Tìm lại dấu vết văn hóa Champa ở Tây Nguyên - Kỳ cuối: Phát lộ di chỉ đặc biệt ở Gia Lai

Trong cuộc nói chuyện về văn hóa Champa với Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh Gia Lai), người tham gia cùng với các nhà khảo cổ khai quật di chỉ tháp Chăm An Phú, anh đã đưa ra ý tưởng nên thành lập nhà trưng bày văn hóa Champa vùng Tây Nguyên ở vị trí An Phú, TP. Pleiku hiện nay.

Chúng tôi cho rằng đây là ý tưởng mới. Trước mắt, Bảo tàng tỉnh nên lập đề án, thu thập tất cả tài liệu và di vật Champa ở Tây Nguyên.

Bên cạnh việc phát hiện cụm di tích (đã là phế tích) Champa ở Ayun Pa, Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn cho biết: Bảo tàng tỉnh còn lưu giữ các hiện vật Chăm, trong đó có phù điêu Phật Champa bằng sa thạch có nguồn gốc từ huyện Krông Pa, có niên đại khoảng thế kỷ VI-VII, phát hiện từ năm 1978, được Nhà nước công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017.

Dựa trên văn bản tiếng Pali thì đây là bài kệ nổi tiếng của Phật giáo được ghi trong nhiều thư tịch, nội dung đề cập về nhân duyên do tu sĩ A Thuyết Thị đọc cho tu sĩ Xá Lợi Phất nghe khi 2 người gặp trên đường tu học.

Bài kệ được viết như sau: “Chư pháp tòng nhân sinh/chư pháp tòng nhân diệt/như thị diệt dữ sinh/sa môn thuyết như thị” (nghĩa là: các pháp đều theo nhân mà sinh ra và theo nhân mà mất đi; việc sinh và mất ấy, Phật là người hiểu và nói rõ).

Bài kệ duyên khởi này, theo các nhà nghiên cứu, nó còn khắc trên mảnh vàng ở di chỉ tháp Gò Xoài, Long An hay trên phiến đất nung được phát hiện ở chùa Hồ Sơn, Hòn Miếu thuộc TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Đặc biệt, mới đây, khi khai quật di tích tháp Chăm ở An Phú đã phát hiện trong kho thiêng có miếng vàng lớn cũng khắc nội dung bài kệ này.

Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh còn lưu giữ một phù điêu Phật khác được đưa về từ chùa Bửu Tịnh (thị xã Ayun Pa) từ năm 1999, nó có nguồn gốc từ một gia đình ở Ayun Pa. Các nhà nghiên cứu đã đọc chữ Chăm cổ từ phía sau bức phù điêu này có nội dung cũng như bức phù điêu trước đó.

 Phù điêu Champa ở Bảo tàng tỉnh. Ảnh tư liệu

Phù điêu Champa ở Bảo tàng tỉnh. Ảnh tư liệu

Một di chỉ Chăm khá đặc biệt được phát hiện ở thôn Tư Lương (xã Tân An, huyện Đak Pơ) ngày nay. Đó là hòn đá có ký hiệu lạ mà người dân phát hiện vào thời điểm trước năm 1975, nhưng ít người chú ý.

Cách đây hơn 10 năm, vấn đề văn hóa Champa ở Tây Nguyên được mọi người để tâm và “bia đá Chăm” nơi này được khởi xướng tìm hiểu. Thông qua ngành Văn hóa địa phương, được sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu trong nước và các chuyên gia về bia ký Chăm ở nước ngoài đến Đak Pơ để khảo sát, đánh giá di vật ở Tư Lương.

Các chuyên gia đã xác thực đây là bia đá Chăm có từ thế kỷ XV, được khắc trên một khối đá granite tự nhiên, cao khoảng 2,2 m, có hình dạng tam giác với các cạnh không đều, bề mặt rộng nhất đo được 1,65 m, hẹp nhất là 0,2 m. Mặt trước khắc chìm 8 dòng chữ, mặt sau khắc 3 dòng chữ Chăm cổ.

Đến tháng 10-2019, 2 chuyên gia người Pháp và Campuchia đã hỗ trợ để lược dịch bia đá Tư Lương. Nhiều chữ trên bia bị mờ không rõ nên các chuyên gia chỉ dịch được 80% nội dung.

