Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Hội tụ sức mạnh đại đoàn kết, lan tỏa ý thức tự tôn dân tộc

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được bồi đắp, tích tụ suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước. Về Đất Tổ Hùng Vương, tri ân công đức tiền nhân cũng là hành trình hội tụ niềm xác tín tâm linh để lan tỏa trong mỗi con Lạc cháu Hồng sức mạnh tình đoàn kết đồng bào, thiết tha yêu nước, tự hào về cội nguồn dân tộc…

Trung tâm Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Tú Anh

Trăm cây một cội, trăm con một nhà

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã đưa ra một định nghĩa về văn hóa: “Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân và các cộng đồng) đã diễn ra trong quá khứ, cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ, nó đã cấu thành nên một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình”. Không phải ngẫu nhiên mà ngày 6/12/2012, tại Paris (Pháp), UNESCO đã chính thức công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng và cũng là lần đầu tiên UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Tổ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Lịch sử của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao của các Vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”: Kinh Dương vương là con của Đế Minh (cháu ba đời của Viêm đế Thần Nông thị) là bậc thánh trí thông minh và được Đế Minh phong làm vương để trị đất phương Nam (nước Xích Quỷ). Kinh Dương vương lấy con gái Động Đình Quân sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai là Âu Cơ sinh ra trăm con (tục truyền sinh ra trăm trứng) và được xem là thủy tổ của Bách Việt. Sau bởi “thủy hỏa khắc nhau, khó lòng đoàn tụ”, bèn chia 50 người con theo mẹ về núi, 50 người con theo cha về miền Nam Hải và phong con trưởng làm Hùng Vương. Hùng Vương lên ngôi đóng đô ở Châu Phong, đặt Quốc hiệu là nước Văn Lang, chia nước làm 15 bộ, đặt chư hầu để làm phên dậu, ngôi vua đời đời cha truyền con nối. Tri ân công đức tổ tiên, người Việt đã suy tôn các vua Hùng là Thủy tổ của dân tộc từ hàng nghìn năm trước. Việc thờ cúng Hùng Vương đã trở thành tập quán, tín ngưỡng và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trải qua thời gian, phong tục này đã trở thành Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mà đỉnh cao là thờ cúng Hùng Vương. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tín ngưỡng này đã trở thành điểm tựa tinh thần, đức tin vào sự linh thiêng huyền diệu của Tổ tiên để người dân đất Việt thắt chặt khối đại đoàn kết đồng bào, chung sức chiến thắng thiên tai, giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi.

Rước kiệu về Đền Hùng. Ảnh: Phương Thanh

Mỗi một dân tộc trên thế giới đều có truyền thống lịch sử, quyết định sức sống, sự phát triển và bản sắc văn hóa riêng biệt. Trên thế giới hiếm một dân tộc nào có một ngày giỗ chung tưởng nhớ những người có công sinh thành và cả một dân tộc, một đất nước. Có bề dầy hàng nghìn năm lịch sử, trong tâm linh và tình cảm của những người dân đất Việt đều tin rằng: Cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ là khởi nguồn của dân tộc, các vua Hùng là những người có công dựng nước. Nghĩa “đồng bào”, dòng giống “con Lạc, cháu Hồng”, nguồn gốc “cha Rồng, mẹ Tiên” đã bồi đắp, tích tụ thành khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh để dân tộc Việt luôn tương thân tương ái, chung sức đồng lòng bảo vệ, xây dựng non sông gấm vóc được trao truyền từ tổ tiên…

Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước - cả nước hướng về Đền Hùng

Xuyên suốt chiều dài lịch sử, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam, thể hiện lòng biết ơn của các thế hệ con cháu với công đức của tổ tiên trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Cổ nhân từng răn dạy: “Vật gốc ở trời, người gốc ở tổ”; “đất có thịnh thì cây mới tốt, nguồn có sâu thì nước mới dài”. Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, khởi đầu từ thời đại các vua Hùng khai sơn phá thạch, mở mang bờ cõi cũng chính là “nguồn sâu”, nền móng vững chắc cho sự trường tồn của dân tộc. Tích tụ, bồi đắp qua cả thiên niên kỷ thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tạo thành khối trầm tích mang triết lý nhân văn sâu sắc. Đó là tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, một lòng hướng về tiên tổ, để ngưỡng vọng, tự hào, cảm nhận điểm tựa tinh thần và lan tỏa, thắp sáng những tình cảm đẹp trong sâu thẳm tâm hồn mỗi người.

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa đặc biệt của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đối với cộng đồng, quốc gia, dân tộc, các triều đại phong kiến Việt Nam đều chú trọng thực hành lễ nghi, tu bổ, tôn tạo đền miếu thờ cúng. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa...”. Đến nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình bộ Lễ định ngày mùng Mười tháng Ba âm lịch hàng năm làm ngày quốc tế (quốc lễ)…

Đền Thượng trên đỉnh Nghĩa Lĩnh. Ảnh: Tú Anh

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta. Kế tục truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của cha ông, ngay trong thời điểm thế nước như ngàn cân treo sợi tóc, thù trong giặc ngoài đe dọa nền độc lập non trẻ, Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa về Đất Tổ làm lễ dâng hương tại Đền Hùng, trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh bảo kiếm nhằm kính cáo với tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược.

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, trên đường về tiếp quản thủ đô, ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của vị lãnh tụ vĩ đại được nói vào thời khắc lịch sử đặc biệt, tại đất thiêng Đền Hùng như lời hịch của non sông, tiếng vọng mang hào khí ngàn năm của cha ông đã được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đồng tâm, dốc sức thực hiện với chiến thắng vang dội mùa Xuân năm 1975, thu non sông về một mối, những chiến công bảo vệ vững chắc biên giới phía Tây Nam, phía Bắc của Tổ quốc và đặc biệt là công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử. “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Những thành tựu đó là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh đoàn kết dân tộc, truyền thống văn hiến ngàn năm của dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước với điểm tựa tinh thần là cùng chung một nguồn cội - con cháu Vua Hùng.

Năm 1977, thăm Đền Hùng trong dịp Giỗ Tổ năm Đinh Tỵ - 1977, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nói: “Cần phải tu bổ xây dựng Đền Hùng để từ Đền Hùng nhìn ra cả nước và cả nước hướng về Đền Hùng…”. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ngày Giỗ Tổ mùng 10/3 âm lịch hàng năm đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phê chuẩn trở thành ngày lễ lớn - Quốc Lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc. Khu Di tích lịch sử Đền Hùng được xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia đặc biệt. Ngày 22/10/2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công nhận Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ…

Truyền thống, di sản quý báu của ông cha đã được tiếp nối, trao truyền. Để khắp bốn phương trời, cứ đến ngày Giỗ Tổ, hàng triệu người mang dòng máu Việt lại cùng nhau hành hương hoặc thành tâm hướng về Đất Tổ, thắp nén tâm hương, nhớ về nguồn cội, tri ân công đức tổ tiên để sâu thẳm trong tâm khảm nhân lên lòng tự hào rằng dân tộc ta là một dân tộc có nguồn cội, có lịch sử văn hóa từ lâu đời. Từ Đền Hùng nhìn ra cả nước - cả nước hướng về Đền Hùng. Truyền thống lịch sử của cha ông tạo nền móng vững chắc, động lực nhân lên sức mạnh, niềm tin để dân tộc Việt phát triển hùng cường, trường tồn cùng thời gian.

Vũ Thanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//den-hung/tin-nguong-tho-cung-hung-vuong-hoi-tu-suc-manh-dai-doan-ket-lan-toa-y-thuc-tu-ton-dan-toc/192255.htm