Tín hiệu vui cho xuất khẩu gạo Kiên Giang

Hiện nay, thị trường xuất khẩu gạo của tỉnh Kiên Giang ổn định và đang trên đà tăng trưởng. Trước tín hiệu vui này, cơ quan chức năng và doanh nghiệp đang tranh thủ điều kiện thuận lợi, chủ động thực hiện các giải pháp để đạt chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm 2023.

THỊ TRƯỜNG ỔN ĐỊNH, GIÁ TĂNG

Gạo là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. 4 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 73,35 triệu USD, đạt hơn 39% so kế hoạch năm 2023. Riêng tháng 4, xuất khẩu gạo đạt 25,27 triệu USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 545 USD/tấn, tăng gần 9% so bình quân cùng kỳ năm 2022.

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay thị trường xuất khẩu gạo của tỉnh Kiên Giang ổn định và đang trên đà tăng trưởng. Thị trường xuất khẩu gạo truyền thống như Philippines, Trung Quốc đang tăng cường sức mua trở lại. Không chỉ có tín hiệu vui từ thị trường truyền thống, kim ngạch xuất khẩu cũng có nhiều cơ hội tăng trưởng từ các thị trường xuất khẩu gạo tiềm năng như Malaysia, Indonesia, châu Phi, Cuba, Iraq… Xuất khẩu gạo còn dư địa để mở rộng thị trường khi nhiều quốc gia tăng nhập khẩu lương thực để dự trữ sau một năm nguồn lương thực toàn cầu suy giảm do thiên tai.

Kết thúc vụ lúa mùa và đông xuân 2022-2023, Kiên Giang đạt sản lượng gần 2,5 triệu tấn. Nông dân trồng các giống lúa chất lượng cao phù hợp xuất khẩu như Japonica, ST25, ST21, OM18, Jasmine,… chiếm gần 98,5% tổng diện tích gieo sạ. Chất lượng gạo xuất khẩu cũng ngày càng cao đã thu hút nhu cầu mua của nhiều nước.

Trước những yếu tố thuận lợi, xuất khẩu gạo của Kiên Giang sẽ có nhiều cơ hội bứt phá trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong tỉnh, dự báo từ nay đến cuối năm 2023, xuất khẩu gạo vẫn đối mặt với không ít khó khăn và thách thức do cạnh tranh và chi phí đầu vào tăng; biến động kinh tế thế giới, ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine.

Bên cạnh đó, tình trạng lạm phát vẫn còn ở mức cao. Hiện chi phí logistics tăng và giá đầu vào cho sản xuất lúa gạo tăng cao; biến đổi khí hậu làm ảnh hưởng đến mùa vụ. Chi phí nhân công, giá phân bón tăng gây khó khăn cho người dân trong mùa vụ mới.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong tỉnh Kiên Giang, lãi suất cho vay của các ngân hàng vẫn còn cao, việc hạn chế room tín dụng đã khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn, dẫn đến khó khăn trong việc dự trữ gạo. Tỷ giá ngoại tệ tăng, giảm thất thường tiềm ẩn nhiều rủi ro kinh doanh cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Công nhân Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang xuất kho gạo thành phẩm chuẩn bị xuất khẩu.

Công nhân Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang xuất kho gạo thành phẩm chuẩn bị xuất khẩu.

CHỦ ĐỘNG ỨNG PHÓ KHÓ KHĂN

Năm 2023, Kiên Giang phấn đấu kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 188 triệu USD, sản lượng xuất khẩu 377.500 tấn. Trước dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang chủ động ứng phó với khó khăn, tích cực thực hiện giải pháp kinh doanh hiệu quả để hoàn thành kế hoạch xuất khẩu năm 2023.

Ông Phạm Văn Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại Kiên Giang (KTC) cho biết: “Để ứng phó với những khó khăn, thách thức, KTC đã chủ động nguồn nguyên liệu theo hình thức liên kết tiêu thụ. KTC chủ động tạo chân rết thị trường với hệ thống thương lái, nhà máy xay xát, chế biến gạo, tổ chức thu mua từ các vùng nguyên liệu chủ lực và uy tín”.

KTC là một trong những đơn vị xuất khẩu gạo hàng đầu của Kiên Giang. Hiện công ty sở hữu 2 nhà máy chế biến và xuất khẩu gạo tại huyện Tân Hiệp và huyện Giồng Riềng (Kiên Giang). 2 nhà máy này thuộc nhóm nhà máy công suất cao tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo những tiêu chuẩn khắt khe nhất của nông sản xuất khẩu đi các thị trường nước ngoài.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu năm 2023, đồng chí Trương Văn Minh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang cho biết: “Sở Công thương đang làm đầu mối kiến nghị với bộ, ngành góp phần giúp xuất khẩu gạo hoàn thành chỉ tiêu năm 2023. Sở đẩy mạnh kết nối xuất khẩu thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại. Thường xuyên nắm bắt tình hình kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp để kịp thời đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh và xuất khẩu”.

Sở Công thương tỉnh Kiên Giang bám sát tình hình, thường xuyên kiểm tra, đánh giá để xử lý linh hoạt kịp thời khó khăn và vướng mắc của doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện hoàn thành và vượt kế hoạch được giao trong chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Ủy ban nhân dân tỉnh. Sở sẽ tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.

Theo đồng chí Trương Văn Minh, Kiên Giang cần thêm các nhà máy chế biến sâu nông sản đặt tại vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. Dự kiến sẽ hình thành dự án đầu tư nhà máy chế biến gạo của Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An Kiên Giang tại huyện Hòn Đất và huyện Kiên Lương để tiêu thụ nguyên liệu lúa, gạo của vùng tứ giác Long Xuyên.

Ngành công thương tỉnh Kiên Giang sẽ chủ động, nắm bắt thị trường, nhu cầu gạo trên thị trường thế giới. Đồng thời, gắn chặt với từng doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh với quan điểm tìm thị trường rồi mới quyết định sản xuất. Trên cơ sở đó, ngành công thương sẽ phối hợp ngành nông nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, ổn định sản xuất tập trung với quy mô lớn; liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp tiêu thụ và xuất khẩu trên địa bàn để phát triển ngành hàng lúa gạo nhiều hơn ở thị trường thế giới.

Bài và ảnh: KIỀU DIỄM

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/tin-hieu-vui-cho-xuat-khau-gao-kien-giang-13750.html