Tốt nghiệp ngành Kinh tế xây dựng có thể đảm nhận vị trí công việc nào?

Khác với ngành Kỹ thuật xây dựng, nhân sự ngành Kinh tế xây dựng đóng vai trò là cầu nối giữa đội ngũ kỹ thuật và các nhà quản lý tài chính, doanh nghiệp.

Kinh tế xây dựng là một ngành học chuyên sâu, tổng hợp kiến thức kinh tế và chuyên môn xây dựng nhằm đáp ứng các yêu cầu cần thiết như các vấn đề tài chính, thống kê trong quá trình triển khai dự án xây dựng.

Sinh viên ngành này sẽ được tiếp xúc các kiến thức nền tảng về tạo lập và thẩm định dự án của công trình xây dựng, lập kế hoạch chiến lược sản xuất kinh doanh, xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, hạch toán kế toán và kiểm toán trong xây dựng, định giá và quản lý trong xây dựng…

Không phải ngành "hot" nhưng vẫn có sức hút với người học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Liên Hương - Trưởng khoa Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhận định, ngành Kinh tế xây dựng là một trong những lựa chọn hấp dẫn đối với các bạn trẻ yêu thích sự kết hợp giữa lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật xây dựng.

 Tiến sĩ Nguyễn Liên Hương - Trưởng khoa Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. (Ảnh: Website nhà trường)

Tiến sĩ Nguyễn Liên Hương - Trưởng khoa Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội. (Ảnh: Website nhà trường)

Theo cô Hương, đây là ngành học đặc thù, kết hợp kiến thức về quản lý kinh tế, tài chính với các kỹ thuật xây dựng để tối ưu hóa chi phí và hiệu quả của các dự án xây dựng. Do đó, ngành này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát ngân sách mà còn góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành xây dựng trong bối cảnh hiện đại hóa và đô thị hóa nhanh chóng.

“Điểm nổi bật của ngành Kinh tế xây dựng là trọng tâm đào tạo hướng tới việc quản lý và tối ưu hóa chi phí trong các dự án xây dựng. Sinh viên ngành này không chỉ học cách tính toán chi phí, lập dự toán mà còn học cách kiểm soát, đánh giá hiệu quả tài chính và tổ chức các hoạt động đấu thầu. Đây là những kỹ năng thiết yếu giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tham gia vào các dự án xây dựng với vai trò như nhà tư vấn tài chính hoặc quản lý dự án.

Khác với ngành Kỹ thuật xây dựng chủ yếu tập trung vào các khía cạnh thiết kế và kỹ thuật thi công, ngành Kinh tế xây dựng nhấn mạnh vào khía cạnh kinh tế. Theo đó, nhân sự ngành Kinh tế xây dựng đóng vai trò là cầu nối giữa đội ngũ kỹ thuật và các nhà quản lý tài chính, doanh nghiệp. Bởi họ chính là những người đảm bảo các dự án không chỉ đạt tiêu chuẩn kỹ thuật mà còn hiệu quả về mặt chi phí.

Đơn cử trong một dự án xây dựng lớn, kỹ sư xây dựng sẽ chịu trách nhiệm thiết kế và thi công công trình, trong khi chuyên viên kinh tế xây dựng sẽ đảm bảo các hoạt động thi công được thực hiện trong giới hạn ngân sách đã định và đạt hiệu quả kinh tế cao nhất. Sự khác biệt này giúp ngành Kinh tế xây dựng trở thành một phần không thể thiếu trong các dự án xây dựng hiện đại”, cô Hương nêu quan điểm.

Cô Hương thông tin, sinh viên tốt nghiệp ngành Kinh tế xây dựng có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau. Các bạn có thể làm việc tại các công ty xây dựng, đơn vị tư vấn, ban quản lý dự án hoặc các cơ quan nhà nước. Một số vị trí điển hình bao gồm: Chuyên viên dự toán, quản lý dự án, chuyên viên đấu thầu và kiểm toán tài chính xây dựng.

Ngoài ra, sinh viên cũng có thể tham gia vào các công ty xây dựng với vai trò quản lý thi công hoặc làm việc tại các cơ quan quản lý dự án với vai trò kiểm toán và đánh giá chi phí. Đây là những công việc không chỉ mang lại thu nhập tốt mà còn giúp sinh viên phát triển bản thân trong một lĩnh vực xây dựng.

Một điểm thú vị ở ngành Kinh tế xây dựng của nhà trường là tỷ lệ sinh viên nữ khá cao. Nhờ đặc thù ngành học không yêu cầu nhiều công việc thực địa mà tập trung vào tính toán, lập kế hoạch và quản lý nên nhiều nữ sinh đã chọn ngành này.

