Tín hiệu thuận cho THACO nạo vét tăng độ sâu luồng hàng hải Kỳ Hà (Quảng Nam)

Tuyến luồng hàng hải Kỳ Hà ở huyện Núi Thành có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu tại miền Trung, Tây Nguyên, Lào và Campuchia qua cảng Chu Lai.

Một góc cảng biển Kỳ Hà.

Một góc cảng biển Kỳ Hà.

Bộ GTVT vừa có công văn số 6616/BGTVT – KHĐT gửi UBND tỉnh Quảng Nam phản hồi đề xuất của địa phương này liên quan đến việc nạo vét tăng độ sâu tuyến luồng hàng hải Kỳ Hà.

Theo Bộ GTVT, tại Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, giai đoạn đến năm 2020, bến cảng Kỳ Hà được quy hoạch cho cỡ tàu từ 5.000-20.000 tấn.

Để phục vụ nhu cầu thông qua hàng hóa bến cảng Kỳ Hà, trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam bàn giao tuyến luồng cho UBND tỉnh Quảng Nam (đại diện là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Kỳ Hà Chu Lai Quảng Nam) tiếp nhận quản lý và triển khai Dự án nạo vét luồng vào bến cảng Kỳ Hà.

Dự án sử dụng nguồn vốn trung ương hỗ trợ có mục tiêu, thời gian thực hiện 2017-2020 nhưng do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nên mới triển khai được khoảng 48% khối lượng, đã dừng thi công từ tháng 6/2022 đến nay và đã hết hời gian bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương.

Vào tháng 5/2024, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản thống nhất chủ trương dừng triển khai, tiếp tục thực hiện các bước nghiệm thu, thanh toán, quyết toán để kết thúc Dự án. Hiện tuyến luồng hàng hải Kỳ Hà do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức quản lý.

Tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến cảng Kỳ Hà, Tam Giang được quy hoạch cho cỡ tàu đến 20.000 tấn. Về quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng trường hợp huy động nguồn xã hội hóa, cho phép đầu tư luồng hàng hải phù hợp với quy mô quy hoạch bến cảng biển.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, hiện tuyến luồng Kỳ Hà chưa được đầu tư đạt độ sâu cần thiết đã ảnh hưởng lớn đến vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp cảng, logistics, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư...

Do vậy, để đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa tại khu bến cảng Kỳ Hà - Tam Hiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực, đồng thời phù hợp với định hướng trong trường hợp huy động xã hội hóa kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, Bộ GTVT ủng hộ huy động nguồn lực xã hội hóa từ nguồn vốn doanh nghiệp để tiếp tục nâng cấp tuyến luồng hàng hải Kỳ Hà như đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam.

Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thành quyết toán Dự án nạo vét luồng vào bến cảng Kỳ Hà làm cơ sở tiếp tục thực hiện đầu tư nạo vét tăng độ sâu luồng Kỳ Hà đến cao độ -9,3 m theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng cần đồng thời tiến hành các thủ tục nghiệm thu, thanh toán, sớm bàn giao hệ thống báo hiệu hàng hải trên tuyến luồng cho Cục Hàng hải Việt Nam nhằm kịp thời khắc phục tình trạng thường xuyên phát sinh các sự cố (trôi dạt phao, mất đèn, đèn không sáng...) do hiện nay không có đơn vị chức năng, chuyên môn thực hiện công tác quản lý, vận hành, duy tu các thiết bị, đảm bảo an toàn hàng hải trên luồng.

Bộ GTVT yêu cầu nhà đầu tư thực hiện đầy đủ ý kiến tham gia của Cục Hàng hải Việt Nam, có văn bản cam kết nạo vét đúng phạm vi, chuẩn tắc luồng, không tận thu sản phẩm, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế và chịu trách nhiệm nạo vét duy tu tuyến luồng hàng năm.

Đồng thời chỉ đạo các cơ quan liên quan nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý vận hành, duy tu tuyến luồng hàng hải Kỳ Hà, kịp thời khắc phục những sự cố trên tuyến luồng (trôi dạt phao, mất đèn, đèn không sáng...) nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải tại khu vực.

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn đề nghị Bộ GTVT cho ý kiến giao cho Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải – THACO thực hiện Dự án nạo vét tăng sâu tuyến luồng Kỳ Hà đạt độ sâu -9,3 m hải đồ.

Theo đại diện THACO, hiện nhiều vị trí tuyến luồng Kỳ Hà đã bị sa bồi nghiêm trọng sau 2 mùa mưa bão năm 2022 - 2023, dẫn đến cảng Chu Lai không thể tiếp nhận và khai thác tàu biển theo đúng thiết kế.

Vì vậy, hàng hóa của THACO vận chuyển bằng tàu lớn buộc phải qua các cảng biển Đà Nẵng, Dung Quất - Quảng Ngãi.

Điều này gây lãng phí kết cấu hạ tầng đã đầu tư của cảng Chu Lai, làm giảm uy tín cảng này trên thị trường hàng hải quốc tế; tăng chi phí logistics, ảnh hưởng nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam.

Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của tuyến luồng Kỳ Hà cũng như các trở ngại trong hoạt động khai thác dịch vụ cảng biển của cảng Chu Lai, THACO kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam chấp thuận chủ trương cho phép công ty thực hiện nạo vét tuyến luồng này đạt độ sâu tối thiểu -9,3 m, bảo đảm tiếp nhận tàu 30.000 DWT giảm tải.

Dự án được thực hiện bằng nguồn vốn của THACO với cam kết không đề nghị nhà nước hoàn lại. Sau khi nghiệm thu hoàn thành dự án, THACO sẽ bàn giao công trình cho nhà nước sở hữu, quản lý sử dụng.

Anh Minh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tin-hieu-thuan-cho-thaco-nao-vet-tang-do-sau-luong-hang-hai-ky-ha-quang-nam-d218451.html