Ý nghĩa của lời dịch được tóm lược như sau: Một vị hoàng tử của vương triều Champa có ý định lấy vùng đất Đak Pơ ngày nay làm kinh đô. Vị hoàng tử này đã mở đường, đắp đập và đã sắp xếp các trật tự, thứ bậc (quan lại, cấp chính quyền) nơi đây.

Và rất nhiều lần, vị hoàng tử đã lui tới vùng đất này để theo dõi tiến độ thành lập kinh đô. Thời gian sau, khi kinh đô chưa hoàn thành, không biết vì lý do gì, vị hoàng tử đó đã tự vẫn ở cửa sông.

Hiện nay, bia ký Tư Lương đã được chính quyền địa phương bảo tồn, lưu giữ tại nơi phát hiện. Năm 2022, di chỉ này được UBND tỉnh công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh.

Cũng bên dòng sông Ba, nơi giáp với sông Krông Năng (thuộc buôn Jú, xã Krông Năng, huyện Krông Pa), năm 2006, người ta đã phát hiện phế tích tháp Bang Keng nằm trong khu vực sát ngã ba sông, có niên đại từ thế kỷ VI-VII.

Năm 2010, Bảo tàng tỉnh phối hợp với các nhà khoa học tiến hành khai quật phế tích này. Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là công trình tháp xây hoàn chỉnh bằng gạch Chăm, bị sụp đổ từ lâu.

Kỹ thuật xây kỳ công, có gạch trang trí nhiều loại, ngói lợp có hình máng bẹt, có hoa văn; đặc biệt, đầu ngói ống có hình mặt người (ngói mặt hề). Đặc điểm trên cho thấy tháp Bang Keng rất gần gũi với các di tích văn hóa Champa ở duyên hải miền Trung, nhất là di tích Chăm ở Trà Kiệu (Quảng Nam), Thành Hồ (Phú Yên)…

Qua đây, chúng ta thấy bên dòng sông Ba, từ Phú Yên đến An Khê, một hệ thống tháp Chăm và thành quách được xây dựng từ rất sớm. Vùng hạ lưu, hiện nay còn có tháp Nhạn (Tuy Hòa) và phế tích Thành Hồ.

Và ngược về thượng nguồn, có tháp Bang Keng, Yang Mum, Drang Lai và thành Kuai King. Đến vùng An Khê cũ người ta còn tìm thấy các di vật Chăm và đặc biệt tìm thấy bia ký Tư Lương (huyện Đak Pơ)…

 Plei Wao-nơi khai quật tháp Chăm An Phú. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Plei Wao-nơi khai quật tháp Chăm An Phú. Ảnh: Hùng Hoa Lư

Những năm gần đây, Bảo tàng tỉnh phối hợp với các nhà khoa học đã 2 lần tiến hành khai quật phế tích Chăm ở xã An Phú (TP. Pleiku) làm phát lộ nhiều dữ liệu, di vật quan trọng thu hút giới nghiên cứu văn hóa Champa theo dõi, tìm hiểu.

Trước đây, qua các thông tin, ghi chép của các nhà nghiên cứu người Pháp từ thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX, người ta biết đến di tích Chăm Phú Thọ hay tháp Chăm An Phú; người địa phương gọi là Bmong Yang.

Năm 1906, linh mục M.Jannin có đến khảo sát tháp Chăm tại Plei Wao (Phú Thọ). Sau đó, nhà nghiên cứu H.Parmentier có đề cập việc này và nói có 2 ngôi tháp ở khu vực Plei Wao, giáp với Đồng Pô được ngăn cách với suối Cho.

Ông mô tả, một di tích Chăm nằm phía Bắc là Bmoong Yang; xa hơn về phía Nam là tháp Chăm lớn (phần kiến trúc phía trên không còn), người địa phương gọi là Rong Yang (nhà của trời).

Đầu năm 2022 và năm 2023, Bảo tàng tỉnh và các nhà nghiên cứu tiến hành khảo sát và khai quật đợt 1 với 4 hố thăm dò trên diện tích gần 238 m2, làm rõ được không gian phân bố và quy mô của kiến trúc cổ An Phú.

