Tín hiệu từ nhà máy đồ chơi Lego
Lego vừa khánh thành nhà máy hơn 1,3 tỷ USD tại Bình Dương, Việt Nam, vào ngày 9/4. Đây không chỉ là một dự án lớn, mà còn là tín hiệu tích cực cho Việt Nam trên bản đồ toàn cầu.
Việc Lego chọn Việt Nam thay vì Mỹ, hay một quốc gia giàu có bên trời Âu là một lời khẳng định mạnh mẽ về sức hút của Việt Nam. Mỹ là thị trường tiêu thụ đồ chơi khổng lồ, nhưng Lego lại sản xuất tại Mexico để phục vụ Mỹ, như chia sẻ của lãnh đạo Lego trong sự kiện ngày hôm 9/4.
Trung Quốc từng là “công xưởng thế giới”, cũng là nơi Lego đặt nhà máy đầu tiên tại châu Á. Tuy nhiên, chi phí lao động ở Trung Quốc đã tăng. Theo một báo cáo từ Boston Consulting Group năm 2020, chi phí lao động theo giờ tại Trung Quốc là khoảng 6,5 USD, trong khi Việt Nam chỉ ở mức 3 USD. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị tiềm ẩn, khiến các tập đoàn lớn như Lego phải tìm "bến đỗ" mới.
Vậy tại sao là Việt Nam? Câu trả lời nằm ở sự kết hợp hoàn hảo: lao động giá rẻ nhưng chất lượng, chính trị ổn định và vị trí địa lý ngay trung tâm Đông Nam Á – khu vực đang chứng kiến tầng lớp trung lưu bùng nổ với nhu cầu đồ chơi cao cấp tăng mạnh.
Nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP III, Bình Dương, không chỉ là một cơ sở sản xuất, còn là biểu tượng của xu hướng “gần hóa” thị trường mà các tập đoàn toàn cầu đang theo đuổi. Với 44 hecta, 150.000 mét vuông diện tích sàn và công nghệ tiên tiến như 12.400 tấm pin mặt trời để đạt mục tiêu trung hòa carbon, Lego không chỉ sản xuất đồ chơi mà đặt ra tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững.
Dự kiến tạo ra 4.000 việc làm, nhà máy này sẽ mang lại thu nhập ổn định cho hàng ngàn gia đình, đồng thời kéo theo sự phát triển của các ngành phụ trợ như logistics, xây dựng, dịch vụ. Đây là cơ hội để Việt Nam không chỉ gia công mà còn học hỏi cách quản lý và vận hành từ một tập đoàn hàng đầu thế giới. Ý nghĩa của nhà máy Lego không dừng ở con số việc làm hay đầu tư. Điều này phản ánh một sự dịch chuyển lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhìn vào bối cảnh rộng hơn, Mỹ đang cố gắng kéo sản xuất về nước qua các chính sách như Đạo luật CHIPS hay ưu đãi thuế, nhưng họ cũng thừa nhận rằng các ngành như đồ chơi hay dệt may khó có thể quay về. Một ví dụ điển hình là ngành dệt may Campuchia. Ông Casey Barnett, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Campuchia,mới đây nói rằng dù bị Mỹ áp thuế cao, các nhà máy dệt may ở đó vẫn không thể chuyển về Mỹ vì chi phí quá đắt đỏ. Lego cũng vậy. Họ chọn Mexico để sản xuất cho thị trường Bắc Mỹ, trong đó có Mỹ, Việt Nam cho Đông Nam Á và các nước khác như Hungary cho châu Âu. Điều này cho thấy Mỹ vẫn là siêu cường tiêu dùng, nhưng sản xuất thuộc về những nơi như Việt Nam.
Vậy Việt Nam được gì từ câu chuyện này?
Trước tiên, đó là niềm tin từ các ông lớn. Lego không phải doanh nghiệp nhỏ; họ có tiêu chuẩn khắt khe về môi trường, lao động và quản trị. Việc họ đặt cược hơn 1,3 tỷ USD vào Bình Dương là minh chứng rằng Việt Nam đang làm đúng: từ các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP, đến môi trường đầu tư ngày càng cải thiện.
Thứ hai, nhà máy này là động lực để Việt Nam nâng cấp hạ tầng và nguồn nhân lực. Chúng ta không thể mãi chỉ là điểm đến giá rẻ; đây là cơ hội để học hỏi công nghệ, xây dựng thương hiệu quốc gia, và thu hút thêm nhiều dự án lớn khác.
Cuối cùng, Việt Nam được khẳng định vị thế giữa lằn ranh địa chính trị. Trong bối cảnh Mỹ-Trung căng thẳng, Việt Nam đã khéo léo trở thành điểm đến “an toàn” cho các tập đoàn muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc mà không cần quay về Mỹ.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tin-hieu-tu-nha-may-do-choi-lego-321177.htm