Tìm hướng đi đột phá cho HTX trồng xoài

Sản xuất một trong những loại cây ăn quả chủ lực của Việt Nam, nhưng các HTX trồng xoài vẫn đang loay hoay tìm hướng đi đột phá. Nếu không quan tâm đến chất lượng giống và quy trình sản xuất, thu hái, ngay cả việc HTX liên kết với doanh nghiệp chế biến cũng khó bền vững.

Theo thống kê của Tổng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tổng diện tích trồng xoài trên cả nước là hơn 115.000 ha, sản lượng gần 969.000 tấn. Xoài là cây trồng chính của nhiều hộ dân, thành viên HTX nhưng đầu ra cho loại nông sản này hiện nay vẫn rất bấp bênh.

Khó khăn về đầu ra

Cùng với sự xuống giá của một số nông sản như cam, sầu riêng… trên thị trường, từ trong tháng 4 đến nay, giá xoài tiếp tục giảm so với tháng 3/2023. Cụ thể, giá xoài cát Chu từ 24.700 đồng/kg giảm còn khoảng 8.000-8.100 đồng/kg; xoài cát Hòa Lộc từ 51.000 đồng/kg xuống 22.700 đồng/kg.

Giá xoài Đài Loan tại một số HTX bán 15.000-17.000 đồng/kg, thời điểm thu hoạch rộ chỉ còn khoảng 8.000 đồng/kg, xoài Úc cũng dưới 10.000 đồng/kg.

Khó khăn đầu ra cho quả xoài được cho là một số giống xoài truyền thống, có thương hiệu ở trong nước như xoài cát Hòa Lộc, xoài cát Chu từ trước đến nay chủ yếu phục vụ tiêu thụ trong nước, còn xuất khẩu rất ít vì không đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng thế giới.

Ngược lại, giống xoài Úc và Đài Loan trước đây xuất khẩu nhiều nhưng hiện giảm mạnh vì người tiêu dùng trên thế giới thắt chặt chi tiêu. Trong khi người tiêu dùng trong nước lại chưa ưa chuộng hai giống xoài này vì trọng lượng lớn, mùi không thật thơm.

Nhiều giống xoài hiện nay chưa bảo đảm yêu cầu để phục vụ chế biến.

Nhiều giống xoài hiện nay chưa bảo đảm yêu cầu để phục vụ chế biến.

Bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết thời điểm này không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác như Trung Quốc, Úc, Mexico… cũng thu hoạch xoài nên đầu ra và giá thêm khó khăn. Đó là chưa kể xoài phải cạnh tranh với nhiều loại nông sản khác cùng đến vụ thu hoạch.

Trong khi đó, phần lớn người dân, HTX hiện nay sử dụng các công nghệ xử lý, bảo quản thủ công nên chi phí lớn, chất lượng bảo quản chưa cao, tỷ lệ hư hỏng lớn, thời gian bảo quản ngắn, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Khi giá thấp, không bán kịp, người dân, HTX có khả năng phải đổ bỏ. Từ đó, nhiều hộ cũng tính toán không tăng diện tích hoặc giảm diện tích xoài vì càng đầu tư lớn thì càng lỗ nhiều. Còn giá vật tư đầu vào cũng chưa hạ nhiệt.

Hiệu quả liên kết chưa cao

Theo các chuyên gia, khó đầu ra, lại chủ yếu bán tươi là nguyên nhân khiến giá trị của quả xoài bị giảm. Điều này không phải do người dân, HTX chưa hình thành được các chuỗi giá trị từ sản xuất đến bao tiêu, chế biến mà thực tế cho thấy, nhiều đã có HTX, tổ hợp tác trồng xoài từng ký kết hợp tác với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nhưng số lượng này vẫn còn nhỏ hoặc hiệu quả liên kết chưa thực sự cao.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch Suối Lớn (Đồng Nai) chia sẻ, HTX đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp nhưng mức bao tiêu thấp, chỉ dưới 5.000 đồng/kg thì không bảo đảm lợi nhuận cho người dân và thành viên.

Theo một số cơ sở chế biến xoài, để đáp ứng được nhu cầu chế biến, các đơn vị này thường sử dụng các loại xoài như xoài tượng da xanh (xoài xanh khổng lồ) hoặc xoài keo vì có giá thành rẻ, bảo quản lâu, phần thịt dày, hạt lép, thời gian thu hoạch dài.

Chính vì vậy, để nâng cao giá trị cho trái xoài và bảo đảm lợi nhuận cho nông dân, thành viên HTX, các chuyên gia cho rằng việc đầu tiên là cần xây dựng quy trình từ trồng đến thu hoạch, sơ chế, bảo quản xoài tươi một cách đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc áp dụng công nghệ xử lý và bảo quản xoài sạch là cần thiết. Qua đó, giúp bảo quản xoài lâu hơn để chờ giá, tạo điều kiện vận chuyển đến các thị trường xa.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Trưởng Liên chi Hội Xoài Việt Nam (Hiệp hội Rau quả Việt Nam), hiện nay, xoài chủ yếu xuất khẩu qua các thị trường lớn bằng máy bay nên chi phí vận chuyển lên khoảng 7 USD/kg. Dù giá xuất khẩu cao nhưng lợi nhuận về tay người dân, thành viên HTX trồng xoài lại chưa nhiều.

Chính vì vậy, cần tìm ra quy trình bảo quản phù hợp để kéo dài thời gian bảo quản quả xoài, từ đó có thể thuận tiện cho vận chuyển bằng đường biển và gia tăng lợi nhuận cho người trực tiếp làm ra loại nông sản này.

Bên cạnh đó, một điều cần quan tâm là các giống xoài trồng ở nước ta rất nhiều nhưng lại chưa hoặc ít đạt tiêu chuẩn để phục vụ chế biến.Vì vậy, cần xem xét hoặc chọn tạo ra các giống xoài phục vụ ăn tươi và chế biến và có mục tiêu phát triển rõ ràng để người dân, HTX có kế hoạch sản xuất. Điều này cũng phục vụ tốt vấn đề nâng cao năng suất, chất lượng và có thể đảm bảo yêu cầu cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến để đa dạng hóa chủng loại sản phẩm và tạo đầu ra ổn định cho trái xoài.

Cùng cần nhìn vào thực tế rằng, hiện diện tích xoài của cả nước đã là 115.000 ha. Trong khi mục tiêu của Việt Nam đến 2025 diện tích xoài đạt 130.000 ha, sản lượng 1,1 triệu tấn, đến năm 2030 tương ứng là 140.000 ha và 1,5 triệu tấn.

Như vậy, việc tăng diện tích không còn là vấn đề quá nặng, mà chỉ nên trồng trong những vùng đã được quy hoạch, tránh trường hợp không xuất khẩu được, nông dân, HTX tiếp tục gặp khó khăn.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/tim-huong-di-dot-pha-cho-htx-trong-xoai-1092513.html