Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ
Qua các màn hóa thân của Thanh đồng người xem được chiêm ngưỡng nét đẹp của trang phục các vùng miền, lịch sử, diễn xướng lại những vị anh hùng lịch sử được hiển thánh, hiển thần bằng những nghi thức hầu khác nhau đúng như tích của mỗi vị thánh.
Tóm tắt
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2016. Với nghi lễ hầu đồng là hình thức diễn xướng tâm linh thường diễn ra ở các điện, đền, phủ không chỉ nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa của đạo Mẫu, mà giúp nhân dân hiểu sâu sắc hơn về các giá trị văn hóa thờ Mẫu trong đời sống tinh thần của cộng đồng.
Phát huy giá trị nhân văn của đạo Mẫu, loại bỏ các hình thức mê tín núp bóng sẽ làm cho đạo Mẫu điểm nhấn bản sắc trong dòng chảy tín ngưỡng phong phú trong đời sống tâm linh tôn giáo ở Việt Nam.
Từ khóa: Nghiên cứu văn hóa Việt Nam; Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu; Di sản văn hóa.
Đôi nét về lịch sử của văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ là một hình thức thờ cúng người Mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi được hình thành trên nền tảng của tín ngưỡng thờ Nữ thần.
Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân.
Theo thư tịch và huyền thoại, bà là tiên nữ giáng trần, làm người, rồi qui y Phật giáo, được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ”, một trong bốn vị thánh bất tử của người Việt. Từ thế kỷ XVI, tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống con người.
Hoạt động tín ngưỡng này đã được truyền lại từ thế kỷ thứ XVI thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử cho các thế hệ sau này. Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, thành phố Hồ Chí Minh, lan tỏa và được thực hành ở nhiều địa phương trong cả nước. Tỉnh Nam Định được coi là một trong những địa phương có các trung tâm thờ thánh Mẫu Liễu Hạnh tiêu biểu với những nơi lưu giữ sự tích về sự giáng thế của Mẫu như Phủ Dầy, Phủ Nấp và gần 400 nơi thờ cúng thánh Mẫu.
Chủ thể di sản là thủ nhang, thầy cúng, thanh đồng, hầu dâng, cung văn, con nhang đệ tử cùng với cộng đồng cư dân có chung một niềm tin vào quyền năng, sức mạnh tối linh, sự bảo trợ của các Mẫu, đứng đầu là Thánh Mẫu Liễu Hạnh, gắn bó với nhau thành bản hội, cùng nhau thực hành nghi lễ thờ cúng, tham gia lễ hội, lên đồng tại các phủ, điện Thờ Mẫu.
Tại các điện thờ Thánh Mẫu, nghi thức thờ cúng hàng ngày do các thủ nhang thực hiện. Thực hành cơ bản của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ lên đồng và lễ hội, tiêu biểu là Lễ hội Phủ Dầy ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định diễn ra từ ngày mồng 3 đến ngày 10 tháng Ba âm lịch (ngày giỗ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh) với những nghi lễ, diễn xướng dân gian, xếp chữ, lễ rước thỉnh kinh.
Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người.
Sức mạnh và ý nghĩa của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người như cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu làm ăn phát đạt…
Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt thể hiện truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn. Điều này được biểu hiện cụ thể qua hệ thống các vị thần trong điện thần Tam phủ (khoảng 70 vị thần), trong đó có nhiều vị vốn là những nhân vật lịch sử, được thần linh hóa như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Xí…). Khi sống họ là những người có tài, có đức, góp phần vào sự nghiệp dựng nước, bảo vệ người dân, khi mất hiển linh, là chỗ dựa tinh thần, thể hiện ý thức về cội nguồn dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước.
Với tính cởi mở của tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt nên mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp. Người Việt tôn thờ các vị Thánh Mẫu và các vị thánh bản địa, đồng thời tôn trọng và tiếp nhận các vị thần, các yếu tố văn hóa của một số các dân tộc thiểu số. Trong thần điện có các vị thánh (Mẫu Thượng ngàn, các vị Quan, các Chầu, các Cô) thuộc miền rừng núi, nơi cư trú tập trung của các dân tộc thiểu số như người Mường, Tày, Nùng, Dao, v.v… Các trang phục dân tộc, các điệu xá thượng trong hát văn mang sắc thái văn hóa dân gian của các dân tộc miền núi phía Bắc.
