Time Weekly: 'Sau 200 giờ làm ông chủ Twitter, Elon Musk từ Chúa cứu thế trở thành Diêm Vương'
Ngày 26/10, Elon Musk đã phát hành một đoạn video cảnh ông bước vào trụ sở Twitter với một cái bồn rửa trên tay, 'Entering Twitter HQ - let that sink in!' (Vào trụ sở Twitter - hãy để nó chìm vào!).
Hồ sơ vắn tắt tài khoản Twitter của Elon Musk cũng đã được đổi thành "Chief Twit" (ông chủ Twitter). Kể từ lúc đó, Twitter chính thức đổi chủ, tính đến cuối ngày 6/11, ông Musk đã làm ông chủ Twitter được hơn 200 giờ.
Sau khi chi 44 tỉ USD để trở thành ông chủ Twitter, Musk nóng lòng muốn thực hiện một cuộc cải tổ mạnh mẽ đối với công ty 16 năm tuổi này. Việc đầu tiên của cải cách là sa thải nhân viên. Ngay ngày đầu tiên nhậm chức, ông đã sa thải mấy giám đốc điều hành của Twitter.
Musk có đặc điểm rất rõ ràng của người thuộc cung Cự Giải và là một người nghiện công việc hết mình, mặc dù quản lý nhiều công ty như Tesla và SpaceX cùng lúc, nhưng năng lượng của ông dường như không bao giờ cạn kiệt.
"Khối lượng công việc của tôi tăng từ khoảng 78 giờ một tuần đến có thể là 120 giờ", Musk nói. Từ đó tính ra, mỗi ngày ông làm việc khoảng 17 giờ.
Sếp đi đầu làm thêm giờ, nhân viên muốn giữ việc sao không dám nỗ lực? Huống hồ, chỉ hai ngày sau khi mua lại Twitter, Musk đã tuyên bố ông sẽ thực hiện sa thải lớn tại Twitter.
Gần đây, hình ảnh nhân viên Twitter nằm trong sàn văn phòng đã lan truyền trên mạng. "Cứ tưởng Chúa Cứu thế nhưng không ngờ lại là Diêm Vương", một số cư dân mạng bình luận về Musk.
"Musk hiện đang thể hiện tính cách của một doanh nhân công nghệ cao trên truyền thông. Ông là một nhà tư bản khoác trên mình chiếc áo của nhà khoa học và kỹ sư". Hôm 5/11 tờ Times Weekly đăng ý kiến của ông Trương Hiếu Vinh, Viện trưởng Nghiên cứu Công nghệ Trung Quốc cho rằng theo quan điểm của ông, phong cách hành xử của Musk rất lý trí và cũng rất tàn nhẫn. Nhìn vào quá trình khởi nghiệp của ông ấy, chúng ta có thể thấy rằng Musk rất cần cù chịu khó, có nhãn quan độc đáo và kiên quyết khi làm việc.
Trong khi xáo trộn nhân sự, Musk cũng đang thực hiện các điều chỉnh đối với hoạt động kinh doanh của Twitter, bao gồm điều chỉnh cách tính phí, đưa thêm công nghệ mã hóa vào và khởi động lại hoạt động kinh doanh video ngắn.
Đối với Twitter, hơn 200 giờ làm việc của Musk có thể mang lại nhiều biến động hơn những gì công ty đã trải qua trong 10 năm qua. Với những cải cách mạnh mẽ và dồn dập như vậy, Twitter trong tương lai sẽ đi về đâu?
Làm thêm giờ cũng bị sa thải, nhân viên Twitter gặp phải "thời khắc đen tối nhất"
Sau khi làm chủ Twitter, điều đầu tiên Musk nghĩ đến là sa thải nhân viên. Vào ngày 27/10, Musk đã sa thải một số nhân sự cấp cao, bao gồm Giám đốc điều hành (CEO) Twitter Parag Agrawal, Giám đốc tài chính (CFO) Ned Segal và người đứng đầu chính sách pháp lý, ủy thác và an ninh Vijaya Gadde cùng Cố vấn Sea Adgett.
Sau đó, Musk điều hơn 50 nhân sự từ Tesla sang Twitter, hầu hết đều là kỹ sư phần mềm. Musk đã yêu cầu nhân viên Twitter in ra đoạn mã trong 30-60 ngày qua để bản thân và các kỹ sư Tesla xem xét.