Bước đầu, tạm thời xác định niên đại của tháp Chăm vào thế kỷ XI-XIII, được đánh giá di tích nơi đây có vị trí quan trọng trong bối cảnh kinh tế-văn hóa giữa khu vực Gia Lai với các vùng khác của Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.

Lần khai quật thứ 2 (năm 2024) có quy mô hơn với sự tham gia của Viện Khảo cổ vùng Nam Bộ nhằm làm rõ đặc điểm của di tích, củng cố cứ liệu khoa học, phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích Chăm An Phú. Đợt khai quật này đã xuất lộ các di tích đặc biệt trong tầng văn hóa là kho thiêng nằm ngay bên dưới lớp móng đá, có cấu trúc theo trục Đông-Tây-Nam-Bắc.

Trung tâm kho thiêng được kè chặt bằng đá tạo vòng tròn bao bọc xung quanh và tạo dựng bằng các viên gạch xếp hình chữ vạn, bên trong tìm thấy hiện vật là đồ ký cúng. Di vật thu được trong kho thiêng gồm: nhóm di vật bằng vàng (bình kamandalu, hoa sen, các lá vàng có khắc ký tự cổ), trang sức bằng đá quý, thủy tinh… với mục đích dâng cúng cho các vị thần được thờ trong đền tháp.

Đây là phát hiện rất quan trọng, cung cấp nhiều thông tin mới, giúp cho việc nhận diện đặc trưng tôn giáo và mối quan hệ với các kiến trúc đồng dạng trên địa bàn Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam Á và Ấn Độ.

Các nhà nghiên cứu cho biết: Từ những di vật có được, kết hợp với thông tin trước đây về hiện vật chân tượng đồng đặt đứng trên bệ thờ bằng đá và phù điêu nữ thần trong thế vương tọa cho thấy có những yếu tố của Mật Tông từ miền Bắc Ấn Độ.

Với cấu trúc kho thiêng trong đền tháp An Phú là di chỉ duy nhất được phát lộ trong các di chỉ Chăm phát hiện ở Tây Nguyên cho đến thời điểm này.

Có thể nói, những phát hiện mới qua công tác khảo cổ học ở di chỉ tháp Chăm An Phú đủ để khẳng định về tầm quan trọng của di tích và sự độc đáo của nó trong việc góp phần làm rõ lịch sử-văn hóa của vùng đất Gia Lai nói riêng và địa bàn Tây Nguyên nói chung.

Dù đa phần những di chỉ văn hóa Champa ở Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng trở thành phế tích, nhưng công tác khảo cổ từ ngày đất nước thống nhất đến nay đã đem lại dữ liệu quan trọng, minh chứng một thời về mối liên hệ giữa vương quốc Champa với các bộ tộc Tây Nguyên khá lâu dài và chặt chẽ cả về mặt văn hóa và kinh tế.

Nếu như có một cấp chính quyền của vương quốc Champa ở Tây Nguyên (châu Thượng Nguyên) như trong sử sách thì phế tích Kuai King ở Ayun Pa (vùng Cheo Reo cũ) có thể là khu hành chính mà quan chức Chăm từng có mặt để cai quản các bộ tộc bản địa ở vùng đất bazan này?

Trong cuộc nói chuyện với Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn, anh đã đưa ra ý tưởng nên thành lập nhà trưng bày văn hóa Champa vùng Tây Nguyên ở vị trí An Phú hiện nay nhằm giới thiệu với công chúng về một thời kỳ lịch sử mà vương quốc Champa cổ đã để lại dấu ấn khá sâu đậm trên vùng đất Tây Nguyên. Chúng tôi cho rằng đây là ý tưởng mới.

Trước mắt, Bảo tàng tỉnh nên lập đề án, thu thập tất cả tài liệu và di vật Champa ở các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên, đề xuất với ngành Văn hóa và chính quyền sở tại để tiến hành hoàn chỉnh phương án dự kiến.

BÙI QUANG VINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/tim-lai-dau-vet-van-hoa-champa-o-tay-nguyen-ky-cuoi-phat-lo-di-chi-dac-biet-o-gia-lai-post312054.html