Tìm về nét đẹp sình ca của đồng bào Cao Lan

Nếu Bắc Ninh có dân ca quan họ; Nghệ An có hát ví, hát dặm; hát Trống quân ở nhiều làng quê Bắc Bộ; hò Huế, lý Huế ở Trung Bộ, Nam Bộ có các điệu lý… thì ở Phú Thọ, ngoài hát 'xoan ghẹo' còn có điệu hát sình ca của người dân tộc Cao Lan nổi bật với.

Nét đẹp sình ca của đồng bào Cao Lan

Nét đẹp sình ca của đồng bào Cao Lan

Người Cao Lan hay còn gọi là người Sán Chay (Sán Chay bao gồm Cao Lan và Sán Chí) sống tập trung ở các tỉnh: Tuyên Quang, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc… Huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) hiện có trên 3.000 đồng bào Cao Lan đang sinh sống ở các xã: Ngọc Quan, Hùng Long, Yên Kiện, Tây Cốc và Vân Đồn.

Sình ca với các điệu múa xúc tép, chim gâu là hình thức sinh hoạt văn nghệ dân gian không thể thiếu trong các ngày lễ hội và cuộc sống hàng ngày của người Cao Lan. Sình ca được ví như món ăn tinh thần, là dòng suối trong lành nuôi dưỡng biết bao tâm hồn của người Cao Lan.

Làn điệu Sình ca gắn liền với câu chuyện tình của nàng Lưu Ba (Lau Slam). Nàng là hiện thân của cái đẹp, giá trị đạo đức và nhân văn. Điệu hát sình ca do Lưu Ba sáng tác và được đồng bào dân tộc Cao Lan lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Có hai loại hình hát sình ca: một là hát theo lời hát cổ (người Cao Lan coi đó là lời hát của Lau SLam), hai là người hát tự sáng tác trong khi hát đối đáp để giãi bày tâm sự. Người hát sình ca không phụ thuộc vào tuổi tác, trẻ thì thường hát giao duyên, đối đáp, còn người cao tuổi thì hát theo lời cổ. Họ hát trong lễ hội, nương rẫy, ngoài đồng ruộng hay hát trong các buổi sinh hoạt thôn xóm...

Sình ca cũng có những nhạc cụ nhất định như: sáo, nhị; đặc biệt là trống sành. Song hành cùng tiếng hát là điệu múa bắt nguồn từ nghề trồng lúa và bẫy chim thú. Động tác trong các điệu múa đơn giản, nhịp nhàng, uyển chuyển cùng với nhạc cụ đã phản ánh cuộc sống lao động sản xuất cần cù của người Cao Lan. Qua đó, thể hiện những ước mơ, nguyện vọng của người lao động với thiên nhiên và thần linh… Bên cạnh những làn điệu cổ, người Cao Lan còn hát ngẫu hứng, sáng tạo ra những bài dân ca mới có ý nghĩa về đất nước, con người Việt Nam.

Những năm qua, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đất Tổ, trong đó có văn hóa các dân tộc thiểu số, khôi phục các loại hình văn hóa phi vật thể đặc sắc đang có nguy cơ mai một. Nhiều xã có đồng bào Cao Lan sinh sống đã thành lập các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ để truyền dạy các làn điệu dân ca.

Ngọc Tuyết

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tim-ve-net-dep-sinh-ca-cua-dong-bao-cao-lan-post456949.html