Tìm 'chỗ đứng' cho thương hiệu chè Phú Thọ
Mỗi ngày nhìn thương lái ở một số tỉnh khác đến mua chè Phú Thọ rồi gán nhãn mác thương hiệu chè của họ, chị Phạm Thị Hạnh (SN 1970) không khỏi chạnh lòng. Trăn trở nhiều đêm, chị quyết định phải tìm cho chè ở quê hương một 'chỗ đứng'. Bởi thế, ngày nay mới có một thương hiệu chè mang tên Long Cốc nổi tiếng ở mảnh đất trung du rất gắn bó với cây chè này.
Động lực để "đòi lại" giá trị cho cây chè
Là một hộ sản xuất chè từ lâu đời, nhưng cũng như nhiều hộ gia đình ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, gia đình chị Hạnh cũng chỉ sản xuất chè nguyên liệu, bán cho thương lái. Không ai biết đến chè Long Cốc. Thế rồi chị nhận ra, những thương lái ở các tỉnh lân cận, nơi đã có "thương hiệu" chè nổi tiếng lại nườm nượp sang Long Cốc, Tân Sơn để mua chè rồi sơ chế, gắn mác chè thương hiệu của họ. Nuối tiếc và trăn trở, chị đã dò dẫm tìm hiểu để trả lời câu hỏi tại sao thương hiệu chè của họ lại nổi tiếng và nhiều người biết đến như thế?
Đi nhiều nơi, chị "nhận ra" chè Long Cốc được tin dùng nhưng được "gắn mác" một số thương hiệu chè nổi tiếng khác. Đáng sợ hơn, chị còn phát hiện ra nhiều người mua chè Phú Thọ về trộn phẩm màu, mì chính, … để tạo màu nước và hương vị. Như vậy, tự nhiên chè Phú Thọ sẽ bị "mất gốc", không được ai biết đến trong khi quanh năm bà con trồng chè luôn đau đáu canh tác để làm ra những sản phẩm chè ngon, đậm đà của vùng đất trung du này.
Động lực lớn đã thôi thúc chị Hạnh đòi lại giá trị cho cây chè Phú Thọ, chị quyết định thành lập Tổ hợp tác vào năm 2015 và năm 2018, chị chuyển đổi thành HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc. Và hơn ai hết, chị Hạnh tâm niệm trước tiên phải làm "chè sạch", chè an toàn, có nguồn gốc rõ ràng. Có thể ban đầu chưa ai biết đến nhưng cái chất chè thơm ngon, ngọt, chát, đượm vị tinh hoa của đất trời Long Cốc chắc hẳn sẽ ngấm dần để ngày càng nhiều người biết đến hơn.
Chị kể câu chuyện "làm thương hiệu" mà đau đáu: "Năm 2018, sau khi làm chè Long Cốc, tôi mời khách hàng uống chè miễn phí. Có người hỏi, chè ở đâu, tôi bảo chè Phú Thọ, thì họ nói luôn là chè Phú Thọ không ngon, không uống. Tôi lại mời họ uống chè Long Cốc thì họ uống thử, khen ngon, đậm đà. Sau khi biết đây là chè Phú Thọ, họ rất ngạc nhiên thốt lên: Phú Thọ mà có chè ngon tuyệt vời thế này sao! Điều đó cho thấy, họ có thể cảm nhận được chè ngon, nhưng lại thưởng thức theo thương hiệu. Bởi thế, chè đã ngon thì cũng cần phải có thương hiệu mới được".
Nâng cao giá trị chè bản địa
HTX khi mới thành lập chỉ có 7 thành viên, sau một thời gian, bà con thấy gia nhập HTX có đầu ra cho chè búp tươi và thu nhập đảm bảo hơn nên đã đăng ký tham gia. Năm 2023, số thành viên đã lên tới 15 và có thêm 20 hộ liên kết. Hiện chị Hạnh đang làm thủ tục để liên kết với hơn 20 hộ ở xã khác trong tỉnh để mua sản phẩm chè tươi chế biến chè xuất khẩu. Các hộ liên kết đều được hướng dẫn trồng chè theo quy chuẩn an toàn VietGap. Trong đó, có nhiều hộ nghèo, đa số là người dân tộc Mường, việc liên kết trồng chè và thu mua chè của các hộ gia đình giúp giải quyết vấn đề việc làm và tạo điều kiện cho nhiều hộ thoát nghèo.
"Trước mời bà con vào HTX rất khó nhưng bây giờ thì nhiều người muốn được tham gia. Chè tươi người dân trồng trên mảnh đất của mình giờ không lo bán ế, lại được hướng dẫn chăm sóc theo hướng an toàn, giá thành còn nâng lên. Từ đó, bà con bắt đầu thay đổi cách nghĩ, cách làm, đặc biệt là không bán chè tươi cho các tỉnh khác gắn thương hiệu của họ", chị Hạnh cho biết.
Dần dần giá trị thương hiệu chè Long Cốc được nâng cao, đến nay, HTX do chị Hạnh làm chủ đã có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, đó là Chè đinh Bát Tiên, Chè Đinh đặc sản, Chè Bát Tiên.
Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường từ 8 - 10 tấn chè nhưng vẫn không đủ bán. Với giá từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng/kg tùy loại thành phẩm, khách hàng ưa chuộng đến để mua buôn, bán lẻ nườm nượp. Trong khi đó, bà con trồng chè lại yên tâm có đầu ra cho chè tươi. Khách hàng đánh giá cao chè Long Cốc, các thành viên HTX và bà con trồng chè phấn khởi, hăng say lao động sản xuất trên chính mảnh đất, đồi chè của cha ông.
Không chỉ tạo ra hướng đi làm kinh tế mới cho hàng trăm lao động ở trong vùng, HTX cũng tạo việc làm cho 10 nhân công tại địa phương với thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng. Chị Hạnh dần đầu tư máy móc công nghệ cao vào sản xuất chè để tăng năng xuất, giảm giá thành đầu ra cho sản phẩm, thu hút thêm nhiều khách hàng, thương lái đến với sản phẩm chè Long Cốc. Chị còn hướng dẫn bà con sử dụng máy hái chè tươi mini cầm tay rất tiện dụng để tăng năng suất khi hái chè.
Dám nghĩ, dám làm, chị Phạm Thị Hạnh đã dần tạo nên chỗ đứng cho chè Phú Thọ trên thị trường, đưa cây chè trở thành nông nghiệp chủ lực cho đông đảo bà con đồng bào dân tộc Mường ở Tân Sơn.
Liên hệ:
Chị Phạm Thị Hạnh - Chủ tịch kiêm Giám đốc HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc
Địa chỉ: Khu măng 2 xã Long Cốc, Tân Sơn, Phú Thọ
Điện thoại: 0965938236
Link bán hàng: https://www.facebook.com/chinhha12321/