Tín hiệu tích cực

Cuộc trao đổi gián tiếp giữa Mỹ và Iran ở Oman diễn ra trước vụ tai nạn máy bay thảm khốc khiến Tổng thống Iran thiệt mạng.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Hai bên đã thương thảo về việc Mỹ nới lỏng trừng phạt Iran để đổi lấy việc nước này không tiếp tục chương trình làm giàu uranium, đồng thời không hậu thuẫn những tổ chức, lực lượng Hồi giáo vũ trang tấn công quân đội Mỹ ở khu vực Trung Đông và vùng Vịnh.

Lần đầu tiên kể từ khi Israel và Iran tấn công quân sự trực tiếp vào lãnh thổ của nhau, Mỹ và Iran lại đàm phán với nhau, cho dù chỉ là gián tiếp và sử dụng vai trò ngoại giao trung gian con thoi của Oman.

Đại diện của Iran ở Liên Hợp Quốc không những xác nhận thông tin trên sớm hơn rất nhiều so với thông lệ xưa nay mà còn khẳng định cuộc trao đổi gián tiếp vừa rồi ở Oman “không phải lần đầu tiên và cũng không phải lần cuối cùng”.

Như thế có nghĩa là Mỹ và Iran đều chủ ý duy trì kênh đàm phán này để xử lý mọi vấn đề mắc mớ lâu nay trong mối quan hệ song phương thông qua đàm phán ngoại giao.

Sau vụ tai nạn máy bay khiến Tổng thống Ebrahim Raisi và một số cộng sự thiệt mạng, nhiều điều bất định có thể xuất hiện trong thời gian tới về chính trị - xã hội nội bộ ở Iran cũng như về chính trị an ninh ở khu vực Trung Đông và Vùng Vịnh.

Phức tạp, nhạy cảm và nan giải nhất là những chuyện có liên quan tới mối quan hệ của Iran với Mỹ và Israel. Mỹ lại là đồng minh quan trọng nhất của Israel. Vì thế, nếu như kiểm soát và quản trị được mọi diễn biến trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran thì sẽ mang đến lợi ích cho cả hai.

Mới đây, Iran và Ả-rập Xê-út đã thỏa thuận bình thường hóa trở lại quan hệ ngoại giao song phương. Mỹ và Ả-rập Xê-út đang xúc tiến đàm phán về hiệp ước hợp tác an ninh, quân sự và quốc phòng mới. Mỹ còn thôi thúc Ả-rập Xê-út chấp nhận bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Israel. Vì thế, phía Mỹ càng có nhiều lợi ích với việc thuyết phục và gò ép Iran từ bỏ chương trình hạt nhân.

Duy trì kênh đàm phán như vừa rồi ở Oman, cả Mỹ lẫn Iran bảo tồn được cơ chế giảm căng thẳng và đối đầu trong quan hệ song phương. Iran có nhu cầu cấp thiết về củng cố khuôn khổ diễn đàn tiếp xúc, đối thoại và đàm phán này trước khả năng cựu Tổng thống Donald Trump trở lại cầm quyền sau cuộc bầu cử sắp tới. Ông Trump là người đã đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran được ký kết năm 2015.

Mỹ cần níu kéo Iran vì chưa khuất phục được nước này trong vấn đề chương trình hạt nhân. Không những thế, Iran còn gia tăng được thanh thế và vị thế ở khu vực.

Iran cũng không giống như Iraq, Syria, Yemen hay Afghanistan là những nơi mà Mỹ muốn tấn công quân sự khi nào cũng được. Một khi để xảy ra xung đột quân sự trực tiếp với Iran, quân đội Mỹ và các lợi ích chiến lược của họ ở khu vực đều có thể trở thành mục tiêu bị tấn công.

Cho nên Mỹ dẫu khó chịu đến mấy vẫn phải kiên nhẫn với Iran. Cho nên việc Mỹ và Iran tiếp tục đàm phán ở Oman là tín hiệu tích cực và rất đáng được khích lệ đối với cả hai bên.

Phù Dung

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/tin-hieu-tich-cuc-post684422.html