Tiêu điểm: Phân cấp, phân quyền cho doanh nghiệp nhà nước

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 842 doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 0,08% số doanh nghiệp hoạt động, nhưng doanh nghiệp nhà nước đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp Ngân sách Nhà nước; đóng góp hơn 29% GDP của đất nước.

Mặc dù được kỳ vọng là những "quả đấm thép" của nền kinh tế, thế nhưng hiện nay, khu vực doanh nghiệp nhà nước đang bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế; hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; chưa thực sự dẫn dắt, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (sửa đổi) trình ra Quốc hội vào Kỳ họp thứ 8 này được kỳ vọng sẽ có những quy định mới, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước phát triển. Một trong những kiến nghị được các doanh nghiệp nhà nước đưa ra là tăng phân cấp, phân quyền và cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp.

Binh đoàn 12 là 1 trong các doanh nghiệp nhà nước thực hiện Dự án thành phần tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1. Dù là dự án cấp bách, được áp dụng cơ chế đặc thù theo các Nghị quyết của Quốc hội, song quá trình triển khai, thực hiện vẫn mất nhiều thời gian. Lý do là các quyết định nhân sự hay kinh doanh đều phải xin phê duyệt rất nhiều cấp từ trên bộ.

Còn Tập đoàn VNPT chia sẻ, đề án xây dựng nhà máy tại khu vực công nghệ cao Láng - Hòa Lạc mất đến 3 năm. Như vậy, các doanh nghiệp nhà nước khó có thể chớp thời cơ đón làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc về Việt Nam.

Qua gần 10 năm thực thi, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) bộc lộ khá nhiều bất cập, hạn chế đòi hỏi phải nhanh chóng được sửa đổi.

Qua quá trình lấy ý kiến, đa số các doanh nghiệp nhà nước đều mong muốn luật sửa đổi lần này có các quy định cụ thể để "cởi trói" các thủ tục phê duyệt nhiều bước, phân cấp mạnh hơn, trao quyền tự chủ hơn để giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn, tăng tốc hơn trong các quyết định kinh doanh. Chỉ khi các doanh nghiệp nhà nước tự nâng cao được năng lực cạnh tranh của chính mình thì mới phát huy được vai trò dẫn dắt trong nhiều ngành kinh tế.

Tên gọi từ 10 năm trước là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (tức Luật số 69). Nhưng trong lần sửa đổi này, Chính phủ đề xuất đổi tên thành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Nghĩa là ngay từ khâu đặt vấn đề, cơ quan soạn thảo nhấn mạnh nguyên tắc: Nhà nước không trực tiếp quản lý pháp nhân doanh nghiệp, Nhà nước chỉ quản lý dòng vốn đầu tư tại doanh nghiệp, Nhà nước đóng vai trò là chủ sở hữu đầu tư vốn, không can thiệp hành chính vào hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là tư tưởng mới quan trọng trong lần sửa luật này.

Theo tờ trình Chính phủ, dự thảo luật được quy định theo hướng “đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp” thay vì quy định “sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp” như trước đây. Các quy định về huy động vốn; mua, bán, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu, phải trả… được giao cho doanh nghiệp quyết định.

Nhiều ý kiến đồng tình với tinh thần tăng tính tự chủ cho doanh nghiệp, song quy định như thế nào để làm rõ quan điểm này và không gây cách hiểu khác nhau là vấn đề được đặt ra.

Trong Phiên họp thứ 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây về dự án luật này, vẫn còn những ý kiến khác nhau về việc thể hiện sự tách bạch trong quản lý với đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long cũng nhận định thách thức trong thiết kế dự thảo luật là vừa phải đảm bảo quản lý hiệu quả, toàn vẹn vốn của Nhà nước, nhưng đồng thời phải đảm bảo được quyền tự chủ của doanh nghiệp.

Kết luận phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý việc bám sát Nghị quyết số 12 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đảm bảo nguyên tắc Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp, tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dõi theo quá trình xin ý kiến dự thảo Luật này tại Kỳ họp thứ 8, các doanh nghiệp nhà nước đang kỳ vọng lần sửa đổi luật này sẽ đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tạo động lực mới để các doanh nghiệp nhà nước bứt phá.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Thanh Nga - Vũ Hiếu - Quang Sỹ - Khánh Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://quochoitv.vn/tieu-diem-phan-cap-phan-quyen-cho-doanh-nghiep-nha-nuoc-240150.htm