Sáp nhập Khánh Hòa, Ninh Thuận: Cơ hội 'vàng' bứt phá kinh tế

Việc sáp nhập hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận mở ra 'cơ hội vàng' để bứt phá kinh tế vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, đưa khu vực này vươn lên mạnh mẽ hơn.

Việc sáp nhập hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận không chỉ là bước đi mang tính chiến lược trong việc tái cấu trúc kinh tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ, mà còn mở ra "cơ hội vàng" để bứt phá, đưa khu vực này vươn lên mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Cơ hội phát triển kinh tế toàn diện

Theo nghị quyết, sau khi hợp nhất hai tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Khánh Hòa (mới) có diện tích tự nhiên 8.555 km2 (đạt 171,12% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 2.234.554 người (đạt 159% so với tiêu chuẩn) và 65 đơn vị hành chính trực thuộc (48 xã, 16 phường, 1 đặc khu).

Tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa hiện nay là hai tỉnh có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, các điều kiện kinh tế - xã hội, yếu tố dân cư, lịch sử, văn hóa tương đồng. Hai tỉnh liền kề với bờ biển dài, giàu tiềm năng du lịch, nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp chế biến.

Một góc thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Lê Sơn

Một góc thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Lê Sơn

Nếu tỉnh Khánh Hòa nổi bật với thành phố biển Nha Trang, một trong những điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam, cùng với Cảng Cam Ranh, Sân bay quốc tế Cam Ranh, thì Ninh Thuận lại là vùng đất lý tưởng cho phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái. Sự hợp nhất này hứa hẹn mở ra hàng loạt cơ hội phát triển kinh tế trên nhiều lĩnh vực.

Trước tiên, phải kể đến việc thị trường tiêu thụ nông sản và thủy sản sẽ được mở rộng. Khánh Hòa và Ninh Thuận đều có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp. Việc hợp nhất sẽ tạo ra vùng sản xuất lớn, đồng bộ hóa tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng và yêu cầu của các thị trường khó tính.

Bà Nguyễn Thị Lan, hộ kinh doanh thủy sản tại TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ: “Nếu sáp nhập, việc vận chuyển hàng hóa giữa hai tỉnh sẽ dễ dàng hơn, thị trường tiêu thụ cũng mở rộng. Tôi tin rằng, nông sản và thủy sản của người dân chúng tôi sẽ có cơ hội phát triển mạnh hơn”.

Nghề nuôi tôm hùm tại đảo Bình Ba, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Lê Sơn

Nghề nuôi tôm hùm tại đảo Bình Ba, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Lê Sơn

Cùng với đó, khi sáp nhập, tiềm năng du lịch của hai tỉnh sẽ được khai thác một cách hiệu quả hơn. Du khách có thể trải nghiệm tuyến du lịch liên kết từ biển đảo Nha Trang đến vịnh Vĩnh Hy, đồi cát Ninh Thuận hay các cánh đồng điện gió tuyệt đẹp. Đây là cách để tạo ra sản phẩm du lịch mới, độc đáo, thu hút nhiều khách quốc tế.

Chị Nguyễn Lê Kim Yến, chủ Mộc Homestay tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận), kỳ vọng: “Khách du lịch sẽ không chỉ đến TP. Nha Trang rồi dừng lại ở đó, mà có thể trải nghiệm thêm cả vùng duyên hải rộng lớn, đến với TP. Phan Rang, tham gia các tour du lịch từ biển đến núi, từ đảo đến đồng bằng. Từ đó, các địa điểm kinh doanh dịch vụ lưu trú như chúng tôi cũng sẽ tiếp cận được nhiều tệp khách hàng hơn”.

Với lợi thế vị trí địa lý chiến lược, Khánh Hòa và Ninh Thuận sau sáp nhập sẽ trở thành “cửa ngõ” giao thương kinh tế quan trọng. Các vùng kinh tế như Vân Phong, Cam Ranh sẽ được quy hoạch đồng bộ, mở rộng cơ hội đầu tư cho các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Từ đó, đời sống của người dân trong khu vực cũng được kỳ vọng sẽ vươn lên phát triển vượt bậc.

