Tín hiệu lạc quan từ dòng chảy vốn FDI toàn cầu

Dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) được xem là một chỉ số quan trọng về sức khỏe của nền kinh tế thế giới. Báo cáo mới đây của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) về vốn FDI toàn cầu trong nửa đầu năm 2021 cho thấy những tín hiệu lạc quan, đồng thời cũng chỉ ra nhiều thách thức đối với sự phục hồi đồng đều và bền vững sau đại dịch.

FDI là nguồn vốn quan trọng cho các dự án xây dựng hạ tầng ở các nước đang phát triển. Ảnh UNCTAD

FDI là nguồn vốn quan trọng cho các dự án xây dựng hạ tầng ở các nước đang phát triển. Ảnh UNCTAD

Đại dịch Covid-19 khiến dòng vốn FDI toàn cầu giảm mạnh trong năm 2020, giảm 35% xuống mức 1.000 tỷ USD từ hơn 1.500 tỷ USD của năm 2019, thấp hơn gần 20% so mức đáy của năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự sụt giảm nhanh chóng của tổng lượng vốn FDI trên thế giới trong năm 2020 là minh chứng rõ rệt về những tác động nghiêm trọng và sâu rộng của đại dịch lên nền kinh tế toàn cầu.

Theo thống kê của UNCTAD, nửa đầu năm 2021 cho thấy đà phục hồi mạnh hơn dự kiến khi tổng lượng vốn FDI toàn cầu ước đạt 852 tỷ USD. Sau hai quý đầu năm, các nền kinh tế phát triển đã ghi nhận mức tăng lớn nhất, với vốn FDI ước tính đạt 424 tỷ USD, gấp hơn ba lần so với năm 2020. Tại khu vực châu Âu, các nền kinh tế lớn đã có mức tăng đáng kể, khi lượng vốn FDI trung bình chỉ còn thấp hơn 5% so mức của trước đại dịch. Dòng vốn FDI vào Mỹ cũng đã tăng khoảng 90% nhờ sự gia tăng của các vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) xuyên biên giới. Ở các nền kinh tế đang phát triển, lượng vốn FDI cũng đã cho thấy sự phục hồi nhanh, đạt tổng cộng 427 tỷ USD trong nửa đầu năm 2021, với mức tăng 25% ở Ðông Á và Ðông Nam Á. Vốn FDI ở khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ phục hồi về mức gần như trước đại dịch Covid-19 và cũng đã tăng ở một số nền kinh tế khác trên khắp châu Phi, Tây Á và Trung Á.

Tuy nhiên, báo cáo của UNCTAD nhấn mạnh, trong tổng mức tăng và phục hồi của dòng vốn FDI toàn cầu trong nửa năm qua, 75% được ghi nhận ở các nền kinh tế phát triển. Theo Giám đốc đầu tư và doanh nghiệp của UNCTAD James Zhan, sự phục hồi nhanh chóng của lượng vốn FDI và triển vọng lạc quan của nền kinh tế thế giới trong năm nay đang che phủ sự phân hóa ngày càng lớn trong dòng vốn FDI giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Theo UNCTAD, sự phục hồi của vốn FDI đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) tại các quốc gia đang phát triển, vốn bị thiệt hại đáng kể trong thời gian đại dịch hoành hành với mức giảm hai con số trên hầu hết các lĩnh vực, là còn mong manh. Nguồn vốn cho những dự án quốc tế trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hạ tầng tiếp tục có mức tăng trưởng mạnh nhất. Tuy nhiên, số lượng các dự án đầu tư liên quan đến SDG ở các nước kém phát triển tiếp tục giảm mạnh.

UNCTAD đánh giá, triển vọng vốn FDI toàn cầu trong năm 2021 đã được cải thiện đáng kể so với những dự báo trước đây. Song, tình hình đại dịch tiếp tục kéo dài và tiến độ chủng ngừa Covid-19, nhất là ở các nước đang phát triển, cũng như các gói kích thích đầu tư cơ sở hạ tầng, vẫn là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tiến trình phục hồi bền vững của nền kinh tế toàn cầu.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/tin-hieu-lac-quan-tu-dong-chay-von-fdi-toan-cau-670707/