh giới giữa hai đối tượng này nhiều khi rất mong manh. Làm thế nào để phân định rõ ràng nhằm thực hiện các chính sách hỗ trợ nạn nhân hiệu quả cao nhất? Làm thế nào để ngăn chặn các đối tượng lợi dụng chính sách nhân đạo như hiến tạng, mang thai hộ để thực hiện hành vi mua bán người? Đây là những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận tại hội nghị.

Những phụ nữ bụng mang dạ chứa vượt hàng ngàn cây số để bán bào thai của chính mình, lấy số tiền từ 450 - 600 triệu đồng.

Những người lao động Việt Nam bị dụ dỗ bởi lời quảng cáo "việc nhẹ lương cao" để vượt biên sang Khu kinh tế Bò Kẹo, Lào nhưng rồi lại bị ép buộc để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Đây là những trường hợp điển hình cho thấy việc xác định giữa nạn nhân và tội phạm trong các vụ án mua bán người là rất phức tạp. Thậm chí, còn có những trường hợp đã từng là nạn nhân nhưng sau đó lại trở thành mắt xích quan trọng của các đường dây mua bán người.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định rõ nạn nhân để đảm bảo thực hiện các chính sách hỗ trợ nạn nhân được hiệu quả.

Cũng liên quan đến phân định rõ đối tượng, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, cần xác minh rõ các trường hợp mang thai hộ với mục đích nhân đạo hay mục đích thương mại, vì thực tế ghi nhận nhiều trường hợp lợi dụng việc mang thai hộ để bán bào thai lấy tiền.

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng mua bán người, Cục phòng chống ma túy và tội phạm Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, là người trực tiếp chỉ đạo triệt phá các vụ mua bán người, cũng là thành viên Ban soạn thảo Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) cho biết, cơ quan chức năng sử dụng một bộ sàng lọc, khoanh vùng để xác định nạn nhân.

YÊU CẦU CẤP THIẾT PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP DƯỢC

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vừa qua, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Cần chú trọng ưu đãi phát triển công nghiệp dược, đặc biệt là vùng trồng dược liệu được các đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Qua thực tế triển khai Luật Dược 2016, các doanh nghiệp cho rằng, còn nhiều điểm bất cập, hạn chế liên quan đến việc thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp dược, đặc biệt là các chính sách ưu đãi cho vùng trồng dược liệu.

Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, bàn về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp dược, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành đề nghị xem xét kỹ hơn nội dung liên quan đến việc nuôi trồng dược liệu để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh lưu ý, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục rà soát để tạo ra một khung khổ pháp lý cho phát triển công nghiệp dược.

Với một đất nước có trên 100 triệu dân, vấn đề an ninh y tế luôn là một thách thức, nhất là trong bối cảnh dân số đông, già hóa nhanh chóng, nhu cầu chăm sóc sức khỏe lớn. Tuy nhiên, Việt Nam chưa làm chủ được công nghiệp dược, phải nhập khẩu, kể cả thuốc và nguyên liệu làm thuốc. Do vậy, cần thiết phải có những chính sách mạnh mẽ, nổi trội, vượt bậc, mới có thể đạt được mục tiêu làm chủ công nghiệp dược.

GIẢI PHÁP NÀO NGĂN CHÁY LAN KHẢ THI?

Trước diễn biến phức tạp của những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản liên quan đến loại hình nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ đã tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội kịp thời bổ sung 2 quy định phòng cháy đối với nhà ở và phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh.

Theo đó, với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, ngoài việc phải bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy chung như nhà ở, còn phải đáp ứng thêm các yêu cầu khắt khe để ngăn cháy lan, đó là: Khu vực kinh doanh phải được ngăn cách với khu vực để ở. Quy định này cũng khiến nhiều đại biểu băn khoăn khi thảo luận về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách diễn ra trong tuần qua.

Kinh doanh mặt hàng dễ cháy, hàng hóa chắn hết lối đi, không có cửa thoát hiểm dự phòng… Dù đã được cảnh báo hỏa hoạn luôn rình rập nhưng những lời khuyến cáo của cơ quan chức năng đều như gió thổi qua tai.

Còn đây là một trong số chung cư mini chấp hành yêu cầu lắp vách ngăn chống cháy của cơ quan chức năng và đang chờ được nghiệm thu. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng có đủ diện tích để thực hiện giải pháp ngăn cháy lan như thế này.

Với số lượng trên 1,1 triệu nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đại biểu Quốc hội cho rằng, việc phân biệt rõ các loại hình cơ sở sản xuất kinh doanh dễ cháy là điều cần thiết.

Hy vọng, những quy định cụ thể, chặt chẽ, hợp lý và khả thi sẽ giúp cho công tác phòng cháy chữa cháy đạt hiệu quả cao hơn.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/tieu-diem-lam-ro-nan-nhan-mua-ban-nguoi-de-nang-cao-chat-luong-ho-tro-234391.htm