Cô Hương chia sẻ, dù có nhiều lợi thế, nhưng ngành học này cũng phải đối diện với một số thách thức, đặc biệt là trong việc thu hút sinh viên mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay, nhà trường đôi khi vẫn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội thực tập cho sinh viên, đặc biệt là ở các khu vực có ít dự án xây dựng. Để khắc phục, các trường đại học cần đẩy mạnh xây dựng các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp xây dựng, các tổ chức tư vấn và ban quản lý dự án để tạo điều kiện cho sinh viên tham gia thực tập. Ngoài ra, sinh viên cũng cần chủ động nắm bắt công việc để tăng cơ hội được cọ xát với nghề.

Cùng bàn về chủ đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Chính - Trưởng khoa Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Thủy Lợi nhận định, ngành Kinh tế xây dựng được xem là một trong những ngành đào tạo trọng điểm với truyền thống lâu đời, gắn liền với lịch sử phát triển của nhà trường. Ngành học này vốn được hình thành từ ngành Kinh tế thủy lợi trước đây, trải qua 45 năm phát triển, ngành học đã mang lại giá trị thực tiễn và được khẳng định qua chất lượng đào tạo.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Chính - Trưởng khoa Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Thủy Lợi. (Ảnh: Website nhà trường)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Chính - Trưởng khoa Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Thủy Lợi. (Ảnh: Website nhà trường)

Theo thầy Chính, chương trình đào tạo ngành Kinh tế xây dựng của nhà trường có nhiều đặc điểm nổi bật như chương trình được thiết kế phù hợp với chuẩn quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian đào tạo kéo dài 4,5 năm, tương đương 150 tín chỉ. Nội dung đào tạo được cập nhật định kỳ 2 năm/ lần, đảm bảo sinh viên được tiếp cận với những kiến thức hiện đại và thực tiễn nhất. Đặc biệt, nhà trường chú trọng cập nhật công nghệ mới trong quản lý và kinh tế xây dựng giúp sinh viên có lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động.

Về mặt chuyên môn, ngành Kinh tế xây dựng đào tạo sinh viên dựa trên 4 mảng kiến thức chính.

Thứ nhất, sinh viên được học cách lập, phân tích, đánh giá, thẩm tra và thẩm định các dự án đầu tư xây dựng, từ xác định tổng mức đầu tư, lập dự toán đến thẩm định hiệu quả đầu tư và quyết toán.

Thứ hai, chương trình đào tạo chú trọng đến kinh tế dự án, bao gồm đánh giá sản phẩm, dịch vụ, công nghệ trong lĩnh vực xây dựng.

Thứ ba, sinh viên được trang bị kiến thức về quản trị doanh nghiệp xây dựng, giúp họ có khả năng quản lý hiệu quả nguồn lực và hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ tư, nhà trường cũng trang bị kiến thức chuyên sâu cho sinh viên về mảng quản lý dự án đầu tư xây dựng nhằm phát triển năng lực lãnh đạo và quản lý dự án cho sinh viên sau khi ra trường.

 Ảnh minh họa: Website Trường Đại học Thủy lợi

Ảnh minh họa: Website Trường Đại học Thủy lợi

Ngoài các kiến thức chuyên môn, chương trình đào tạo còn tập trung phát triển kỹ năng mềm và các năng lực hỗ trợ khác. Sinh viên được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, kỹ năng trình bày, ngoại ngữ và tin học. Đây là những yếu tố quan trọng giúp sinh viên không chỉ hoàn thành tốt công việc mà còn tạo ra sự khác biệt trong môi trường làm việc chuyên nghiệp.

“Theo tôi, ngành Kinh tế xây dựng không phải là ngành ‘hot’ như công nghệ thông tin hay y dược, nhưng vẫn có sức hút nhờ sự ổn định và triển vọng nghề nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong các doanh nghiệp xây dựng, công ty tư vấn đầu tư, quản lý dự án, hoặc thậm chí làm việc trong các cơ quan nhà nước liên quan đến lĩnh vực xây dựng.

Về cơ bản, Kinh tế xây dựng là ngành học cân bằng giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Đây là ngành học lý tưởng cho những ai mong muốn trở thành những nhà quản lý giỏi, có khả năng giải quyết vấn đề và sáng tạo trong lĩnh vực xây dựng”, Trưởng khoa Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Thủy Lợi bày tỏ.

