Tín dụng tăng 4,21%, doanh nghiệp mong được kéo dài chính sách cơ cấu nợ
Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến ngày 23/3/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4,21%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (1,62%), chủ yếu chảy vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Doanh nghiệp mong được hỗ trợ nhiều hơn về vốn
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng tín dụng toàn nền kinh tế năm 2021 tăng ngay từ đầu năm và đến cuối năm tăng 13,61% so với cuối năm 2020; đến ngày 23/3/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4,21%, cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước (1,62%). Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được quản lý chặt chẽ.
Riêng tại địa bàn Thanh Hóa, tín dụng năm 2021 tăng tới 16,45% (cao hơn mức tăng tín dụng chung của toàn quốc là 13,61%). Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch.
Tại Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp diễn ra tại Thanh Hóa, các ngân hàng cũng cam kết cấp tín dụng lên tới 21.055 tỷ đồng cho các dự án của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn mong mỏi được hỗ trợ nhiều hơn về vốn, đặc biệt được kéo dài chính sách cơ cấu nợ.
Ông Cao Việt Tâm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Sầm Sơn cho biết, thời gian qua gần như 100% doanh nghiệp trên địa bàn không có doanh thu. Mặc dù đã được ngành ngân hàng hỗ trợ, song các doanh nghiệp du lịch ở Sầm Sơn mong muốn được ngành ngân hàng tiếp tục có các chính sách hỗ trợ thiết thực như khoanh nợ, giãn nợ, giảm bớt thủ tục vay, đồng thời sớm triển khai chính sách hỗ trợ vốn theo Chương trình phục hồi kinh tế.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch Công ty Tiến Nông cũng cho hay, doanh nghiệp này đang tạo việc làm cho cho 600 lao động, muốn phát triển phải có nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng.
“Chúng tôi rất mong có thêm chính sách lãi suất ưu đãi và việc định giá tài sản tài đảm bảo cho vay lĩnh vực nông nghiệp phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển”, ông Phong cho biết.
Ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, triển khai sớm các giải pháp đồng bộ của ngành ngân hàng đã trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn. Việc thực hiện các chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đã hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.
Ông Hưng cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước một số nội dung về việc ban hành Luật xử lý nợ xấu, điều chỉnh sửa đổi một số Thông tư trong lĩnh vực ngân hàng cho phù hợp với tình hình thực tế. Cho phép kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng tại Thông tư số 14/2021/TT-NHNN đến ngày 30/6/2023 để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Ngân hàng cũng phải đối mặt nhiều thách thức
Thông cảm với khó khăn của doanh nghiệp, song Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho hay, hai năm vừa qua, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Thứ nhất, nguy cơ rủi ro lạm phát do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong nước và ngoài nước, tác động của chính sách thương mại, chính sách thắt chặt tiền tệ, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư của một số nước lớn, cùng với nhiều áp lực từ kinh tế trong nước; kinh tế dự kiến phục hồi trong năm 2022 khiến nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng, gây sức ép lên giá cả. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ.
Thứ hai, dịch bệnh kéo dài trong suốt 2 năm và vẫn còn đang diễn biến phức tạp đã, đang ảnh hưởng tới nền kinh tế. Những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt dãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... đến năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng.
Chính vì vậy, thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận, để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng…
Về phía doanh nghiệp, Thống đốc cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, tái cấu trúc hoạt động, xây dựng phương án chuyển đổi sản xuất kinh doanh hiệu quả phù hợp với thực tế làm cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định cho vay.
Đồng thời, chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật để được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước và các chính sách hỗ trợ phù hợp của các tổ chức tín dụng.