Tìm thấy tác phẩm bí ẩn của Van Gogh ở chợ đồ cũ

Các chuyên gia xác định bức tranh mua tại chợ đồ cũ ở Minnesota (Mỹ) là tác phẩm chưa từng được biết đến của danh họa Van Gogh, gây xôn xao trong giới nghệ thuật.

 Bức tranh khắc họa hình ảnh một người ngư dân già đang dệt lưới bên bờ biển. Ảnh: LMI Group International, Inc.

Bức tranh khắc họa hình ảnh một người ngư dân già đang dệt lưới bên bờ biển. Ảnh: LMI Group International, Inc.

Theo kết quả phân tích chuyên sâu vừa được công bố, một bức tranh mua tại buổi bán đồ cũ ở Minnesota (Mỹ) được xác định là tác phẩm thất lạc của danh họa người Hà Lan Vincent Van Gogh, CNN đưa tin.

Các chuyên gia từ công ty nghiên cứu nghệ thuật LMI Group International xác định bức tranh được vẽ vào năm 1889, khi Van Gogh đang điều trị tại bệnh viện tâm thần Saint-Paul ở miền Nam nước Pháp. Kết luận này dựa trên phân tích kết cấu vải canvas, sắc tố màu sơn và các đặc điểm khác của tác phẩm.

LMI phát hiện bức tranh này có lớp sơn mỏng màu trắng như trứng, một kỹ thuật mà Van Gogh thường sử dụng để bảo vệ các tác phẩm của mình. LMI Group cũng đã so sánh chữ ký "Elimar" với các chữ ký khác của danh họa và tìm thấy nhiều điểm tương đồng đáng kể.

Bức tranh được một nhà sưu tầm đồ cổ mua lại vào năm 2016, với dòng chữ “Elimar” xuất hiện ở góc phải bên dưới.

Với kích thước 45,7 cm x 41,9 cm, bức tranh được các chuyên gia xác nhận là tác phẩm của Van Gogh sau quá trình thẩm định kéo dài 4 năm.

 Phân tích chữ viết tay được sử dụng để giúp nhận diện tác phẩm. Ảnh: OddCommon.

Phân tích chữ viết tay được sử dụng để giúp nhận diện tác phẩm. Ảnh: OddCommon.

Bức tranh sơn dầu trên vải khắc họa chân dung một ngư dân với bộ râu trắng, vừa hút tẩu thuốc vừa sửa lưới đánh cá bên bờ biển. Theo LMI, tác phẩm này được lấy cảm hứng từ một bức tranh của họa sĩ Đan Mạch Michael Ancher (1849-1927), và là một trong những tác phẩm mà Van Gogh chuyển thể từ tranh các nghệ sĩ khác.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện một sợi tóc mắc kẹt trong lớp vải canvas và đã gửi đi phân tích. Kết quả cho thấy đó là tóc của một người đàn ông, nhưng do tình trạng phân hủy mạnh, các nhà khoa học không thể xác định mối liên hệ ADN với hậu duệ của Van Gogh.

“Chúng tôi kết hợp khoa học và công nghệ với các công cụ truyền thống như thẩm định nghệ thuật, phân tích bối cảnh lịch sử, đánh giá phong cách và nghiên cứu nguồn gốc, nhằm mở rộng và tối ưu hóa các phương pháp xác thực tác phẩm nghệ thuật dựa trên những đặc điểm riêng biệt của từng tác phẩm", Lawrence M. Shindell, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của LMI Group, cho biết trong một thông cáo báo chí.

Mặc dù đã trải qua quá trình phân tích chuyên sâu, bức tranh vẫn cần được Bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, Hà Lan công nhận là tác phẩm chính thức của danh họa. Khi được công nhận, Elimar có thể đạt giá trị ước tính lên đến 15 triệu USD.

Vào tháng 12/2018, chủ sở hữu trước đó từng đề nghị đơn vị xác nhận tranh thuộc về Van Gogh nhưng bị từ chối. Tuy nhiên, LMI, đơn vị đã mua lại tác phẩm vào năm 2019, khẳng định sự tự tin vào kết luận của mình.

"Việc phát hiện một bức tranh chưa từng được biết đến của Van Gogh không phải là điều quá bất ngờ. Ông nổi tiếng vì đã làm thất lạc nhiều tác phẩm. Trong phần lớn sự nghiệp, ông thường tặng tranh cho bạn bè và không quá quan tâm đến những bức ông coi là bài thực hành", báo cáo của LMI nêu rõ.

LMI cũng cho rằng bức tranh là một tác phẩm chứa đựng nhiều cảm xúc và mang dấu ấn cá nhân sâu sắc, được tạo ra trong giai đoạn cuối đầy biến động của cuộc đời Van Gogh.

Trong suốt sự nghiệp, Van Gogh đã sáng tác khoảng 900 bức tranh. Ông được cho là mắc chứng rối loạn lưỡng cực và rối loạn nhân cách ranh giới, mặc dù những chẩn đoán này chưa từng được xác nhận chính thức.

Năm 2020, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y khoa Đại học Groningen, Hà Lan, cho rằng Van Gogh có thể đã trải qua 2 đợt loạn thần ngắn, có thể là trạng thái mê sảng do cai rượu, sau khi ông nhập viện vì tự cắt tai bằng dao cạo vào năm 1888.

Van Gogh qua đời do tự sát vào năm 1890 khi mới 37 tuổi.

Tường Uyên

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/tim-thay-tac-pham-bi-an-cua-van-gogh-o-cho-do-cu-post1529098.html