Các vị thần có nguồn gốc là dân tộc thiểu số trong điện thần thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

Thực hành và tham dự vào nghi lễ lên đồng và các hoạt động lễ hội để cầu sức khỏe, may mắn, hạnh phúc, thể hiện khát vọng trong cuộc sống thường ngày, hướng con người đến lòng từ bi bác ái như là nền tảng của những nguyên tắc ứng xử giữa con người với con người.
Thờ cúng Thánh Mẫu, biểu tượng người mẹ tối linh góp phần đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội Việt Nam.
Bên cạnh đó, thực hành lễ hội, lên đồng, hát văn với những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, múa… được thể hiện một cách nghệ thuật gắn với tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ, đó cũng là một phương thức nhằm lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.
Nghi lễ chính, trung tâm của Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ là nghi lễ Lên đồng – được hiểu là một hình thức diễn xướng dân gian, thể hiện đức tin về sự giáng/nhập của các vị thần trong điện thần của Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ. Các giá đồng bao gồm hát văn, trang phục, múa thiêng được kế hợp một cách hài hòa, thể hiện sự giáng đồng của các vị thánh mang tính tâm linh và biểu tượng. Những người thực hành tin rằng, bằng hình thức diễn xướng này, họ có thể giao tiếp được với các đấng thần linh để gửi gắm, biểu đạt những mong muốn, khát vọng của mình thông qua các thầy đồng - người đóng vai trò trung gian giữa con người và thần linh. Đây là hình thức shaman giáo - diễn xướng xuất nhập thần tương đối phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới (Hàn Quốc, Mông Cổ, Uzbekistan, Braxin, Zimbabwe…).
Ngày 01 tháng 12 năm 2016, tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa, nước Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia, di sản Thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.[1]
Đặc điểm của văn hóa Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt
Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 2 Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 thì: Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng. Và hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.
Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt “đáp ứng những tiêu chí sau để đăng ký vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại:
Thứ nhất: Các thông tin trong Hồ sơ đã chỉ ra rằng di sản đã và đang góp phần quan trọng vào việc tạo ra sợi dây tinh thần liên kết các cộng đồng thực hành di sản. Từ góc độ xã hội, với tính chất cởi mở của di sản, đã thúc đẩy sự khoan dung giữa các sắc tộc và tôn giáo. Di sản này đã được trao truyền lại từ thế kỷ thứ XVI thông qua việc thực hành, truyền dạy của thủ nhang, đồng đền và con nhang, đệ tử,... Nó tương thích với các quy định về nhân quyền quốc tế và không có giới hạn về thực hành;
Thứ hai: Các thông tin trong Hồ sơ chỉ ra rằng, bộ phận cấu thành của di sản này góp phần vào khả năng thực hành di sản nói chung và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nó ở các cấp độ khác nhau; đưa ra được những điểm tương đồng văn hóa giữa các cộng đồng và các nhóm người tham gia vào việc thờ Mẫu như là biểu tượng của lòng từ bi và độ lượng, cùng với đó là sự kết hợp của Đạo giáo, Phật giáo và các tôn giáo khác. Khi di sản này này được chia sẻ bởi các nhóm dân tộc khác nhau ở Việt Nam, việc thực hành sẽ tăng cường đối thoại và thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa; giúp cho việc sáng tạo, làm giàu vốn văn hóa và trở thành một thành phần quan trọng của lễ hội, nơi mà yếu tố nghệ thuật như trang phục, vũ đạo và âm nhạc đóng vai trò quan trọng;
