Tìm thấy đột biến trong virus cúm gia cầm ở người đàn ông Chile
Kết quả giải trình tự gene của người đàn ông ở Chile bị nhiễm virus cúm gia cầm cho thấy có 2 đột biến đáng lo ngại. Nhưng mối đe dọa của loại virus này cho người vẫn còn thấp.
Theo ABC News, phân tích mới trong phòng thí nghiệm đang xem xét loại virus được tìm thấy trong phổi của người đàn ông 53 tuổi, sống ở vùng Antofagasta của Chile.
Trình tự gene tiết lộ có 2 đột biến liên quan. Các quan chức y tế Chile và Mỹ đang cùng điều tra vụ việc.
“Khi những loại virus này xâm nhập vào con người, chúng có khả năng thích nghi để phát triển tốt hơn trong cơ thể chúng ta và đây là dấu hiệu đang xảy ra”, Andrew Pekosz, nhà nghiên cứu cúm tại Đại học Johns Hopkins, cho biết.
Theo Pekosz, 3 hoặc 4 loại đột biến cần được phát hiện trong virus H5N1 trước khi việc này làm dấy lên tín hiệu báo động về mối lo ngại sắp xảy ra.
Bản tóm tắt của WHO về vụ việc cho biết người đàn ông Chile bị nhiễm bệnh do tiếp xúc với những con chim chết hoặc chim, sư tử biển bị nhiễm bệnh. Được biết, trước đó, ông ấy vẫn khỏe mạnh và không đi du lịch.
Đến ngày 13/3, ông bắt đầu bị ho, đau họng và khàn tiếng. Khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, ông được đưa đến phòng chăm sóc đặc biệt và điều trị bằng thuốc kháng virus và kháng sinh. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho hay hiện tại, ông vẫn đang nằm viện và được theo dõi.
Theo ABC News, trước đây, các nghiên cứu trên động vật cho thấy những đột biến có thể khiến virus trở nên nguy hiểm hoặc lây lan dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chúng không đưa ra được bằng chứng các đột biến sẽ giúp virus dễ dàng sinh sôi trong phổi của người hơn.
Tiến sĩ Vivien Dugan, làm việc tại CDC, cho biết các đột biến không làm thay đổi đánh giá của quan chức y tế về nguy cơ lây nhiễm chung giữa người do virus H5N1.
CDC thông tin các đột biến chỉ xuất hiện ở một bệnh nhân nhập viện, có thể xảy ra sau khi người đàn ông này bị bệnh. Vì thế, không bằng chứng nào cho thấy virus đột biến lây lan sang người khác, trộn lẫn với virus cúm khác hoặc phát triển khả năng chống lại các loại thuốc hiện tại hay kháng vaccine.
Tiến sĩ Dugan nói: “Điều quan trọng là phải tiếp tục xem xét cẩn thận mọi trường hợp lây nhiễm ở người. Chúng ta cần cảnh giác với những thay đổi có thể khiến virus đột biến trở nên nguy hiểm hơn đối với con người”.
Cúm A H5N1 lần đầu tiên được xác định là mối đe dọa đối với con người trong đợt bùng phát năm 1997 ở Hong Kong (Trung Quốc), khi du khách bị nhiễm tại chợ buôn bán gia cầm sống.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các đợt bùng phát lẻ tẻ xảy ra sau đó và hơn 450 người chết trong 2 thập kỷ do nhiễm cúm gia cầm. Phần lớn người nhiễm bệnh bị lây trực tiếp từ chim. Tuy nhiên, khi cúm gia cầm tấn công các loài khác, các nhà khoa học lo ngại virus có thể tiến hóa để lây lan dễ dàng hơn giữa người với người.