Sau khi sa thải giám đốc điều hành, Musk bắt đầu "vung dao" vào các nhân viên bình thường của Twitter. Mặc dù nhân viên của Twitter đã bị bao phủ bởi bóng tối của việc sa thải, một số thậm chí còn bắt đầu làm thêm giờ để giữ được công việc và bật chế độ "007", nhưng họ vẫn không thể ngăn cản được kế hoạch cắt giảm 50% biên chế của Musk. Điều đó có nghĩa là khoảng 3.700 nhân viên Twitter sẽ bị sa thải.
Theo các cơ quan truyền thông đưa tin, vào tối ngày 3/11 Twitter đã gửi thông báo qua email cho nhân viên và từ sáng ngày 4 sẽ thông báo bằng email cho từng nhân viên về việc họ có bị cho nghỉ việc hay không. Để ngăn chặn việc nhân viên xóa dữ liệu và bỏ chạy, Twitter cũng cho biết văn phòng của công ty sẽ tạm thời đóng cửa, và ngừng quyền truy cập vào bất kỳ tài liệu nào.
Ngoài việc sa thải nhân viên, Musk cũng có kế hoạch hủy bỏ chính sách làm việc từ xa qua mạng hiện tại của Twitter và yêu cầu các nhân viên còn lại quay trở lại công ty ngồi làm việc.
Từ một tuần nay, các nhân viên của Twitter đã phải trải qua "thời khắc đen tối nhất" trong sự nghiệp của họ, tuy nhiên các nhân viên cũ của Musk đã quá quen với điều đó, dù sao thì Tesla và SpaceX đều đã làm thêm giờ.
Trong số các doanh nhân nước ngoài, Musk là một trong số ít những người đam mê làm việc ngoài giờ. Ông đã thú nhận đã sống trong nhà máy Fremont và nhà máy ở Nevada suốt 3 năm.
Vào ngày 5 tháng 11, Lý Oanh, một nhân viên của một công ty Internet Trung Quốc, nói với phóng viên tờ Times Weekly rằng, theo ý kiến của cô, bước đi này của Musk có thể là để dẫn dắt các công ty nước ngoài thay đổi phong cách làm việc trước đây của họ. “Theo cách thay đổi của ông ấy, các công ty nước ngoài thuộc mọi ngành nghề cũng phải bắt đầu làm việc ngoài giờ.”
Kinh doanh phải có lãi, không có sự lựa chọn nào khác
Khi giải thích về việc sa thải với bên ngoài, Musk đã tweet: "Về việc sa thải của Twitter, thật không may, khi công ty đang thua lỗ hơn 4 triệu USD mỗi ngày, không có sự lựa chọn nào khác". Mỗi nhân viên bị sa thải được trả lương thôi việc 3 tháng, nhiều hơn 50% so với yêu cầu của pháp luật.
Sau khi mua lại Twitter với giá 44 tỉ USD, Musk đang chịu áp lực thoái vốn từ các nhà quảng cáo. Mặc dù ông đã phát hành "Thư gửi các nhà quảng cáo trên Twitter" ngay sau khi ông đến Twitter để xoa dịu họ, cam kết Twitter chắc chắn sẽ không trở thành "địa ngục của sự tùy tiện", nhưng rõ ràng "viên thuốc an thần" này đã không có tác dụng.
Một số nhà quảng cáo tên tuổi, bao gồm công ty thực phẩm General Mills, nhà sản xuất Oreo Mondelez International và Pfizer Inc, đều đã tạm dừng các hoạt động quảng cáo trên Twitter của họ sau khi Musk tiếp quản công ty.
Quảng cáo là nguồn thu chính của Twitter. Hàng loạt “đại gia vàng” lần lượt rút lui, áp lực lên lợi nhuận của công ty ngày càng tăng mạnh. Báo cáo tài chính quý II của Twitter cho thấy doanh thu của công ty là 1,18 tỉ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn mức dự kiến thị trường 1,32 tỉ USD. Lỗ ròng trong quý II là 270 triệu USD, so với lãi ròng 66 triệu USD cùng kỳ năm trước. Nếu các nhà quảng cáo rút ra với số lượng lớn, báo cáo của Twitter sẽ thậm chí sẽ càng xấu hơn.
Để đảo ngược tình trạng thua lỗ của Twitter, Musk nhanh chóng cải cách hoạt động kinh doanh của công ty, đề xuất một mô hình lợi nhuận mới người dùng trả phí, và có kế hoạch thu phí người dùng có tích xanh là 20 USD mỗi tháng. Trước đó, tích xanh của Twitter là miễn phí, và kế hoạch cải cách này của Musk ngay lập tức nhận sự phản đối của nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng Stephen King.
"Chúng tôi cần phải thanh toán các hóa đơn bằng cách nào đó! Twitter không thể dựa hoàn toàn vào các nhà quảng cáo", Musk nói.