Ông Trần Văn Bình, người dân TP. Phan Rang - Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ: “Đây là chiến lược để tối ưu hóa nguồn lực, kết nối hạ tầng, tạo nền tảng cho sự phát triển đồng bộ. Với sự đầu tư đúng đắn, tôi tin rằng, tỉnh Khánh Hòa (sau sáp nhập) có thể trở thành trung tâm kinh tế lớn của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Đời sống của người dân sẽ nâng cao”.

Tầm nhìn dài hạn cho sự phát triển bền vững

Sáp nhập Khánh Hòa và Ninh Thuận không chỉ là một quyết định mang tính hành chính mà còn là bước đi chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Tuy còn nhiều thách thức cần vượt qua, nhưng với chính sách phù hợp, tầm nhìn dài hạn và sự quyết tâm từ cả Trung ương lẫn địa phương, đây sẽ là “cú hích” mạnh mẽ, đưa kinh tế khu vực bứt phá và vươn xa hơn trên bản đồ kinh tế Việt Nam và thế giới.

Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Lê Sơn

Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Lê Sơn

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Chính trị do ông Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương làm Trưởng đoàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Khắc Toàn cho biết, thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh đã chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Hai tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận. Sau đó, Hội đồng nhân dân hai tỉnh đã họp, thông qua nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận; tỷ lệ cử tri đại diện hộ gia đình của hai tỉnh đồng ý với dự thảo đề án đạt rất cao.

Tại buổi làm việc, hai tỉnh đề xuất với đoàn công tác về việc tiếp tục để tỉnh Khánh Hòa (mới) được thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù đã được Trung ương ban hành đối với 2 tỉnh. Trong đó, đề xuất hỗ trợ xây dựng tỉnh Khánh Hòa sau sáp nhập trở thành trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của cả nước; trung tâm dịch vụ công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng; tổ hợp công nghiệp, chế tạo xanh, công nghiệp phụ trợ; trung tâm công nghiệp xanh NetZero; trung tâm sản xuất chip bán dẫn, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); trung tâm dữ liệu quốc gia, khu vực, thế giới; được tạo điều kiện triển khai đầu tư Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.

Khu vực thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận - nơi dự kiến đặt Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Ảnh: Lê Sơn

Khu vực thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận - nơi dự kiến đặt Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Ảnh: Lê Sơn

Địa phương cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung Dự án điện khí LNG Vân Phong 2 vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII); quan tâm, định hướng chỉ đạo hoàn thiện, xem xét, phê duyệt Đề án thành lập khu thương mại tự do Khánh Hòa và bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, phát triển Khu Kinh tế Vân Phong.

Tại Kỳ họp chuyên đề Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa khóa VII, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, tuyến đường ven biển nối hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận là tuyến đường mang tính chiến lược và nhiều tiềm năng phát triển. Tuyến đường ven biển này đi dọc các đô thị Cam Lâm, Cam Ranh, Phan Rang, mở ra một không gian phát triển du lịch, dịch vụ sầm uất, là điểm tham quan các vịnh đẹp như Cam Ranh, Vĩnh Hy, các khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế bên biển Bãi Dài, Bình Tiên, Ninh Chử...

Cũng theo ông Nguyễn Tấn Tuân, sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa (mới) sẽ mở rộng quy mô kinh tế và nâng cao hiệu quả đầu tư, nhờ đơn vị hành chính mới có tổng sản phẩm kinh tế lớn hơn, tăng khả năng lan tỏa và tích hợp chuỗi giá trị. Việc hợp nhất hai tỉnh sẽ giúp cải thiện môi trường đầu tư, tinh gọn thủ tục hành chính, thu hút thêm vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng hạ tầng và không gian phát triển nhờ việc đồng bộ hóa quy hoạch không gian kinh tế - xã hội, đặc biệt tại các tuyến hành lang phát triển chiến lược và cảng biển.

Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã thống nhất sắp xếp 132 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 41 đơn vị, giảm 91 đơn vị, tỷ lệ tinh gọn 68,93%.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy Ninh Thuận thống nhất chủ trương sắp xếp từ 62 đơn vị hành chính cấp xã thành 24 đơn vị, giảm 38 đơn vị, tỷ lệ tinh gọn 61,3%.

Lê Sơn - Duy Tín

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/sap-nhap-khanh-hoa-ninh-thuan-co-hoi-vang-but-pha-kinh-te-387525.html