Tìm về chợ phiên Hoàng Su Phì

Đến với mảnh đất phía Tây – Hoàng Su Phì vào mỗi dịp cuối tuần, du khách sẽ được hòa mình vào không gian tấp nập của chợ phiên vùng cao. Không chỉ là nơi để đồng bào mua, bán, trao đổi sản vật, chợ phiên còn là dịp để mọi người gặp gỡ, tâm tình, đồng thời lưu giữ những nét văn hóa độc đáo riêng có của miền đất “vỏ cây vàng”.

Chợ phiên huyện Hoàng Su Phì diễn ra vào Chủ nhật hàng tuần, tại trung tâm thị trấn Vinh Quang. Theo các cụ cao niên ở thị trấn, chợ phiên có từ lâu đời, ước tính đã tồn tại trên 200 năm. Trước đây, vì đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân chủ yếu đi bộ nên bà con thường đi từ chiều hôm trước để buổi tối được gặp gỡ và ăn uống, giao lưu, trò chuyện cùng nhau. Hôm sau mới tiến hành các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa. Hiện nay, đời sống phát triển, các gia đình đều có xe máy để đi lại và vận chuyển hàng hóa nên bà con chủ yếu đi chợ vào lúc sáng sớm và phiên chợ chỉ diễn ra trong một buổi sáng cuối tuần.

Khu vực bán đồ trang sức bằng bạc thu hút chị em phụ nữ.

Khu vực bán đồ trang sức bằng bạc thu hút chị em phụ nữ.

Tham gia phiên chợ là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, La Chí, Cờ Lao... sinh sống tại các xã trên địa bàn huyện. Vì vậy, chợ phiên Hoàng Su Phì cũng tràn ngập sắc màu của những bộ trang phục truyền thống đặc trưng các dân tộc. Họ mang đến chợ những sản vật đa dạng, phong phú, tự sản xuất ra như: Các loại rau, củ, quả, gia súc, gia cầm, vải thổ cẩm, trang sức bằng bạc, các sản phẩm thủ công đan lát... Trong đó, có không ít các đặc sản địa phương như: Chè Shan tuyết chế biến thủ công, gà đen, lợn đen bản địa, gạo nếp nương, một số loại dược liệu quý. Chị Hoàng Thị Thủy, người dân thị trấn Vinh Quang cho biết: Tôi luôn mong chờ đến những dịp chợ phiên cuối tuần để được mua sắm các sản phẩm nông sản do bà con sản xuất. Các loại rau, quả, thịt gia cầm đều rất tươi, ngon và là thực phẩm sạch nên tôi luôn ưu tiên mua để sử dụng cho sinh hoạt của gia đình.

Xúng xính váy áo đến chợ phiên từ sáng sớm, mang theo khá nhiều chè Shan tuyết để bán, chị Triệu Mùi Mủi, xã Hồ Thầu cho biết: Xã Hồ Thầu có đặc sản chè Shan tuyết nổi tiếng với hương vị thơm, ngon, màu nước đẹp. Gia đình tôi thường thu hái và sao, sấy thủ công nên vị rất đậm đà, vào mỗi dịp chợ phiên của huyện, tôi đều mang đi bán. Nhờ chất lượng tốt nên được người tiêu dùng ưa chuộng, giá thành dao động từ 250 – 500 nghìn đồng/kg tùy từng loại. Không chỉ các cán bộ, công chức ở huyện mua mà người dân các xã lân cận cũng mua chè để uống. Nhờ đó, vào mỗi dịp chợ phiên, sau khi bán chè tôi lại có một khoản thu nhập để mua sắm các vật dụng cần thiết cho gia đình.

Đến chợ phiên Hoàng Su Phì, du khách dễ dàng nhìn thấy một loạt những món ngon được bày bán như thắng cố, phở, xôi ngũ sắc, bánh đúc, mèn mén... Từng nhóm người ngồi quây quần bên những bộ bàn ghế bằng tre, gỗ đã nhuốm màu thời gian, cùng thưởng thức bát thắng cố nóng hổi, nhấp chén rượu ngô thơm nồng và chia sẻ với nhau những câu chuyện thường ngày, không gian ồn ã của phiên chợ dường như lắng đọng lại.

Mặt hàng chè Shan tuyết sao thủ công được nhiều người tìm mua.

Mặt hàng chè Shan tuyết sao thủ công được nhiều người tìm mua.

Kế bên, các sạp hàng bán vải, thổ cẩm cũng thu hút đông đảo người mua. Đôi bàn tay khéo léo của các chị em phụ nữ người dân tộc Nùng, Dao, Mông, La Chí... đã dệt nên những tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu với hoa văn phong phú, đa dạng, bắt mắt. Ở đây còn bán các loại khăn, túi xách, vỏ gối, mũ trẻ em, địu... để du khách có thể mua về làm quà. Ngoài ra, gian hàng bán đồ trang sức bằng bạc được chế tác thủ công cũng là nơi được các bà, các cô nán lại lâu hơn cả. Những chiếc vòng tay, vòng cổ, trâm cài, nhẫn, xà tích với họa tiết, hoa văn tinh xảo giúp tôn lên vẻ đẹp cho người phụ nữ. Các cô, các chị vừa đeo thử trang sức, ngắm mình trong gương, vừa cười đùa vui vẻ, tạo nên bầu không khí hết sức rộn ràng.

Chị Lê Thị Lan Hương, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: Đến Hoàng Su Phì vào đúng dịp cuối tuần, tôi và các bạn của mình rất vui khi được tham gia chợ phiên. Các mặt hàng ở đây rất đa dạng, từ rau xanh, các loại quả theo mùa, các món ẩm thực đến vải, thổ cẩm, trang sức, chợ gia súc... Tôi đã mua một ít hoa quả và khăn, túi thổ cẩm để đem về làm quà cho người thân của mình.

Không chỉ là nơi để mua, bán, chợ phiên Hoàng Su Phì còn trở thành nơi gặp gỡ, tâm tình và lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Về trưa, mặt trời đứng bóng, chợ dần tan, người bán lẫn người mua kéo nhau rời chợ, cả khi hàng hóa vẫn chưa bán được hết thì họ vẫn ra về với nụ cười trên môi, tựa như đã tìm được thứ gì quý giá ở phiên chợ này.

Bài, ảnh: YÊN HOA

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202407/tim-ve-cho-phien-hoang-su-phi-0b633c4/