Thứ ba: Từ những năm 1990, các con nhang, đệ tử và người thực hành di sản này đã tự nguyện huy động, đóng góp tiền, hỗ trợ cho việc duy trì lễ hội và trùng tu di tích thờ Mẫu. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để quản lý các lễ hội, di sản. Các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản đã được đưa ra bao gồm: xây dựng chính sách hỗ trợ, thành lập các câu lạc bộ bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở địa phương; phục hồi các lễ hội truyền thống; tổ chức nghiên cứu khoa học, xuất bản tài liệu hướng dẫn; tổ chức triển lãm, trưng bày, trình diễn di sản tại bảo tàng; thiết kế các chương trình giảng dạy chính thức và phi chính thức; tôn vinh, công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân và thủ nhang, đồng đền tiêu biểu. Các hoạt động đó phản ánh cam kết của Nhà nước, cộng đồng và các nhóm nhằm bảo vệ di sản. Mục tiêu tổng thể là để đảm bảo tính khả thi trong việc thực hành di sản, tránh việc thương mại hóa các nghi lễ;
Thứ tư: Đề cử này là kết quả của việc tham vấn và hợp tác của những người thực hành (thủ nhang, đồng đền, ông đồng, bà đồng, cung văn, con nhang, đệ tử,...), đại diện cộng đồng, nhà nghiên cứu, cùng với nhiều tổ chức chính phủ và phi chính phủ. Các tài liệu kèm theo hồ sơ cho thấy họ đã nhận được sự đồng thuận của cộng đồng cho việc đề cử di sản. Thông tin của Hồ sơ đã chứng minh rằng các biện pháp cụ thể nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã được thực hiện luôn tôn trọng phong tục tập quán, quyền tham gia thực hành di sản;
Thứ năm: Thông tin Hồ sơ cũng đã cung cấp một phụ lục chứng minh di sản đã được đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2013. Hoạt động kiểm kê đã được Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức thực hiện với Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam; kết quả kiểm kê đều được cập nhật hàng năm. Việc kiểm kê đã được thực hiện với sự tham gia của cộng đồng địa phương, trưởng thôn, thủ nhang, đồng đền, ông đồng, bà đồng, con nhang, đệ tử...”.
Việc UNESCO ghi danh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ
3.1. Thực trạng hoạt động Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ hiện nay
Là một loại hình tín ngưỡng dân gian phản ánh rõ nét tâm hồn người Việt, tín ngưỡng thờ Mẫu có sức sống mãnh liệt, phù hợp với mọi hoàn cảnh lịch sử đất nước. Tuy nhiên, hiện tượng thương mại hóa, biến tướng trong các nghi lễ của tục thờ Mẫu khiến cho nghi lễ mất đi tính linh thiêng, trở thành thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu luôn có sự gắn bó, dung hòa với các tôn giáo, tín ngưỡng khác, nương tựa, bổ sung cho nhau để cùng nhau tồn tại và phát triển. Bên cạnh đó, trong suốt tiến trình phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu còn tích tụ, hàm chứa nhiều giá trị tiêu biểu của lịch sử và văn hóa truyền thống, góp phần giữ gìn, lưu truyền và phát huy những tinh hoa văn hóa thuộc về bản sắc dân tộc độc đáo của Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều nơi, việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu đã nảy sinh tình trạng hỗn loạn, nhiều biến tướng, gây bức xúc trong nhân dân. Theo thanh đồng Trần Thanh Tùng (Lê Chân, Hải Phòng) là một Thanh đồng lâu năm và có uy tín tại thành phố Hải Phòng cho biết. Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay có nhiều người lợi dụng hình thức này để hoạt động mê tín dị đoan, tổ chức xa hoa lãng phí không đúng như bản chất, có những giá đồng lên tới hàng trăm triệu đồng. Số người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu ngày càng gia tăng về số lượng. Qua thực tế cho thấy nam giới tham gia hoạt động này nhiều hơn phụ nữ. Tỷ lệ những người thực hành tín ngưỡng thờ mẫu hoạt động tích cực chiếm tỷ lệ 70%, còn lại tỷ lệ mê tín dị đoan là 30%. Hiện nay, giới trẻ sùng bái hơn về cách lễ bái nhưng về nghi lễ thì kém hơn, khá tùy tiện, không chỉ diễn ra ở đền, phủ thờ Mẫu mà cả ở đình thờ Thành hoàng, thờ danh nhân, nơi chùa chiền thờ Phật… Việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có biểu hiện lệch chuẩn từ trang phục, đạo cụ, văn hầu cho đến vũ đạo.
Hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu là nét đẹp văn hóa của người Việt cần được bảo tồn và phát triển, việc lợi dụng hình thức này để hoạt động mê tín dị đoan trục lợi cần loại trừ, cần tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện tốt.
3.2. Ý nghĩa xã hội của hoạt động Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ
Xã hội càng phát triển con người càng có nhiều điều kiện tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau, tiếp cận nhiều thông tin tạo cơ hội để giao lưu, phát triển và hội nhập. Nhưng bên cạnh đó cũng sẽ phát sinh nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, áp lực cuộc sống của con người hiện đại sẽ lớn hơn từ các mối quan hệ xã hội. “Stress” đè nặng lên cá nhân, buộc họ phải tìm cách tháo gỡ để dung hòa giữa trạng thái bên ngoài và diễn biến tâm lý bên trong.
Đa số những người tìm đến hoạt động này đều đang rơi tình trạng tâm lý hoảng loạn, lo sợ, hoang mang vì nhiều lý do phát sinh mà không tự tìm được cách tháo gỡ hoặc những người đang mong muốn có công việc thuận lợi, tốt đẹp hơn. Mong muốn qua “Canh hầu” để mong được Thánh giáng xuống, khuông phù[2] cho Quốc thái, dân an, nhà nhà hưng thịnh, tai ương viễn tống, dịch bệnh tiêu trừ, “Tâm tưởng sự thành”. Xét về phương diện tác động đến tâm lý người, hoạt động thực hành tín ngưỡng văn hóa thờ Mẫu đã giúp họ được sự cân bằng tâm lý một cách tích cực, thêm động lực để hoàn thành công việc. Khi họ có động lực, niềm tin thì chính bản thân họ tự tìm được hướng giải quyết cho chính bản thân mình, chứ không phải có một ông thần, vị thánh nào hóa giải, hay làm giúp họ.
Di sản này đã được truyền lại từ đời này qua đời khác thông qua truyền dạy của thủ nhang, đồng đền cho con nhang, đệ tử... trong dân gian. Qua các màn hóa thân của Thanh đồng người xem được chiêm ngưỡng nét đẹp của trang phục các vùng miền, lịch sử, diễn xướng lại những vị anh hùng lịch sử được hiển thánh, hiển thần bằng những nghi thức hầu khác nhau đúng như tích của mỗi vị thánh.
Ví dụ: Quan Tam phủ khi giáng đồng ngài múa đôi kiếm, quan lớn Tuần Tranh khi giáng đồng ngài múa đao. Thánh chầu người dân tộc thiểu số khi giáng đồng Ngài múa đôi mồi (tượng trưng cho đôi bó đuốc soi đường đi trên núi non, hiểm trở), ông Hoàng Mười khi giáng đồng Ngài lấy quạt đề thơ, tượng trưng cho học vấn, trí tuệ.. Cô bé khi giáng đồng ban phát hoa tươi, quả tốt cho trần gian tượng cho sung túc, đủ đầy, mùa màng tốt tươi. Khi các Giá giáng đồng thì đều ban khen thưởng lộc bằng hiện kim tượng cho những người hầu dâng, cung văn và những đồng đền, đồng điện và các đệ tử trong nhân gian. Điều này để tăng niềm tin, nghị lực trong cuộc sống.
Kết luận
Di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với thế hệ trẻ ngày nay, chúng ta có trách nhiệm bảo tồn, phát triển hoạt động này. Di sản ngày là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng người Việt, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của dân tộc. Người Việt Nam đã không ngừng tái tạo và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng hình thức trao truyền qua các “Canh hầu”.
Sự đa dạng, phong phú về hình thức và nội dung của di sản giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các di sản với sự phát triển của xã hội, giúp quảng bá và giới thiệu văn hóa, tín ngưỡng đầy bản sắc của đất nước và con người Việt Nam.
Lê Thị Thu Dung, Viện kiểm sát nhân dân Tp.Thủy Nguyên, Hải Phòng
***
Chú thích:
[1] http://dsvh.gov.vn/thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-tam-phu-cua-nguoi-viet-tro-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-dai-dien-cua-nhan-loai-1536 (tra cứu hồi 15h ngày 09/02/2022)
[2] Giúp đỡ, phù trì.
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tin-nguong-tho-mau-tam-phu.html