Tìm giải pháp giảm chênh lệch giàu nghèo giữa các quốc gia
GS Oded Galor cho rằng chỉ khi hiểu được lịch sử xã hội, người ta mới có thể thiết kế nên các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và thu hẹp độ chênh lệch giữa các quốc gia.
Hành trình nhân loại - Nguồn gốc của thịnh vượng và bất bình đẳng là cuốn sách của GS Oded Galor tổng hợp thành quả nghiên cứu của ông với một lý thuyết mới về lịch sử loài người: Lý thuyết Tăng trưởng Thống nhất.
GS Oded Galor từng được Đại học Louvain và Đại học Kinh tế & Kinh doanh Poznań trao bằng Tiến sĩ Danh dự, là thành viên của Viện Hàn lâm châu Âu và Hiệp hội Kinh tế lượng, đồng thời góp mặt trong nhiều tổ chức uy tín khác. Ông được đánh giá là một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực tăng trưởng và phát triển và là một ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Kinh tế.
Để hiểu rõ hơn quan điểm về sự thịnh vượng và bất bình đẳng trên thế giới, Zing có cuộc trao đổi với GS Oded Galor.
Cốt lõi của sự bất bình đẳng toàn cầu
- Thưa giáo sư, vì sao ông hứng thú với sự thịnh vượng và bất bình đẳng?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở Jerusalem. Khi được sống trong môi trường đậm dấu ấn lịch sử như thế, chẳng có gì bất ngờ là tôi bắt đầu thấy hứng thú với việc tìm hiểu và thấu hiểu căn nguyên của hành vi con người, nguồn gốc lịch sử của tôn giáo, dân tộc, sự đa dạng và tác động lâu dài của các yếu tố lịch sử đối với sự thịnh vượng của nhân loại.
Mối quan tâm về sự bất bình đẳng này dựa trên niềm tin đạo đức cá nhân và nhận thức về những tác động tiềm ẩn của sự bất bình đẳng gây bất lợi cho sự thịnh vượng chung của nền kinh tế. Những chính sách giáo dục lạc hậu, cùng những quyết định đầu tư kém hiệu quả của các khu vực nghèo đói trên thế giới, là căn nguyên của sự chênh lệch giàu nghèo.
Yếu tố này còn tác động tiêu cực đến việc phân bổ nhân tài giữa các ngành nghề, làm giảm hiệu quả kinh tế. Ngoài ra, sự bất bình đẳng còn ảnh hưởng xấu đến sự gắn kết xã hội, dẫn đến tình trạng bất ổn dân sự, từ đó làm giảm năng suất kinh tế.
Tuy rằng bất bình đẳng ở một mức độ nào đó sẽ tạo ra các động lực kinh tế phù hợp, chẳng hạn như chênh lệch tiền lương, chúng ta có thể thấy sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn sẽ tác động đến “bình đẳng về cơ hội”, sinh ra sự bất công, làm phương hại đến hiệu quả kinh tế và sự gắn kết xã hội.
- Ông có thể chia sẻ về quá trình viết nên cuốn sách “Hành trình nhân loại”?
- Cuốn sách này đã phản ánh sự tiến bộ của tôi với tư cách là một nhà khoa học trong suốt 3 thập kỷ qua. Cuốn sách đã hiện thực hóa ước nguyện chia sẻ những hiểu biết mà tôi đã đúc kết được trong suốt 30 năm qua với đông đảo bạn đọc đại chúng, thay vì chỉ với cộng đồng khoa học hàn lâm.
Trong suốt quá trình học tập, nghiên cứu và giảng dạy, tôi luôn bị hấp dẫn bởi nguồn gốc của sự phân hóa giàu nghèo giữa các quốc gia. Chính vì tò mò mà tôi đã dấn thân vào lĩnh vực Tăng trưởng Kinh tế từ 30 năm trước. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nghiên cứu của tôi có nhiều điểm khác biệt, thậm chí là trái ngược với các xu hướng nghiên cứu đương thống trị cộng đồng khoa học.
Thay vì tập trung vào khái niệm “hội tụ” (convergence) vốn dựa trên giả định rằng: về lâu dài, các điều kiện ban đầu là không quan trọng, nghiên cứu của tôi tập trung vào việc tìm hiểu gốc rễ của sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, cũng như vai trò của các điều kiện ban đầu trong việc xác định số phận của một đất nước.