Sinh viên mới tốt nghiệp có thể nhận mức lương từ 10-15 triệu đồng/ tháng

Chia sẻ về cơ hội việc làm, anh Nguyễn Xuân Dương - Cựu sinh viên ngành Kinh tế xây dựng, Trường Đại học Thủy lợi, hiện đang phụ trách tài chính đầu tư ở Công ty Cổ phần Đầu tư Bảo Lai (thuộc Tập đoàn Vingroup) cho hay: “Ngành Kinh tế xây dựng mang đến cho sinh viên cơ hội việc làm đa dạng. Theo đó, các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở các vị trí như lập dự toán, phân tích hiệu quả đầu tư, quản lý tài chính dự án hoặc tham gia vào các công ty tư vấn xây dựng”.

 Ông Nguyễn Xuân Dương - Cựu sinh viên ngành Kinh tế xây dựng, Trường Đại học Thủy lợi, hiện đang phụ trách tài chính đầu tư ở Công ty Cổ phần Đầu tư Bảo Lai. (Ảnh: NVCC)

Ông Nguyễn Xuân Dương - Cựu sinh viên ngành Kinh tế xây dựng, Trường Đại học Thủy lợi, hiện đang phụ trách tài chính đầu tư ở Công ty Cổ phần Đầu tư Bảo Lai. (Ảnh: NVCC)

Theo anh Dương, mức lương khởi điểm cho các vị trí này tại đơn vị thường dao động từ 10-15 triệu đồng/ tháng, tùy thuộc vào năng lực và kinh nghiệm của từng ứng viên. Đối với những người có kinh nghiệm làm việc trước đó hoặc có kỹ năng vượt trội có thể nhận mức lương cao hơn.

“Tôi may mắn khi học cả bậc cử nhân và thạc sĩ ngành Kinh tế xây dựng ở Trường Đại học Thủy lợi, đặc biệt, những kiến thức được dạy ở trường như khả năng đọc bản vẽ, tính toán khối lượng công trình và hiểu về vật liệu, kết cấu đã giúp tôi rất nhiều cho công việc hiện tại. Mặt khác, chương trình giảng dạy cũng chú trọng vào các môn như kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, phân tích hiệu quả dự án và đánh giá rủi ro. Những kiến thức này tạo nên nền tảng quan trọng giúp tôi có thể tham gia vào các công việc liên quan đến tài chính đầu tư tại doanh nghiệp lớn. Hiện công việc của tôi chủ yếu liên quan đến việc xây dựng các phương án tài chính, phân tích hiệu quả dự án và hỗ trợ lãnh đạo đưa ra các quyết định đầu tư”, ông Dương chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Dương, bên cạnh những cơ hội lớn, sinh viên ngành Kinh tế xây dựng cũng đối mặt với một số thách thức. Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay đối với sinh viên mới tốt nghiệp là mức độ cạnh tranh ngày càng cao. Nhà tuyển dụng hiện không chỉ tìm kiếm những ứng viên có kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn cần những người có kỹ năng mềm tốt, khả năng làm việc nhóm và thái độ cầu tiến trong công việc. Để đáp ứng những yêu cầu này, sinh viên cần chủ động tham gia các hoạt động thực tập, dự án thực tế, và không ngừng học hỏi từ kinh nghiệm của những người đi trước.

Bên cạnh đó, sinh viên nên chọn đúng môi trường làm việc để phát huy hết tiềm năng của bản thân. Hiện nay, những tập đoàn lớn với hệ thống làm việc chuyên nghiệp và nhiều cơ hội phát triển, thường là lựa chọn lý tưởng cho sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, để có thể trúng tuyển và trụ vững trong những đơn vị này, mỗi cá nhân cần không ngừng học hỏi và hoàn thiện kỹ năng.

“Kinh tế xây dựng cũng như nhiều lĩnh vực khác, đều là ngành học vừa tiềm năng vừa thách thức. Do đó, sinh viên cần hiểu rõ mục tiêu nghề nghiệp của mình, đầu tư nghiêm túc vào quá trình học tập và luôn sẵn sàng đón nhận những thay đổi từ thực tế công việc. Bên cạnh đó, các bạn nên xây dựng mối quan hệ và học hỏi từ những người đi trước nhằm giúp mở rộng cơ hội nghề nghiệp và phát triển bản thân.

Theo tôi, với sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực xây dựng và nhu cầu cao về nhân lực chất lượng, sinh viên tốt nghiệp ngành này hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một công việc có thu nhập tốt và lộ trình thăng tiến rõ ràng, nếu các bạn đủ nỗ lực và biết nắm bắt cơ hội”, anh Dương nhận định.

Thu Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/tot-nghiep-nganh-kinh-te-xay-dung-co-the-dam-nhan-vi-tri-cong-viec-nao-post248377.gd