Tìm giải pháp gỡ khó cho công tác giám định

Công tác giám định, định giá tài sản trong hoạt động tố tụng hình sự là một khâu rất quan trọng nhằm phục vụ cho công tác điều tra, xử lý tội phạm. Hoạt động này thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Số ma túy là tang vật trong một số vụ án được giám định vào đầu năm 2024.

Số ma túy là tang vật trong một số vụ án được giám định vào đầu năm 2024.

Trước tình hình đó, lãnh đạo Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp tốt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công tác giám định, đảm bảo hoạt động điều tra, xử lý tội phạm đúng quy định pháp luật.

Công tác giám định, định giá tài sản làm chậm quá trình điều tra

Tại Hội nghị chuyên đề tháo gỡ, xử lý khó khăn, vướng mắc về công tác giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự trên địa bàn tỉnh do Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh tổ chức vào ngày 2-7, Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho biết, quy định của pháp luật về hoạt động giám định tư pháp vẫn còn bất cập. Cụ thể, trong Luật Giám định tư pháp chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định và cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện giám định; thiếu chế tài bảo đảm thực hiện... dẫn đến một số trường hợp còn đùn đẩy, chậm trễ trong thực hiện giám định.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa cơ quan trưng cầu giám định với cơ quan thực hiện giám định còn nhiều vướng mắc, chất lượng kết luận giám định trong một số trường hợp chưa đáp ứng yêu cầu. Việc giám định giá trị thiệt hại một số loại tài sản chưa có quy định cụ thể, chẳng hạn như: tài sản phục vụ nhu cầu giải trí, tài sản có giá trị nghệ thuật, tài sản nằm ngoài danh mục hàng hóa nhà nước quy định, hàng hóa xuất xứ nước ngoài, hàng cấm nhập khẩu... Do không định giá được tài sản nên có nhiều vụ việc, cơ quan chức năng không thể khởi tố để xử lý.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh QUẢN MINH CƯỜNG yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải quan tâm, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn cho đội ngũ giám định viên tư pháp trên các lĩnh vực nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.

Ông Phan Quang Tuấn cũng cho biết, chi phí giám định tư pháp thường do cơ quan trưng cầu giám định chi trả nên nhiều trường hợp phải chi trả số tiền lớn trong khi kinh phí cấp cho giải quyết các vụ án hình sự hạn hẹp nên dễ dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm trưng cầu giám định giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Việc thanh toán các chi phí giám định còn chậm trễ, kéo dài, chưa kịp thời sau khi ban hành kết luận giám định.

Theo đại diện Công an huyện Long Thành, trên địa bàn huyện, thời gian qua, công tác điều tra một số vụ việc vẫn còn vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản. Một số vụ án liên quan đến công tác giám định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, định giá tài sản là đất đai..., cơ quan điều tra đã gửi trưng cầu giám định nhưng đến hết thời hạn điều tra mà vẫn chưa nhận được kết quả giám định.

Cũng bàn về những khó khăn này, thượng tá Trịnh Anh Dũng, Trưởng Công an huyện Xuân Lộc, cho biết tại Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định, thời hạn giám định theo từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, thực tế có một số vụ việc cơ quan giám định vẫn chậm trễ trong trả lời kết luận giám định. Trong đó, phần lớn là những kết luận giám định pháp y về tử thi, nguyên nhân tử vong trong các vụ tai nạn giao thông, chết chưa rõ nguyên nhân… gây ra những khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các tin báo, vụ án hình sự.

Hay như thời hạn về giám định chất ma túy, theo quy định của Luật Giám định tư pháp là không quá 9 ngày, nhưng thời gian trả lời có khi kéo dài nên cơ quan điều tra phải trả tự do đối với các bị can (vì hết thời gian tạm giữ nhưng chưa có kết quả giám định).

Phối hợp để gỡ khó cho công tác giám định

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị chuyên đề tháo gỡ, xử lý khó khăn, vướng mắc về công tác giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự trên địa bàn tỉnh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường đề nghị, để hoạt động giám định tư pháp, định giá tài sản trong hoạt động tố tụng hình sự đạt hiệu quả, các cơ quan liên quan cần phải có sự phối hợp chặt chẽ; đồng thời nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật để triển khai thực hiện một cách hiệu quả.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản trong hoạt động tố tụng hình sự, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 18-1-2024 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng phải tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động giám định, định giá, kịp thời chấn chỉnh các vướng mắc, khó khăn không để ảnh hưởng đến việc xử lý các vụ việc, vụ án.

Để thực hiện Chỉ thị 32 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác giám định, định giá tài sản trong hoạt động tố tụng hình sự, theo Sở Tư pháp, các cơ quan liên quan cần đảm bảo đúng thời gian giám định theo quy định của luật. Trường hợp cần gia hạn phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

Về kinh phí tổ chức giám định, theo Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 7-3-2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự (sửa đổi, bổ sung năm 2019) có quy định, Hội đồng định giá có quyền thuê cơ quan, tổ chức thực hiện giám định và sẽ được hỗ trợ kinh phí để thực hiện giám định thì cơ quan trưng cầu phải thanh toán đầy đủ, kịp thời.

Để giải quyết vấn đề này, Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn đề nghị Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát toàn bộ việc thiếu kinh phí trên địa bàn tỉnh, báo cáo Bộ Công an để có đánh giá về kinh phí trong hoạt động điều tra.

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202407/tim-giai-phap-go-kho-cho-cong-tac-giam-dinh-23d3fd5/