Hành trình tìm tòi và thấu hiểu gốc rễ của những chênh lệch giàu nghèo lớn giữa các quốc gia, cuối cùng đã dẫn tôi đến việc sáng tạo ra Lý thuyết Tăng trưởng Thống nhất (Unified Growth Theory).
Tôi tin rằng việc nắm được cốt lõi của sự bất bình đẳng toàn cầu sẽ là bất khả, nếu như chúng ta không có một lý thuyết tổng thể. Lý thuyết này phải có khả năng phản ánh những động lực chủ đạo tác động xuyên suốt đến quá trình phát triển của một quốc gia, đồng thời tóm gọn vai trò của các yếu tố lịch sử và tiền sử đã gây nên những chênh lệch mức sống đáng kể hiện nay.
Trong suốt quá trình phát triển Lý thuyết Tăng trưởng Thống nhất, niềm đam mê đối với khía cạnh toán học của hệ thống động lực học và lý thuyết phân nhánh ngày một lớn lên. Những công cụ toán học quan trọng ấy đã giúp tôi phát triển Lý thuyết Tăng trưởng Thống nhất cũng như giải quyết một trong số những bí ẩn cơ bản nhất của quá trình phát triển.
Lý thuyết Tăng trưởng Thống nhất đã cho phép tôi khám phá sự tiến hóa của xã hội loài người kể từ khi người Homo sapiens xuất hiện ở châu Phi gần 300.000 năm trước, đồng thời giải quyết hai trong số những bí ẩn cơ bản nhất xoay quanh hành trình này:
(1) Bí ẩn của sự tăng trưởng: Đâu là gốc rễ của những thay đổi mạnh mẽ về mức sống của nhân loại trong 200 năm đổ lại đây, nhất là sau 300.000 năm gần như trì trệ? Tại sao trong 200 năm qua, thu nhập bình quân đầu người trên thế giới tăng gấp 14 lần và tuổi thọ trung bình đã tăng hơn gấp đôi, trong khi 300.000 năm trước đó, những tỉ lệ này chỉ dao động rất nhẹ?
(2) Bí ẩn của sự bất bình đẳng: Nguồn gốc của những chênh lệch lớn về mức sống giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ là gì? Hơn nữa, tại sao sự bất bình đẳng này lại gia tăng đáng kể trong vòng 200 năm qua?
Không có một chính sách nào là phù hợp với tất cả các quốc gia
- Trong suốt quá trình nghiên cứu và viết lách, có phát hiện nào làm thay đổi thế giới quan của mình?
- Những thay đổi trong quan điểm này của tôi đã được thể hiện trong cuốn sách Hành trình nhân loại. Cuốn sách đề cao một quan điểm mang tính cách mạng về nguồn gốc của sự giàu có và bất bình đẳng toàn cầu. Nó cho chúng ta thấy rằng phần lớn sự bất bình đẳng giữa các quốc gia bắt nguồn từ các yếu tố lịch sử và tiền sử. Những yếu tố này đã xuất hiện từ hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng vạn năm trước.
Điều này ngụ ý rằng việc hiểu được các nhân tố chi phối toàn bộ hành trình nhân loại kể từ khi người Homo sapiens xuất hiện là tối yếu. Bởi lẽ từ đó, ta mới có thể thấu hiểu được gốc rễ của sự thịnh vượng và bất bình đẳng trên thế giới, để rồi thiết kế các chính sách giúp thúc đẩy quá trình tăng trưởng và giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng giữa các quốc gia.
Hành trình Nhân loại gợi ý rằng chỉ khi hiểu được lịch sử xã hội, người ta mới có thể thiết kế nên các chính sách thúc đẩy tăng trưởng và thu hẹp độ chênh lệch giữa các quốc gia. Đặc biệt hơn, những chính sách này nên được thiết kế dựa trên những đặc điểm lịch sử và địa lý riêng biệt của mỗi quốc gia. Không có một chính sách nào là phù hợp với tất cả các quốc gia!
- Thưa giáo sư, làm thế nào để thế giới có thể phát triển mà giảm thiểu sự bất bình đẳng?
