Tìm giải pháp, không tìm giải thích
Theo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, thành phố đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong công tác cải cách hành chính. Tuy nhiên, để làm tốt hơn công tác hiện đại hóa nền hành chính và cải cách tài chính công, TP. Hồ Chí Minh cần nỗ lực hơn nữa; tập trung khắc phục, cải thiện với tinh thần tìm giải pháp và hành động để đạt được kết quả, không tìm cách giải thích.
Chưa công khai tiến độ, chậm xử lý kiến nghị
Trong quý I.2022, TP. Hồ Chí Minh đã giải quyết hơn 5,2 triệu hồ sơ, trong đó hồ sơ đúng hạn chiếm tỷ lệ 99,87% và 7.149 hồ sơ quá hạn (chiếm tỷ lệ 0,13%). Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn tăng 0,13% so với cùng kỳ quý I.2021 (chiếm tỷ lệ 99,74%). Số lượng hồ sơ được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 797.662 hồ sơ tăng so với cùng kỳ quý I.2021 (có 674.042 hồ sơ).
Sở Thông tin - Truyền thông TP. Hồ Chí Minh đang tập trung hoàn thiện hệ thống Cổng Dịch vụ công TP. Hồ Chí Minh, dự kiến trong tháng 10.2022 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác. Cổng sẽ cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến toàn phần với các thủ tục hành chính đủ điều kiện. Cụ thể là cung cấp 403 dịch vụ công trực tuyến theo quyết định của UBND TP. Hồ Chí Minh và 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06.
Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Nhân cho biết, kết quả chỉ số cải cách hành chính năm 2021 do Bộ Nội vụ công bố, thành phố đạt 86,05%, xếp vị trí 43/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 20 bậc nhưng tăng giá trị chỉ số 1,35% so với kết quả năm 2020, dưới mức điểm trung bình chung của cả nước là 86,37%. Trong khi đó, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2021 (SIPAS 2021) của TP. Hồ Chí Minh 86,69%, nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có mức hài lòng thuộc loại trung bình thấp.
Nguyên nhân được đưa ra là do chưa thực hiện công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cấp xã trên Cổng thông tin điện tử, Cổng Dịch vụ công TP. Hồ Chí Minh; kết quả tiếp nhận trong năm được giải quyết đúng hạn tại các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và do UBND cấp huyện, cấp xã giải quyết còn có hồ sơ chậm; chậm xử lý phản ánh kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết…
Ngoài ra, dù Văn phòng Chính phủ, Chính phủ đã yêu cầu các địa phương xây dựng hệ thống đồng bộ Cổng thông tin điện tử một cửa với Cổng thông tin quốc gia, để Thủ tướng theo dõi việc giải quyết thủ tục hành chính tại các đơn vị trên cả nước. Song, hiện nay thành phố thực hiện chậm và manh mún. Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết khoảng 5,3 triệu hồ sơ, nhưng hiện trên hệ thống mà Thủ tướng theo dõi chỉ hơn 11.000 hồ sơ. Như vậy, các hồ sơ còn lại là báo cáo giấy.
Phân công rõ ràng, vạch rõ tiến độ
Tại Hội nghị sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2022 và phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan công tác cải cách hành chính năm 2021 do UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, Chủ tịch Phan Văn Mãi đánh giá, trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, thành phố đã có rất nhiều nỗ lực và mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong công tác cải cách hành chính. Tuy nhiên, công tác cải cách hành chính của thành phố cần phải nỗ lực nhiều hơn nếu so với yêu cầu phát triển của thành phố cũng như so với mong mỏi của người dân, doanh nghiệp và với các tỉnh, thành bạn trong cả nước.
Nhấn mạnh, “tìm giải pháp, không tìm giải thích”, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu, các đơn vị cần tập trung khắc phục, cải thiện với tinh thần tìm giải pháp và hành động để đạt được kết quả. Các sở, ngành phải nhìn thẳng vào thực tế, phải tự soi vào hoạt động cơ quan mình, thấy điểm hợp lý thì cầu thị, tiếp thu với tinh thần “sửa để tốt hơn”.
Theo đó, để làm tốt hơn công tác hiện đại hóa nền hành chính và cải cách tài chính công, TP. Hồ Chí Minh phải chuẩn bị thật kỹ việc xây dựng hệ thống thông tin điện tử. Đồng thời, các cơ quan đơn vị cấp thành phố đến cơ sở tập trung triển khai tốt các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính. Xác định những nội dung cần tập trung để có những giải pháp, phân công rõ ràng và đề ra tiến độ cụ thể; kiểm tra, đôn đốc thường xuyên để đến cuối năm 2022 hướng đến cải thiện chỉ số cải cách hành chính.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trưởng các cơ quan đơn vị từ cấp thành phố đến cấp phường xã, thị trấn phải quan tâm việc giải quyết các thủ tục hành chính, giải quyết các ý kiến, kiến nghị đơn thư của người dân và tổ chức gặp gỡ đối thoại với người dân, doanh nghiệp cho thật tốt. Còn các sở ngành cần rà soát, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá và qua đó xác định những bất cập để đề xuất tháo gỡ; cũng như tập trung nhiệm vụ có liên quan đến cải cách hành chính.