Tín hiệu cho một trật tự tài chính toàn cầu mới?

Nhận thức lâu đời về đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ là nơi trú ẩn an toàn có nguy cơ bị thay đổi vĩnh viễn.

Mỹ đã chính thức mất mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia “AAA” của Moody's. Ảnh: Reuters

Mỹ đã chính thức mất mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia “AAA” của Moody's. Ảnh: Reuters

Theo trang theedgemalaysia.com, tính đến ngày 16/5, Mỹ đã chính thức mất mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia “AAA” của cả 3 tổ chức có uy tín hàng đầu thế giới, do những lo ngại ngày càng tăng về các vấn đề liên quan đến tài chính và quản trị. Điều này đánh dấu một bước ngoặt trong thị trường tài chính toàn cầu khi nền kinh tế lớn nhất thế giới không còn được bất kỳ tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nào coi là một trong những quốc gia có uy tín tín dụng tốt nhất.

Theo Tiến sĩ Lim Kok Tiong, chuyên gia kinh tế tài chính và tín dụng độc lập tại Malaysia, xếp hạng AAA của Moody's, Standard & Poor's (S&P) và Fitch xác nhận mức độ tín nhiệm cao nhất, qua đó cho phép các quốc gia trong hạng này vay với lãi suất thấp, đồng thời phản ánh sự tin tưởng của nhà đầu tư vào khả năng trả nợ. Việc mất xếp hạng này không chỉ mang tính biểu tượng, mà còn báo hiệu những nghi ngờ nghiêm trọng về năng lực quản lý tài chính hiệu quả và đáng tin cậy của Chính phủ Mỹ trong việc thanh toán các khoản nợ.

Lòng tin suy giảm dần

Việc hạ cấp trên không phải là cú sốc đột ngột mà là đỉnh điểm của hơn một thập kỷ xói mòn tài chính tại Mỹ. S&P là tổ chức đầu tiên hành động, hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ từ AAA xuống AA+ vào ngày 5/8/2011 do sự gia tăng bất ổn chính trị, chính sách thắt chặt tiền tệ liên quan đến việc tăng trần nợ công và chính phủ thiếu các kế hoạch đáng tin cậy để kiểm soát thâm hụt tài chính.

Tiếp theo là hành động của tổ chức Fitch vào ngày 1/8/2023, trong đó nêu ra những lo ngại tương tự, đặc biệt là tình trạng bế tắc chính trị cố hữu và gánh nặng nợ công ngày càng tăng. Tại thời điểm đó, nợ quốc gia của Mỹ đã lên tới 33.000 tỷ USD, khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bất ổn.

Cuối cùng là vào ngày 16/5/2025, tổ chức Moody's đã hạ cấp xếp hạng AAA của Mỹ, do 3 nguy cơ chính là khoản nợ công 36.000 tỷ USD, chi tiêu công kém hiệu quả và thể chế bị suy yếu, đặc biệt là trong việc lập kế hoạch và chi tiêu tài chính. Với động thái này, Mỹ đã chính thức rời khỏi nhóm được xếp hạng tín dụng cao nhất.

Hậu quả toàn cầu khi một siêu cường bị hạ cấp tín nhiệm

Những tác động của việc hạ cấp này đã vượt xa khỏi lãnh thổ Mỹ. Là một trụ cột trong hệ thống tài chính toàn cầu, Mỹ đóng vai trò trung tâm trên thị trường vốn thông qua vị thế của đồng USD và trái phiếu. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nợ công toàn cầu dự kiến sẽ đạt 100.000 tỷ USD vào cuối năm 2024, riêng Mỹ chiếm 36%, ở mức 36.000 tỷ USD.

Nguy cơ vỡ nợ, chậm thanh toán lãi hay gốc sẽ gây ra tình trạng gián đoạn nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu, với những cú sốc trên thị trường trái phiếu, cổ phiếu và tiền tệ. Các quốc gia nắm giữ nhiều trái phiếu của Mỹ, bao gồm Nhật Bản, Trung Quốc, Vương quốc Anh, Luxembourg, Quần đảo Cayman, Canada, Bỉ, Ireland, Pháp và Thụy Sĩ, những quốc gia nắm giữ 14% tài sản, đạt 5.200 tỷ USD, sẽ dễ bị tổn thương nhất.

Đồng USD hoặc trái phiếu của Mỹ sẽ không còn được xem là nơi trú ẩn an toàn nhất nữa. Trong thời gian tới, các quốc gia trên thế giới có thể sẽ nghiên cứu những biến động của thị trường và đánh giá lại các tiêu chuẩn về loại tài sản được coi là nơi trú ẩn an toàn.

Tương lai của đồng USD

Nhận thức lâu đời về đồng USD và trái phiếu kho bạc Mỹ là nơi trú ẩn an toàn có nguy cơ bị thay đổi vĩnh viễn. Sự bất ổn phát sinh có thể gây ra tình trạng phân mảnh thị trường vốn toàn cầu, xóa bỏ chuẩn mực chung cho tài sản không rủi ro. Các nhà đầu tư có thể ngày càng chuyển sang các loại tiền tệ và công cụ thay thế, như đồng euro, đồng yên, đồng franc Thụy Sĩ hoặc thậm chí là trái phiếu chính phủ từ các thị trường mới nổi song có chính sách thận trọng về mặt tài chính.

Các khu vực châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh có thể sẽ đẩy nhanh nỗ lực phi USD hóa. Ngoài ra, với sự hoài nghi ngày càng tăng về sự ổn định chính trị và trách nhiệm tài chính của Mỹ, các ngân hàng trung ương và các quỹ đầu tư quốc gia có thể cắt giảm lượng tài sản Mỹ đang nắm giữ và giảm dự trữ đồng USD. Những điều chỉnh này có thể làm tăng lãi suất của Mỹ và hạn chế khả năng thanh khoản toàn cầu, khiến chi phí tài trợ cho các nền kinh tế phát triển và đang phát triển trở nên tốn kém hơn.

Các quốc gia được coi là ổn định về kinh tế và chính trị, với các thể chế tài chính mạnh, có thể hưởng lợi từ việc phân bổ lại vốn này. Tuy nhiên, nhiều quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia phụ thuộc vào vay nợ nước ngoài, có thể phải đối mặt với tình trạng tín dụng bị thắt chặt, biến động tỷ giá hối đoái và áp lực lạm phát gia tăng. Thị trường bất động sản, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và lợi suất trái phiếu chính phủ đều có thể bị ảnh hưởng.

Thành Trung /BNEWS/Vnanet.Vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tin-hieu-cho-mot-trat-tu-tai-chinh-toan-cau-moi/379314.html