Sau sự phản đối, Musk có kế hoạch từ ngày 7/11 bắt đầu tính phí người dùng Twitter 8 USD một tháng để nhận được và duy trì chứng nhận tài khoản.
Ngoài áp lực về lợi nhuận, Twitter cũng đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan về sự tăng trưởng người dùng. Báo cáo tài chính cho thấy trong quý II năm nay, số người hoạt động trung bình hàng ngày của Twitter là 237,8 triệu; so với Facebook, có 2 tỉ người dùng và TikTok có 1 tỉ người dùng hoạt động mỗi ngày thì thành tích của Twitter không mấy nổi bật.
Musk không chỉ là một người dùng Twitter, mà còn là một người chơi TikTok, từng khen ngợi nội dung của TikTok thú vị. Hồi tháng 6, ông đã ám chỉ trong một cuộc họp toàn thể nhân viên Twitter rằng Twitter nên học hỏi TikTok. Sau khi trở thành ông chủ Twitter, ý tưởng này đã được ông đưa vào chương trình nghị sự.
Theo các cơ quan truyền thông, Musk đã chỉ đạo một nhóm kỹ sư Twitter khởi động lại ứng dụng video ngắn Vine, ứng dụng này có thể sẵn sàng vào cuối năm nay. Điều đáng nói là Vine là một ứng dụng video ngắn được Twitter mua lại vào năm 2012, tuy nhiên nó vẫn chưa được vận hành thành công; năm 2016, Twitter đã đóng cửa Vine.
Không chỉ muốn học hỏi TikTok, Musk còn ca ngợi WeChat: "WeChat kết hợp phương tiện truyền thông xã hội với thanh toán, trò chơi và thậm chí cả chức năng taxi, Twitter cũng nên gia tăng tính tiện ích".
Ngoài ra, Musk cũng sẽ có những nỗ lực mới về mặt công nghệ. Có thông tin nói Musk có thể sẽ đưa thêm công nghệ mã hóa lên Twitter, bao gồm cả việc sử dụng công nghệ blockchain để giảm sự tồn tại của bot.
Hiện tại, Musk vẫn chưa công bố kế hoạch cải tạo cụ thể và đầy đủ Twitter của ông, nhưng chắc chắn rằng sau khi thuộc sở hữu của Musk, Twitter sẽ thay đổi rất nhiều về nghiệp vụ.
Elon Musk là chủ, Twitter sẽ tốt hơn hay tồi tệ thêm?
Đánh giá về một loạt các hành động của Musk sau khi trở thành ông chủ của Twitter, người ta thấy ông có những ý tưởng và phương pháp riêng để cải tạo Twitter.
"Sau khi tư nhân hóa Twitter, các phương pháp cải cách của Musk rất cứng rắn" ông Trương Hiếu Vinh cho rằng có hai lý do gây nên tình trạng này. Một mặt là hai bên từng có tính đối lập cao và không có mối liên hệ tình cảm nào với nhau, luôn ở trong thế đối kháng, thiếu cơ sở cho sự đối thoại ôn hòa. Mặt khác, Musk có kế hoạch cải tạo Twitter của riêng mình, theo những ý tưởng mà ông tiết lộ, Twitter cần phải có một cuộc đại phẫu, và sự cải tạo này sẽ dẫn đến sự tẩy chay của các nhân viên cũ của Twitter.
Trên thực tế, hành động kiểu sét đánh của Musk đã bị nhiều người phản đối, ngoài các nhà quảng cáo đã ngừng quảng cáo, còn có các nhân viên Twitter bị sa thải.
Twitter được cho là đã bị tấn công bằng một vụ kiện tập thể tại tòa án liên bang California vào tối ngày 3/11, bị cáo buộc vi phạm luật lao động liên bang và tiểu bang do không thông báo cho nhân viên của mình trước thời hạn sa thải hàng loạt dự kiến vào ngày 4/11.
Tuy nhiên, Musk, 51 tuổi, chưa bao giờ sợ thách thức. Ông đã trải qua tuổi thơ bất hạnh, bị bạn bè bắt nạt, con đường khởi nghiệp cũng không thuận buồm xuôi gió, các lĩnh vực ông lựa chọn như hàng không vũ trụ, xe điện, năng lượng mặt trời đều đầy thử thách.
Đối với Musk, cuộc cải tạo này của Twitter chắc chắn lại là một trận đại chiến khác trong cuộc đời ông. Twitter sẽ tốt hơn hay tồi tệ hơn dưới sự lãnh đạo của Musk? Hiện còn quá sớm để đưa ra kết luận.
Theo Time Weekly