- Như một điều không thể tránh khỏi, sự tiến bộ công nghệ và toàn cầu hóa đã khiến sự bất bình đẳng gia tăng đáng kể. Sự tiến bộ của nhân loại đã thúc đẩy nhu cầu về nguồn nhân tài có khả năng thích ứng với môi trường công nghệ luôn thay đổi chóng mặt. Tuy nhiên, những nhân tài này lại không được phân bố một cách đồng đều trên thế giới, gây nên sự bất bình đẳng như một sản phẩm phụ tất yếu.
Nhằm giảm thiểu tác động không thể tránh khỏi này, các xã hội phải đảm bảo được sự 'bình đẳng về cơ hội'.
Oded Galor
Nhằm giảm thiểu tác động không thể tránh khỏi này, các xã hội phải đảm bảo được sự 'bình đẳng về cơ hội', giúp phần đông dân số được hưởng lợi từ tiến bộ công nghệ và toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng nên cung cấp những căn nhà an toàn cho bộ phận xã hội không trực tiếp hưởng lợi từ quá trình này.
Điều này vừa hợp tình về mặt đạo đức, vừa hợp lý về mặt kinh tế. Nó sẽ thúc đẩy hiệu năng kinh tế và giảm thiểu những tác động tiêu cực của sự bất ổn xã hội lên đầu tư và năng suất lao động.
- Có nhiều ý kiến so sánh "Hành trình nhân loại" và "Sapiens: Lược sử loài người" của Yuval Noah Harari. Giáo sư nghĩ gì về điều này?
- Mặc dù đều tập trung vào sự tiến bộ của nhân loại xuyên suốt quá trình lịch sử, hai cuốn sách về căn bản lại hoàn toàn khác nhau, về cả mặt khoa học lẫn khái niệm.
Hành trình nhân loại là một cuốn sách dựa trên cơ sở khoa học vững chắc. Một lý thuyết thống nhất về tăng trưởng kinh tế đã được phát triển cho cuốn sách này, từ đó hướng nội dung khám phá các nhân tố cốt lõi đã chi phối quá trình phát triển xuyên suốt lịch sử loài người.
Nền tảng của lý thuyết này được dựa trên những bằng chứng xác đáng, những phân tích thực nghiệm chặt chẽ và những suy luận logic được rút ra từ các quan hệ nhân quả.
Ngược lại, nhiều lập luận trong Sapiens lại mang tính chất suy đoán, điển hình như khi nói về các nhân tố đã tạo nên những thay đổi lớn lao trong lịch sử loài người (đơn cử phân đoạn về Cách mạng Nông nghiệp và Cách mạng Công nghiệp), thiếu đi những cơ sở khoa học đã được đông đảo cộng đồng hàn lâm chấp thuận.
Lập luận căn bản trong Sapiens cho rằng quan niệm nhân loại đã đều đặn trở nên tiến bộ hơn kể từ sau Cách mạng Nông nghiệp là phản thực tế. Thật ra, lập luận này đã hoàn toàn bỏ qua những động lực nhân khẩu học đóng vai trò cốt lõi trong việc thấu hiểu Bẫy Malthus và cả những động lực dẫn đến sự biến chuyển từ trì trệ đến phát triển.
Ngoài ra, phần thứ hai của Hành trình nhân loại còn khám phá nguồn gốc của sự bất bình đẳng giữa các quốc gia - điều này Sapiens không đề cập tới.
Trong Hành trình nhân loại, tôi nhấn mạnh vai trò của sự phân hóa giàu nghèo và bình đằng, các yếu tố về thể chế, văn hóa, địa lý và sự đa dạng của nhân khẩu trong sự phân hóa giàu nghèo giữa các quốc gia suốt 200 năm qua. Cuốn sách này chứa đựng rất nhiều ngụ ý về tầm quan trọng của các yếu tố như bình đẳng giới, tính đa dạng, và lòng khoan dung đối với việc hoạch định các chính sách nhằm xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia. Những phân tích quan trọng này vắng bóng trong Sapiens.
Tuy vậy, độc giả có thể tự tìm đọc và đưa ra những so sánh của riêng mình. Như tác giả cuốn Origins: How the Earth made us (Tạm dịch: “Nguồn gốc: Trái Đất đã tạo nên chúng ta như thế nào”), ông Lewis Dartnell đã viết: “Nếu bạn thích Sapiens, bạn sẽ thích Hành trình Nhân loại”.