Tín chỉ carbon - Chìa khóa đánh thức 'mỏ vàng' rừng Tây Nguyên

Với tài nguyên rừng sẵn có ở Tây Nguyên, việc xây dựng tín chỉ carbon chính là chìa khóa đánh thức 'mỏ vàng' đang ngủ đông.

Tây Nguyên - "thủ đô" của lâm nghiệp

Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về nguồn cung ứng tín chỉ carbon ở châu Á.

Thống kê của Trung tâm con người và thiên nhiên (2023) cho thấy, tính đến hết tháng 11/2022 đã có gần 29,4 triệu tín chỉ carbon được phát hành, thuộc 276 dự án nằm trong khuôn khổ của cơ chế phát triển sạch (CDM) thuộc thị trường carbon bắt buộc, trong đó chủ yếu (204 dự án) là các dự án thủy điện. Thị trường carbon tự nguyện cũng được hình thành, với 32 dự án và có tổng số 5,75 triệu tín chỉ carbon được phát hành sử dụng tiêu chuẩn vàng (Gold Standards). Các dự án thủy điện vẫn chiếm nhiều nhất (22/32 dự án).

Ngoài ra, thị trường tự nguyện cũng có 27 dự án sử dụng tiêu chuẩn VCS (verified carbon standards) với tổng số 1,35 triệu tín chỉ carbon đã được phát hành. Tương tự, các dự án mảng thủy điện vẫn chiếm số lượng lớn nhất (16 dự án).

Theo tính toán, nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, nước ta có thể bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm.

 Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Năm 2023, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (tương đương 10,3 triệu tấn CO2), tạo ra khoảng 51,5 triệu USD (1,25 nghìn tỷ đồng) cho Ngân hàng Thế giới (WB). Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhận được khoản tiền bán tín chỉ carbon rừng từ WB. Dự kiến con số này sẽ tăng lên đáng kể ở các năm sau đó do diện tích rừng đưa vào khai thác carbon tăng và giá trị mỗi tín chỉ sẽ tăng lên.

Trước đó, năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường vận hành cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon; hướng đến chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon từ năm 2028. Trong đó, thị trường carbon rừng của Việt Nam có tiềm năng mang lại nhiều lợi ích lớn, đặc biệt là vùng Tây Nguyên - nơi được coi là "mỏ vàng" tín chỉ carbon rừng.

Tín chỉ carbon rừng được xác định từ lượng CO2 được tạo ra từ hoạt động giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hoạt động chống mất rừng, suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng. Chủ rừng có thể quy đổi diện tích rừng đang quản lý, bảo vệ ra lượng hấp thụ khí CO2, ra tín chỉ carbon và có thể bán tín chỉ này.

Theo thống kê, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên hiện nay là 2,57 triệu ha, chiếm 17,5% diện tích có rừng cả nước. Tỷ lệ che phủ rừng toàn khu vực này đạt 45,94%. Sau năm 1975, Tây Nguyên được coi là "thủ đô" của lâm nghiệp hay một mỏ vàng rừng. Tuy nhiên, tình trạng diện tích rừng bị suy giảm đã diễn ra từ nhiều năm qua do tình trạng phá rừng và chuyển đổi mục đích sử dụng.

Sau nhiều thập kỷ, diện tích rừng ở đây chỉ còn khoảng 2,1 triệu ha. Trong đó, gần 10% là diện tích rừng giàu, phân bố ở sáu vườn quốc gia và các rừng phòng hộ; còn lại là rừng nghèo kiệt. Không những diện tích rừng bị suy giảm mà chất lượng rừng ở Tây Nguyên cũng bị ảnh hưởng trầm trọng. Từ "thủ đô " của lâm nghiệp, Tây Nguyên nay lại trở thành "vùng trũng" lâm nghiệp của cả nước.

 Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Với tài nguyên rừng sẵn có ở Tây Nguyên, việc xây dựng tín chỉ carbon chính là chìa khóa đánh thức "mỏ vàng" đang ngủ đông. Theo các chuyên gia ngành lâm nghiệp, để khôi phục rừng Tây Nguyên cần tháo gỡ bài toán kinh tế từ rừng, mà trong đó, việc kinh doanh tín chỉ carbon được cho là sẽ đánh thức tiềm năng và giải quyết khó khăn cho ngành lâm nghiệp ở Tây Nguyên.

Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ các-bon nhằm thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định, nhiều tỉnh ở khu vực Tây Nguyên đã lên kế hoạch triển khai nhiều dự án.

Tín chỉ carbon - chìa khóa đánh thức "mỏ vàng" rừng Tây Nguyên

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum tính đến hết năm 2023 là 780.530,86 ha. Trong đó: Diện tích đất có rừng là 616.123,37 ha (gồm: Rừng tự nhiên là 552.287,28 ha; rừng trồng là 63.836,09 ha); Diện tích đất chưa có rừng là 164.407,49 ha (bao gồm cả 16.804,70 ha đất đã trồng chưa thành rừng). Độ che phủ rừng trên toàn tỉnh tính đến 31/12/2023 đạt 63,69%.

Tài nguyên rừng của Kon Tum có tính đa dạng sinh học cao, giàu tiềm năng cung cấp gỗ, lâm sản, có giá trị phòng hộ, môi trường to lớn. Trong đó, tổng trữ lượng gỗ đạt 83,316 triệu m3 và 1,15 tỷ cây tre nứa. Trữ lượng các loại lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng rất cao, có giá trị kinh tế như: Hồng đẳng sâm, sa nhân, nhựa thông, song mây, mã tiền, vàng đắng, ngũ gia bì, hà thủ ô, cu ly, máu chó và đặc biệt là sâm Ngọc Linh - một loại dược liệu quý.

 Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Hiểu rõ lợi thế này, ngày 24/5/2024, UBND tỉnh Kon Tum đã ra văn bản 1800/UBND-NNTN về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý tín chỉ carbon. UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tham gia ý kiến chỉnh sửa, bổ sung Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế.

Phối hợp tổ chức thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính Quốc gia theo NDC; rà soát, tổng hợp, đánh giá hiện trạng các hoạt động, biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trên địa bàn tỉnh để đánh giá tiềm năng tạo tín chỉ carbon, trao đổi tín chỉ carbon.

Tỉnh Đắk Lắk nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, diện tích đất lâm nghiệp khoảng 735.000 ha, có nhiều tiềm năng, lợi thế về đa dạng sinh học, đất đai để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững. Với diện tích rừng lớn, đầu tháng 4/2024 Bộ NN-PTNT cũng đã yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo ngành nông nghiệp và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện điều tra rừng, trong đó tập trung điều tra, xác định diện tích rừng, trữ lượng rừng và trữ lượng carbon rừng...

Theo nhìn nhận của các nhà chuyên môn, Đắk Lắk hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu, điều kiện để bán tín chỉ carbon rừng. Vần đề còn lại là Chính phủ cũng như các bộ, ngành Trung ương cần có chính sách cụ thể, rõ ràng và hướng dẫn chi tiết để các cơ quan chức năng của tỉnh có cơ sở thực hiện.

Ông Y Biêr Niê – Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, tiếp thu các quan điểm của Nghị quyết số 23-NQ/TW, tại dự thảo Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ, tỉnh xác định quan điểm là phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, toàn diện dựa trên bốn trụ cột tăng trưởng: phát triển các sản phẩm nông, lâm sản lợi thế quy mô lớn, chất lượng cao, xuất khẩu lớn; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và sản xuất năng lượng tái tạo quy mô lớn; phát triển kinh tế đô thị, hạ tầng số, hạ tầng thủy lợi; phát triển dịch vụ – logistics – du lịch dựa trên nền tảng số, kinh tế số, xã hội số.

 Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)

Lâm Đồng là một trong những địa phương có diện tích rừng lớn bậc nhất Tây Nguyên với tỷ lệ che phủ rừng tới 54,37% toàn tỉnh (năm 2023) với 537.696ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 454.674ha, diện tích rừng trồng đã thành rừng là 77.157ha, còn lại hơn 6.137 rừng trồng chưa thành rừng.

Đặc biệt, Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà quản lý, bảo vệ tới 69.691ha, gồm 57.516ha rừng đặc dụng, 11.119ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất là 1.050ha.

Gia Lai có tổng diện tích tự nhiên 1.551.013 ha, trong đó, diện tích rừng là hơn 646.992 ha (478.791 ha rừng tự nhiên, 153.937 ha rừng trồng, 14.264 ha rừng trồng chưa thành rừng), chiếm 85,5% tổng diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp.

Trong đó, nhiều khu rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã được Hội đồng Quản lý rừng thế giới cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC), do vậy có cơ hội rộng mở về nguồn tài nguyên rừng, đáp ứng cho thị trường carbon trong tương lai, mở ra nguồn thu tài chính không nhỏ cho tỉnh.

Các chuyên gia cho rằng, Gia Lai có diện tích rừng trồng lớn, trong đó, nhiều khu rừng đã được Hội đồng Quản lý rừng thế giới cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC), do vậy có cơ hội rộng mở về nguồn tài nguyên rừng có thể đáp ứng cho thị trường carbon trong tương lai. Hiện nay, với 723 nghìn hécta rừng, trữ lượng carbon rừng của Gia Lai rất cao, đạt trên 150 tấn/ha, ước tổng cộng đạt đến 50 triệu tấn. Nếu thỏa thuận tốt với giá tương đương khoảng 5 - 10 USD/tấn thì sẽ có được nguồn thu 25 - 50 triệu USD hoặc cao hơn.

Với nguồn tài nguyên sẵn có, tỉnh Gia Lai sẽ sớm thiết lập “Đề án kinh doanh tín chỉ carbon rừng” để qua đó thu hút các nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống, sinh kế người dân sống phụ thuộc vào rừng và giữ rừng ngày một tốt hơn.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng tỉnh Gia Lai sẽ xây dựng các tiêu chí như: các nhiệm vụ bảo tồn, phục hồi những diện tích rừng đã mất nhằm tăng trữ lượng carbon rừng trên địa bàn tỉnh; thu hút mối quan tâm của các doanh nghiệp đến việc phục hồi rừng và kinh doanh tín chỉ carbon rừng; đề xuất thí điểm mô hình kinh doanh tín chỉ carbon rừng với sự tham gia của doanh nghiệp.

Với 5,15 triệu tấn CO2 từ rừng Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Việt Nam có thể thu gần 1.300 tỷ đồng nếu đơn vị mua trả 10 USD một tấn, theo thỏa thuận. Theo báo cáo về thị trường tín chỉ carbon rừng của Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được Thủ tướng giao triển khai 2 thỏa thuận chuyển nhượng kết quả giảm phát thải. Theo thống kê của Cục Lâm nghiệp, diện tích rừng tham gia chương trình bán tín chỉ carbon ở các khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ là 4,26 triệu ha, trong đó có 3,24 triệu ha rừng tự nhiên và 1,02 triệu ha rừng trồng.

Thỏa thuận về chi trả giảm phát thải khí nhà kính Nam Trung Bộ và Tây Nguyên giai đoạn 2022-2026, đang được Bộ đàm phán với Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp. Theo đó, Việt Nam sẽ chuyển nhượng 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng vùng này với giá tối thiểu 10 USD một tấn CO2, tương đương tổng giá trị là 51,5 triệu USD (1.277 tỷ đồng).

Hà My (t/h)

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tin-chi-carbon-chia-khoa-danh-thuc-mo-vang-rung-tay-nguyen-88623.html