Tín dụng tăng nhanh, cẩn trọng kiểm soát rủi ro
Tăng trưởng tín dụng sẽ hoàn thành mục tiêu 16% hoặc hơn nếu các tín hiệu hồi phục của nền kinh tế trong nước và thế giới khởi sắc. Tuy nhiên, dư nợ tín dụng cao gấp đối GDP là dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro của hệ thống và có thể gây hệ lụy cho nền kinh tế.
Ông Nguyễn Phi Lân, Vụ trưởng Vụ Dự báo, thống kê - Ổn định tiền tệ, tài chính (Ngân hàng Nhà nước), cho biết đến 18/6, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024, trong khi tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm ngoái chỉ khoảng 3,87%.
Duy trì đà tăng trưởng tốt
Đây là tín hiệu rõ ràng thể hiện nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và người dân đang phục hồi nhanh chóng, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và trong nước vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức và bất ổn.
Nhiều lãnh đạo ngân hàng chia sẻ rằng trong 6 tháng đầu năm, tín dụng đang tăng trưởng tốt. Tín dụng được hỗ trợ bởi nhu cầu thị trường vẫn có trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp.
Cụ thể, tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong nhóm 4 "ông lớn" quốc doanh. Đến 10/6, dư nợ tín dụng của ngân hàng đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 9,1% so với đầu năm.
Chủ tịch VietinBank, ông Trần Minh Bình cho biết dòng vốn của VietinBank đang bám sát định hướng của Chính phủ, tập trung hỗ trợ tín dụng cho các dự án kinh tế trọng điểm. Theo ông, thời gian qua ngân hàng đã cho vay rất nhiều dự án liên quan đến hạ tầng. Nhà băng cũng sẽ ký kết dự án trọng điểm vừa mang tính chất về kinh tế lẫn chính trị kết nối giữa các quốc gia với nhau.

Đến giữa tháng 6, nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,73 triệu tỷ đồng, tăng 7,14% so với cuối năm 2024, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Ghi nhận ở ngân hàng ngoại Shinhan Bank Việt Nam, tăng trưởng tín dụng đến trung tuần tháng 6 cũng đạt trên 6,5%. Ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối khách hàng cá nhân Shinhan Bank Việt Nam, cho biết cấu phần cho vay của nhà băng năm nay có sự khác biệt so với các năm trước. Trong bối cảnh nhu cầu từ khối bán lẻ thấp, tỷ trọng cho vay phân khúc này giảm trong khi dư nợ giải ngân chuyển dịch nhiều hơn sang khúc doanh nghiệp.
Để đạt mục tiêu GDP trên 8% năm nay, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra năm nay là khoảng 16%.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán MB (MBS) ước tính tăng trưởng tín dụng của VPBank có thể đạt khoảng 12% vào cuối quý II, Eximbank tăng ước đạt 13%, VietinBank dự kiến đạt khoảng 10%, HDBank đạt khoảng 6%, OCB tăng khoảng 7%...
Trước những diễn biến tích cực, các chuyên gia kinh tế đều dự báo tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 sẽ đạt từ 16% trở lên. Trong bối cảnh đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng nhấn mạnh khả năng NHNN sẽ sẵn sàng mở room tín dụng bổ sung trong các tháng cuối năm 2025 nếu cần thiết nhằm đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên.
Cẩn trọng với tăng trưởng tín dụng "khủng"
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý III/2025 của các tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, vừa được NHNN công bố, các TCTD cho biết trong quý II nhu cầu vay vốn và sử dụng dịch vụ thanh toán, thẻ được ghi nhận cải thiện mạnh mẽ hơn so với nhu cầu gửi tiền.
Các TCTD lạc quan dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong quý III/2025 và cả năm 2025, với 62,6% TCTD kỳ vọng nhu cầu vay vốn tăng mạnh, vượt xa nhu cầu thanh toán và gửi tiền. Trong đó, dư nợ tín dụng được dự báo tăng 4,7%, trong đó VND và ngoại tệ lần lượt đạt 4,7% và 4,8% trong quý III. Theo đó, kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2025 lên 16,8%, vượt xa tốc độ tăng thực tế của năm 2024.
Tuy nhiên, tại nghị trường Quốc hội gần đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, dư nợ tín dụng trên GDP ở mức 134% vào cuối 2024. Việc tiếp tục dựa vào vốn ngân hàng, Thống đốc Hồng nói sẽ tiềm ẩn rủi ro của hệ thống và có thể gây hệ lụy cho nền kinh tế.
Tỷ lệ này đã liên tục tăng trong những năm qua, khi tốc độ tăng trưởng tín dụng thường duy trì cao gấp đôi mức tăng trưởng GDP. Ngân hàng Thế giới từng cảnh báo tỷ lệ này ở mức cao, còn giới phân tích cho rằng nếu tỷ lệ này tiếp tục tăng sẽ tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống ngân hàng và gây hệ lụy cho nền kinh tế.
Một nền kinh tế có quy mô dư nợ tín dụng ngày càng vượt xa so với tổng giá trị sản phẩm có thể tạo ra mỗi năm, đồng nghĩa với gánh nặng nợ của các hộ gia đình/doanh nghiệp trong quốc gia đó đang tăng lên. Khi đó, trước áp lực trả lãi và nợ vay ngày càng gia tăng, các thực thể trong nền kinh tế buộc phải giảm tiêu dùng và đầu tư, khả năng vay vốn dần bị hạn chế, tất yếu ảnh hưởng đến các động lực tăng trưởng kinh tế.
Về phía các ngân hàng, với dư địa tăng trưởng tín dụng rộng mở, trong bối cảnh cầu vốn ở khu vực sản xuất phần nào bị hạn chế, dòng vốn dễ dãi sẽ ưu tiên lựa chọn các ngành có tài sản thế chấp dễ định giá như bất động sản, hơn là khu vực đổi mới sáng tạo, kéo giảm năng suất của nền kinh tế về dài hạn. Việc tỷ trọng dư nợ tín dụng dành cho các lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở mức thấp dù nhà điều hành đã có nhiều chính sách khuyến khích và thúc đẩy thời gian qua, trong khi tài sản thế chấp tại các ngân hàng hiện nay vẫn chủ yếu là bất động sản, là minh chứng rõ nhất cho thấy dòng vốn đang giành ưu tiên khu vực nào.
Để kiểm soát rủi ro, Thống đốc cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát, điều chỉnh phù hợp thực tế. Chính sách tiền tệ cũng được điều hành linh hoạt, hợp lý để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng. Bà nhấn mạnh để tăng trưởng cao, phát triển bền vững, các bộ ngành, nhất là Bộ Tài chính, cần lưu ý cân đối nguồn vốn cho các dự án đầu tư lớn, trọng điểm; thời gian phân kỳ, dự phòng vốn cho các dự án để không bị động và không tạo áp lực thu xếp vốn.