Tín dụng với sức hút đầu tư nước ngoài
Khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (dự thảo) vào chiều 10-6, tính hấp dẫn đối với FDI nhìn từ khía cạnh tín dụng là một nội dung được đại biểu quan tâm.
Với xu thế suy giảm chung của hoạt động đầu tư toàn cầu, cộng thêm việc chính sách thuế tối thiểu toàn cầu chuẩn bị có hiệu lực, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang là một nhiệm vụ không dễ dàng. Chính vì thế, khi Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi (dự thảo) vào chiều 10-6, tính hấp dẫn đối với FDI nhìn từ khía cạnh tín dụng là một nội dung được đại biểu quan tâm.
So với luật hiện hành, dự thảo luật đã điều chỉnh tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng từ không được vượt quá 15% xuống còn 10% vốn tự có của ngân hàng thương mại. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định, thì nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng vẫn giữ vai trò hết sức quan trọng, nhất là khi các doanh nghiệp đang rất thiếu vốn để phục hồi và phát triển sau dịch Covid-19.
Theo các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trường hợp quy định như dự thảo được áp dụng, nhiều doanh nghiệp FDI đang vay nợ ở Việt Nam ở mức gần với giới hạn tối đa 15% theo luật hiện hành phải tìm kiếm các nguồn vốn mới; có thể phải huy động từ nước ngoài với chi phí cao hơn nhiều, do vậy Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn với họ.
Cần nói thêm là các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia - những nền kinh tế cạnh tranh quyết liệt với Việt Nam, đều quy định tỷ lệ giới hạn tín dụng cao hơn so với dự thảo. Đó là chưa kể một số quốc gia phát triển, như Mỹ, cũng đang lôi kéo dòng vốn đầu tư quốc tế quay trở lại sân nhà bằng nhiều chính sách táo bạo.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tin-dung-voi-suc-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-post693224.html