Tìm lời giải để phát triển ngành mía đường

Những năm gần đây, ngành sản xuất mía đường của Việt Nam liên tiếp gặp khó khăn, nhiều nhà máy chế biến phải đóng cửa, tạm ngừng sản xuất, một số nông dân thậm chí còn chặt bỏ cây mía để thay thế cây trồng khác vì trồng mía không có lãi, thậm chí thua lỗ. Nguyên nhân là đường sản xuất không thể cạnh tranh được với đường lậu và nhập khẩu chính ngạch.

Áp thuế chống bán phá giá để cứu ngành đường

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng đột biến trong năm 2020, đạt hơn 1,5 triệu tấn. Do lượng đường nhập khẩu tăng đột biến trong năm 2020 nên sản lượng sản xuất đường trong nước bị ảnh hưởng đáng kể (niên vụ 2020, các nhà máy đường của Việt Nam chỉ sản xuất được khoảng 900.000 tấn so với trung bình hằng năm hơn 1,2 triệu tấn đường).

Giá mía thấp làm cho diện tích vùng nguyên liệu tụt giảm nghiêm trọng. Diện tích mía của cả nước từ 300.000ha đến nay chỉ còn dưới 160.000ha. Tổng số từ 41 nhà máy đường đến nay chỉ còn 29 nhà máy hoạt động cầm chừng do nguyên liệu thiếu, chỉ đáp ứng được 50% công suất thiết kế. Theo ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn: Ngành mía đường Việt Nam trong những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực. Do ngành đường Thái Lan được trợ giá, trợ cấp nên đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam có giá bán rất thấp. Vì thế, giá thành sản xuất đường của các nhà máy trong nước không thể cạnh tranh được kể cả các nhà máy đã phải mua giá mía thấp của bà con nông dân.

Ghe chở mía trên kênh Xà No, TP Vị Thanh (Hậu Giang) về nhà máy.

Ghe chở mía trên kênh Xà No, TP Vị Thanh (Hậu Giang) về nhà máy.

Trước thực trạng trên, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT, ngày 9-2-2021 về việc áp dụng các biện pháp chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Ông Phạm Hồng Dương, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Công ty Cổ phần Thành Thành Công-Biên Hòa cho rằng: "Quyết định CBPG, CTC thực sự cần thiết cho ngành mía đường và mang lại những lợi ích thiết thực không chỉ cho các nhà máy mà còn cho người nông dân".

Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam chia sẻ: "Việc áp thuế CBPG và CTC tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan được Bộ Công Thương quyết định là theo đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và luật pháp Việt Nam. Kết quả điều tra cho thấy, các sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, bao gồm đường tinh luyện và đường thô, đã được trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%, trong khi đặc trưng của ngành mía đường tại mọi quốc gia chi phí sản xuất chiếm đến 70-80% giá thành sản xuất, khiến ngành đường Việt Nam phải bán đường ở mức giá không đủ trả tiền nguyên liệu mía. Tác động của bán phá giá mang tính hủy diệt chuỗi liên kết. Bởi vậy, không ngành sản xuất, chế biến đường nào có thể tồn tại trong điều kiện như thế".

Xây dựng vùng liên kết mía đường

Giải pháp điều tra, áp thuế CBPG đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan được doanh nghiệp và người nông dân rất đồng tình. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế; còn về lâu dài, để ngành sản xuất mía đường của Việt Nam phát triển bền vững, cạnh tranh trong xu thế hội nhập, thực hiện đúng cam kết ATIGA thì vẫn cần những giải pháp mang tính căn cơ, bài bản, đồng bộ hơn. Ông Nguyễn Thanh Hiền, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An cho hay: "Việc đầu tiên để phát triển vùng nguyên liệu là triển khai quy hoạch phát triển diện tích trồng mía. Thứ hai là chọn giống mía có trữ lượng tốt, phù hợp với từng vùng, miền. Nhà nước và từng doanh nghiệp phải có những chính sách hỗ trợ người nông dân trồng mía. Điều đặc biệt nữa là việc cam kết, "sự thủy chung" giữa nông dân trồng mía và nhà máy sản xuất, chế biến".

Để ngành sản xuất mía đường của Việt Nam phát triển bền vững, cạnh tranh trong xu thế hội nhập, Nhà nước cần sớm ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi (bao gồm vay vốn, thuế và các điều kiện thiết yếu) cho nhà máy đường và người trồng mía, nhất là chính sách hỗ trợ cho nông dân; sửa đổi chính sách đất đai, hạn điền là cánh đồng lớn để phát triển vùng nguyên liệu tập trung-vốn được xem là điều kiện tiên quyết để cơ giới hóa, đầu tư giao thông, thủy lợi... Việc tăng cường công tác nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nhằm tăng sản lượng, chất lượng cây mía; công tác bảo vệ thực vật, giống; đẩy mạnh xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã làm cơ sở hình thành các chuỗi liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, tạo sự gắn bó tin tưởng giữa doanh nghiệp với nông dân, chia sẻ lợi nhuận và rủi ro trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ mía đường cũng là các yếu tố quan trọng để ngành sản xuất mía đường của Việt Nam phát triển bền vững. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần ngăn chặn hiệu quả và xử lý nghiêm việc nhập lậu đường từ Thái Lan và các nước vào Việt Nam. Chỉ như vậy mới giúp ngành sản xuất mía đường trong nước đứng vững và phát triển.

Bài và ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tim-loi-giai-de-phat-trien-nganh-mia-duong-661586