Tìm thấy thiên hà xa nhất trong vũ trụ tồn tại 300 triệu năm sau Vụ nổ lớn

Được gọi là JADES-GS-z14-0, ánh sáng của thiên hà này phải mất khoảng 13,5 tỷ năm mới đến được với chúng ta, vì vậy, ánh sáng bắt đầu hành trình của nó chỉ 300 triệu năm sau Vụ nổ lớn (Big Bang).

 Sử dụng Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA, các nhà khoa học đã tìm thấy một thiên hà phá kỷ lục được quan sát chỉ 300 triệu năm sau vụ nổ lớn

Sử dụng Kính viễn vọng Không gian James Webb của NASA, các nhà khoa học đã tìm thấy một thiên hà phá kỷ lục được quan sát chỉ 300 triệu năm sau vụ nổ lớn

Thiên hà mới được tìm thấy có chiều ngang 1.600 năm ánh sáng, nghĩa là ánh sáng phải mất 1.600 năm để truyền từ đầu này sang đầu kia. Các chuyên gia cho biết, JADES-GS-z14-0 “đáng chú ý về độ lớn và độ sáng”, với lượng ánh sáng khổng lồ được tạo ra bởi các ngôi sao trẻ của nó.

 Khả năng hồng ngoại của James Webb cho phép nó “nhìn ngược thời gian” về Vụ nổ lớn, xảy ra cách đây 13,8 tỷ năm. Sóng ánh sáng di chuyển cực kỳ nhanh, khoảng 300.000km mỗi giây.

Khả năng hồng ngoại của James Webb cho phép nó “nhìn ngược thời gian” về Vụ nổ lớn, xảy ra cách đây 13,8 tỷ năm. Sóng ánh sáng di chuyển cực kỳ nhanh, khoảng 300.000km mỗi giây.

Vì vũ trụ quá rộng lớn nên ánh sáng từ một thiên hà có thể mất hàng tỷ năm mới đến được thiên hà khác. Khi ánh sáng từ một thiên hà xa xôi cuối cùng cũng đến được với chúng ta, ánh sáng đó tiết lộ một “ảnh chụp nhanh” của thiên hà xuất hiện khi nó bắt đầu hành trình cách đây hàng tỷ năm.

Tiến sĩ Francesco D'Eugenio, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Cambridge cho biết, ánh sáng từ JADES-GS-z14-0 (mới được kính thiên văn phát hiện) bắt đầu hành trình khoảng 13,5 tỷ năm trước. Vào thời điểm đó, khoảng cách giữa JADES-GS-z14-0 và nơi thiên hà của chúng ta (Dải Ngân hà) cuối cùng hình thành chỉ là 2 tỷ năm ánh sáng. Nhưng vì vũ trụ đã giãn nở rất nhiều nên khoảng cách giữa JADES-GS-z14-0 và Dải Ngân hà hiện nay là khoảng 34 tỷ năm.

Kính thiên văn Không gian James Webb (JWST), trước đó gọi là Kính thiên văn không gian thế hệ tiếp theo (NGST), là một kính viễn vọng không gian được chế tạo và đã phóng lên vào 19h20 (giờ Việt Nam) ngày 25/12/2021. Kính JWST có độ nhạy và độ phân giải chưa từng có với khả năng thu thập từ bước sóng khả kiến cho tới hồng ngoại trung và là thế hệ kính thiên văn kế tiếp của kính thiên văn không gian Hubble và kính thiên văn không gian Spitzer. Kính có đặc điểm bao gồm một gương chính ghép mảnh đường kính 6,5m được tên lửa đưa tới điểm L2 của hệ Mặt Trời - Trái Đất. Các tấm chắn Mặt Trời lớn sẽ giữ cho gương và bốn thiết bị khoa học luôn ở dưới 50K (−220°C; −370°F).

Bên cạnh đó, kính viễn vọng James Webb trị giá 10 tỷ USD cũng đã tìm thấy thiên hà ở xa thứ 2 trong vũ trụ, được gọi là JADES-GS-z14-1. Brant Robertson, nhà thiên văn học tại Đại học California, Santa Cruz và đồng tác giả của một nghiên cứu mới, gọi phát hiện này là “hoàn toàn bất ngờ”.

 Thiên hà JADES-GS-z14-0 tồn tại chỉ 300 triệu năm sau Vụ nổ lớn (xảy ra khoảng 13,8 tỷ năm trước)

Thiên hà JADES-GS-z14-0 tồn tại chỉ 300 triệu năm sau Vụ nổ lớn (xảy ra khoảng 13,8 tỷ năm trước)

“Đây có thể được coi là khám phá ngoài thiên hà quan trọng nhất với kính viễn vọng không gian James Webb cho đến nay. Thiên hà này thực sự là một viên ngọc quý và nó chỉ ra nhiều kho báu ẩn giấu hơn trong vũ trụ sơ khai”, nhà thiên văn học Brant Robertson cho biết.

 Kính viễn vọng Không gian James Webb quay quanh Mặt trời, cách Trái đất 1 triệu dặm tại điểm được gọi là điểm Lagrange thứ hai hay L2

Kính viễn vọng Không gian James Webb quay quanh Mặt trời, cách Trái đất 1 triệu dặm tại điểm được gọi là điểm Lagrange thứ hai hay L2

Các nhà thiên văn học lần đầu tiên phát hiện ra JADES-GS-z14-0 vào đầu năm 2023, nhưng họ cần quan sát thêm để chắc chắn rằng nó thực sự là một vật thể phá kỷ lục chứ không phải là một “kẻ kỳ quặc khó hiểu”. Trong khi đó, thiên hà xa thứ 2 trong vũ trụ (JADES-GS-z14-1, cách chúng ta 33,6 tỷ năm ánh sáng) lại có kích thước nhỏ hơn.

“Từ màu sắc của nó, chúng tôi cũng có thể nói rằng nó thực sự là một thiên hà chứ không phải một lỗ đen siêu lớn đang bồi tụ. Nếu chúng ta có thể đóng băng thời gian ngay bây giờ và đặt một cây thước giữa chúng ta và GS-z14-0, chúng ta sẽ đo được khoảng cách xấp xỉ 34 tỷ năm ánh sáng – đó là bao nhiêu không gian đã được thêm vào”, Tiến sĩ Francesco D'Eugenio tiết lộ với truyền thông.

 Ánh sáng của JADES-GS-z14-0 phải mất khoảng 13,5 tỷ năm mới đến được với chúng ta

Ánh sáng của JADES-GS-z14-0 phải mất khoảng 13,5 tỷ năm mới đến được với chúng ta

Kể từ khi đi vào hoạt động vào năm 2022, kính thiên văn Webb đã mở ra một kỷ nguyên mới của những đột phá khoa học, nhìn xa hơn bao giờ hết vào vùng xa xôi của vũ trụ.

Kính viễn vọng James Webb, nằm trong không gian quay quanh mặt trời của chúng ta, thường được mô tả là có thể “nhìn ngược thời gian”, mặc dù nghe có vẻ viển vông nhưng thực tế nó là sự thật. Trong 2 năm qua, các nhà khoa học đã sử dụng James Webb để khám phá điều mà các nhà thiên văn học gọi là “bình minh vũ trụ” - khoảng thời gian trong vài trăm triệu năm đầu tiên sau Vụ nổ lớn nơi các thiên hà đầu tiên ra đời.

Nam Anh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/tim-thay-thien-ha-xa-nhat-trong-vu-tru-ton-tai-300-trieu-nam-sau-vu-no-lon-post552582.html