Tín dụng chính sách tiếp sức giảm nghèo bền vững ở Ninh Thuận

Tín dụng chính sách là một trong những 'trụ cột' góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở Ninh Thuận...

Đổi thay từ những mô hình kinh tế hiệu quả

Nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Ninh Thuận từ lâu được biết đến là địa phương có điều kiện khí hậu, địa hình khắc nghiệt, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán kéo dài. Đặc biệt, tại các xã vùng cao, miền núi nơi sinh sống của hơn 176.000 người dân thuộc 32 dân tộc thiểu số, cuộc sống người dân vẫn còn không ít khó khăn. Địa hình hiểm trở, giao thông đi lại cách trở cùng những tác động tiêu cực của thiên tai đã khiến người dân ở đây gặp nhiều trở ngại trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trước thực tế đó, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh Ninh Thuận đã xác định tín dụng chính sách là một trong những “trụ cột” góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới... Với sự phối hợp chặt chẽ giữa NHCSXH và các sở, ngành liên quan, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, công tác rà soát, xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được thực hiện thường xuyên, đảm bảo kịp thời hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người dân.

Tính đến hết quý I/2025, tổng doanh số cho vay của NHCSXH chi nhánh Ninh Thuận đạt gần 355,8 tỷ đồng cho 6.571 lượt hộ. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt khoảng 3.913 tỷ đồng, tăng hơn 95 tỷ đồng so với đầu năm, với 82.512 khách hàng còn dư nợ. Cùng với đó, hoạt động kiểm tra, giám sát tình hình sử dụng vốn, xử lý nợ quá hạn được tăng cường nhằm đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích. Ý thức sử dụng vốn vay của người dân ngày càng nâng cao, tỷ lệ trả nợ đúng hạn ngày một tăng.

Ninh Thuận vùng đất còn nhiều khó khăn, với điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt.

Ninh Thuận vùng đất còn nhiều khó khăn, với điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt.

Bên cạnh đó, chi nhánh còn phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi qua các hội nghị, tổ nhóm và truyền thông cơ sở. Nhiều hộ dân đã từng bước vươn lên thoát nghèo, cải thiện thu nhập, giảm thiểu tình trạng tín dụng đen và tạo động lực xây dựng nông thôn mới…

Hiệu quả từ các chương trình tín dụng chính sách đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều vùng đất khó của Ninh Thuận. Đơn cử như huyện Bác Ái - một trong những huyện nghèo nhất cả nước, nơi có hơn 95% dân số là người Raglai sinh sống, với 36/38 thôn đặc biệt khó khăn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng nghìn hộ dân nơi đây từng bước ổn định cuộc sống.

Chị Chamaleá Thị Dem, người dân thôn Chà Panh, xã Phước Hòa, là một điển hình. Năm 2014, chị vay 10 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo để mua 2 con bò giống về nuôi. Sau hơn 3 năm chăm sóc và nhân đàn, chị đã có tới 5 con bò. Thấy hiệu quả rõ rệt từ mô hình chăn nuôi, năm 2017, chị tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng đầu tư cải tạo chuồng trại, trồng thêm cỏ, mở rộng quy mô đàn bò sinh sản. Nhờ nắm vững kỹ thuật và kiên trì chăm sóc, đến nay, đàn bò của chị phát triển ổn định, mang lại thu nhập cao cho gia đình.

Mô hình vay vốn từ NHCSXH đầu tư chăn nuôi bò ở huyện Bác Ái.

Mô hình vay vốn từ NHCSXH đầu tư chăn nuôi bò ở huyện Bác Ái.

Cũng từ nguồn vốn chính sách, chị Nguyễn Thị Ngân ở thôn Xóm Bằng, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc đã vay 50 triệu đồng đầu tư nuôi bò từ năm 2020. Sau ba năm, gia đình đã có được đàn bò sinh trưởng tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Mới đây, chị Ngân tiếp tục vay thêm 100 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo để mở rộng quy mô, nâng cấp chuồng trại, tăng diện tích trồng cỏ và nâng tổng số bò lai của gia đình lên 12 con với tổng giá trị ước tính khoảng 200 triệu đồng. Những thành quả này đã giúp gia đình chị từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nâng cao chất lượng quản lý vốn

Không chỉ dừng lại ở mô hình chăn nuôi, NHCSXH chi nhánh Ninh Thuận còn phối hợp với các hội, đoàn thể nhận ủy thác đẩy mạnh công tác tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tham gia vào những mô hình sản xuất phù hợp. Nhiều hộ dân đã được hỗ trợ chuyển đổi từ chăn thả tự do sang bán chăn thả hoặc nuôi bò sinh sản, dê, cừu vỗ béo; trồng nho, táo an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng măng tây xanh kết hợp tưới tiết kiệm nước… Những cách làm sáng tạo này đã góp phần tăng thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương từ 1,5 - 2% mỗi năm.

Công tác bình xét cho vay tín dụng chính sách tại Ninh Thuận hiện được thực hiện công khai, minh bạch tại các tổ tiết kiệm và vay vốn ở địa bàn dân cư, với sự chứng kiến của trưởng thôn, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và UBND xã. Các hộ đủ điều kiện sẽ được xác nhận và lập hồ sơ gửi về NHCSXH để xét duyệt. Nhờ vậy, công tác bình xét cho vay đúng đối tượng đã được thực hiện dân chủ, công khai, đảm bảo kịp thời đưa vốn đến tay người dân.

Tín dụng chính sách đã và đang trở thành “đòn bẩy” giúp người dân Ninh Thuận thoát nghèo.

Tín dụng chính sách đã và đang trở thành “đòn bẩy” giúp người dân Ninh Thuận thoát nghèo.

Đến nay, NHCSXH chi nhánh Ninh Thuận đã xây dựng mạng lưới hoạt động khắp 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh với sự tham gia của 276 hội đoàn thể và 1.640 tổ tiết kiệm và vay vốn. Các tổ này vừa giúp giám sát, vừa đôn đốc việc sử dụng vốn đúng mục đích, đồng thời vận động người dân gửi tiết kiệm, trả nợ đúng hạn… Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ cũng được tăng cường. Qua các đợt kiểm tra, việc triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi của NHCSXH tại địa phương luôn đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, phù hợp với thực tiễn, đồng thời lắng nghe và kịp thời xử lý các kiến nghị của người dân.

Ông Lê Minh Lộc, Giám đốc NHCSXH chi nhánh Ninh Thuận cho biết, từ nay đến cuối năm 2025, chi nhánh sẽ tiếp tục bám sát chỉ tiêu tăng trưởng, đẩy mạnh giải ngân cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, các chương trình cho vay nhà ở xã hội… Đồng thời, chi nhánh cũng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, chính quyền địa phương để rà soát, xác định chính xác đối tượng thụ hưởng, nâng cao hiệu quả quản lý vốn vay.

Với sự vào cuộc đồng bộ và hiệu quả của cả hệ thống, tín dụng chính sách tại Ninh Thuận đã thực sự trở thành đòn bẩy giúp người dân cải thiện sinh kế, giảm nghèo bền vững, góp phần ổn định an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-chinh-sach-tiep-suc-giam-ngheo-ben-vung-o-ninh-thuan-164224.html