TikTok tạo phiên bản mới cho người dùng Mỹ trước thời hạn bị bán
TikTok đang xây dựng một phiên bản mới của ứng dụng dành riêng cho người dùng tại Mỹ, trước khi bán lại nền tảng này cho các nhà đầu tư tại đây.
Phiên bản mới dự kiến được TikTok đưa lên các cửa hàng ứng dụng như App Store và Google Play tại Mỹ vào ngày 5/9 tới. Người dùng sẽ cần tải ứng dụng này nếu muốn tiếp tục sử dụng dịch vụ, dù phiên bản hiện tại vẫn sẽ hoạt động đến tháng 3/2026, tuy vậy, mốc thời gian này có thể thay đổi, theo Reuters.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ bắt đầu đàm phán với Trung Quốc vào đầu tuần này liên quan đến một thỏa thuận về TikTok. Ông Trump cũng nói rằng Mỹ "gần như đã có" một thỏa thuận về việc bán ứng dụng video ngắn này.
"Tôi nghĩ chúng tôi sẽ bắt đầu đàm phán vào thứ Hai hoặc thứ Ba... có thể với Chủ tịch Tập Cận Bình hoặc một trong những đại diện của ông ấy, nhưng chúng tôi gần như đã có một thỏa thuận,” Tổng thống Mỹ Donald Trump chia sẻ với báo chí trên phi cơ Air Force One ngày 4/7.
TikTok hiện chưa đưa ra phản hồi trước yêu cầu bình luận của Reuters.

TikTok tạo phiên bản mới cho người dùng Mỹ trước thời hạn 'bán mình'. Ảnh minh họa: Hà Anh/Mekong ASEAN.
Tháng 6/2025, ông Trump tiếp tục gia hạn thêm thời hạn để ByteDance, công ty mẹ TikTok thoái vốn khỏi TikTok tại Mỹ, lùi đến ngày 17/9. Đây là lần thứ tư ông Trump trì hoãn thời điểm chính thức áp dụng lệnh cấm TikTok tại Mỹ.
Trước đó, ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20/1/2025, Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh hành pháp đẩy lùi lệnh cấm TikTok đến ngày 5/4. Lần thứ hai, ông quyết định gia hạn thêm 75 ngày (đến ngày 19/6) để hoàn tất thương vụ TikTok tại Mỹ. Sau đó, ông lại gia hạn thêm một lần nữa, cũng trong vòng 75 ngày.
Theo CNBC, nhiều cái tên được cho là có tiềm năng sở hữu mạng video ngắn này gồm Oracle, Amazon, tỷ phú Elon Musk hay nhóm doanh nhân gồm tỷ phú Frank McCourt và Chủ tịch O'Leary Ventures, Kevin O'Leary. Theo hãng nghiên cứu CFRA Research, những người muốn mua TikTok có thể sẽ phải chi từ 40 tỷ đến 50 tỷ USD.
Lý do Mỹ yêu cầu bán ứng dụng TikTok xuất phát từ những lo ngại về an ninh quốc gia. TikTok là một ứng dụng phổ biến toàn cầu, thuộc sở hữu của công ty ByteDance có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Chính phủ Mỹ lo ngại rằng TikTok có thể thu thập dữ liệu người dùng Mỹ và chia sẻ với Chính phủ Trung Quốc và có thể tạo ra rủi ro về bảo mật và an ninh thông tin.
Vì vậy, Mỹ yêu cầu ByteDance phải bán lại ứng dụng TikTok tại Mỹ nếu không muốn đối mặt với lệnh cấm tại nước này. Điều này được quy định trong Đạo luật bảo vệ người Mỹ khỏi ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát (PAFACA), được cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành hồi tháng 4/2024, yêu cầu TikTok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance hoặc bị cấm hoàn toàn tại Mỹ trước ngày 19/1/2025.
Theo TechCrunch, TikTok hiện có 170 triệu người dùng tại Mỹ và là một trong những mạng xã hội lớn nhất tại nước này. TikTok đã trở thành công cụ giải trí hoặc kiếm tiền của nhiều người dùng Mỹ, đặc biệt là giới trẻ.