Tín dụng ngân hàng - đòn bẩy thúc đẩy phát triển doanh nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế đang dần phục hồi sau nhiều biến động, vai trò của ngành ngân hàng, đặc biệt là chính sách tín dụng - ngày càng khẳng định là lực đẩy quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì ổn định, tái đầu tư và phát triển bền vững. Tại khu vực Kinh tế Bắc Trung bộ và Đồng bằng sông Hồng, nhiều tổ chức tín dụng đã tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp thông qua các giải pháp tín dụng linh hoạt, ưu đãi và phù hợp với đặc thù sản xuất, mùa vụ.

Tại hội nghị đối thoại giữa Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 với chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định mới đây, nhiều ý kiến tâm huyết từ đại diện doanh nghiệp, tổ chức hội ngành hàng đã được nêu lên, góp phần phản ánh nhu cầu thực tiễn của nền kinh tế cũng như mong muốn về một hệ sinh thái tín dụng thân thiện, hiệu quả.

Ông Lê Văn Phương - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) khẳng định, tín dụng ngân hàng không chỉ là nguồn lực tài chính duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà còn là động lực then chốt để doanh nghiệp đầu tư công nghệ, mở rộng thị trường.

Trong bối cảnh ngành mía đường chịu sức ép lớn từ biến đổi khí hậu, giá nguyên liệu, chi phí sản xuất, sự hỗ trợ từ các ngân hàng càng trở nên cần thiết. Ông Phương kiến nghị các tổ chức tín dụng cần đơn giản hóa thủ tục vay, mở rộng hình thức thế chấp bằng hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân, và linh hoạt hơn trong lịch trả nợ theo chu kỳ mùa vụ.

Công ty cổ phần Mía Đường Lam Sơn là doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam - ASEAN

Công ty cổ phần Mía Đường Lam Sơn là doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam - ASEAN

Từ góc nhìn của doanh nghiệp lương thực, bà Trần Thị Loan - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Hà Nam đánh giá cao các chính sách tín dụng ưu đãi trong thời gian qua, giúp doanh nghiệp đầu tư mở rộng nhà xưởng, cải tiến chất lượng sản phẩm. Bà cũng đề xuất cần duy trì các gói vay ưu đãi lãi suất phù hợp với tính chất mùa vụ, biến động giá cả cao của ngành thu mua - chế biến lương thực, từ đó hỗ trợ ổn định thị trường và đảm bảo an ninh lương thực khu vực.

Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Hồ Văn Tuấn cho biết, đến cuối tháng 3/2025, tổng dư nợ các khách hàng tại khu vực 7 của Vietcombank đạt 47.300 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu tín dụng phục vụ phát triển kinh tế Khu vực 7, Vietcombank đã và đang nỗ lực huy động các nguồn vốn giá rẻ từ khu vực khác để đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng trong khu vực.

Ngay từ đầu năm, Vietcombank đã phân giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các chi nhánh ở mức tối đa. Đây là chỉ tiêu trọng yếu bên cạnh chỉ tiêu về kiểm soát chất lượng tín dụng theo định hướng an toàn, hiệu quả. Vietcombank đã tập trung tăng trưởng tín dụng ngay trong quý 1/2025, đến hết ngày 31/3 tăng trưởng đạt 4,7%.

Riêng về các chương trình, chính sách giảm lãi suất, ngay từ đầu năm Vietcombank đã triển khai đồng thời 16 chương trình cho vay lãi suất thấp cho cả khoản vay ngắn hạn và trung dài hạn với mức lãi suất thấp hơn từ 0,5% tới 2% so với lãi suất bình quân.

Trong bức tranh tổng thể ấy, BIDV Chi nhánh Hà Nam nổi lên như một điển hình trong triển khai hiệu quả các chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp. Năm 2024, trong bối cảnh tỉnh Hà Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng khoảng 11%, BIDV Hà Nam cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt trội, đạt 32,5% so với năm 2023 và tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 5,6% trong quý I/2025. Đáng chú ý, cơ cấu tín dụng của Chi nhánh đã có sự chuyển dịch tích cực, gia tăng tỷ trọng cho vay trong lĩnh vực công nghiệp - thế mạnh chủ lực của tỉnh.

Tổng dư nợ cho vay tại Chi nhánh hiện đạt gần 6.000 tỷ đồng, với hàng trăm doanh nghiệp được cấp mới và tái cấp tín dụng, phục vụ cả nhu cầu vốn lưu động lẫn đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp hạ tầng sản xuất. Không chỉ dừng lại ở sản xuất - kinh doanh, BIDV Hà Nam còn tích cực tham gia phát triển thị trường bất động sản địa phương, tài trợ cho 4 dự án khu đô thị dân cư trong năm 2024 và quý I/2025 với lãi suất cạnh tranh.

Bên cạnh đó, nhằm đồng hành cùng chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh, từ giữa năm 2024 đến nay, BIDV Hà Nam đã tài trợ vốn cho 4 khu/cụm công nghiệp với tổng doanh số giải ngân gần 1.000 tỷ đồng. Đây là nỗ lực nhằm cung cấp gói sản phẩm tài chính đồng bộ, hấp dẫn nhà đầu tư và góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa địa phương.

Điểm sáng trong hoạt động của BIDV Hà Nam còn đến từ quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, lấy khách hàng làm trung tâm. Sau khi hoàn tất chuyển đổi hệ thống Core Banking từ tháng 9/2023, Chi nhánh đã ứng dụng toàn diện ngân hàng số thông qua iBank, Smartbanking và các quy trình xử lý điện tử. Điều này không chỉ giúp rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ tín dụng, mà còn tiết kiệm chi phí vận hành, cải thiện trải nghiệm người dùng. Chi nhánh cũng là đơn vị tiên phong mở tài khoản và trả thẻ cho toàn bộ đối tượng nhận trợ cấp an sinh xã hội tại tỉnh.

Trước những thách thức của năm 2025, BIDV Hà Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng tối thiểu 16% và đã chủ động triển khai nhiều giải pháp căn cơ: cơ cấu lại nền khách hàng theo hướng đa dạng, tăng tỷ trọng nợ vay trung dài hạn, ưu tiên nhóm khách hàng có tiềm lực tài chính tốt, cải tiến thủ tục vay vốn, tinh giản quy trình, chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Thi, đánh giá cao vai trò định hướng của NHNN Khu vực 7, đồng thời đề nghị ngành Ngân hàng tiếp tục bám sát tình hình kinh tế - xã hội để kịp thời tham mưu, điều chỉnh chính sách tín dụng phù hợp, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân trong khu vực.

Có thể thấy, khi chính sách tín dụng được triển khai linh hoạt, đồng bộ với thực tiễn, doanh nghiệp không chỉ được tiếp thêm nguồn lực mà còn có niềm tin vững chắc để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực ngày càng hiệu quả và bền vững.

Bình Minh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tin-dung-ngan-hang-don-bay-thuc-day-phat-trien-doanh-nghiep-162457.html