Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Nam Định

Tín ngưỡng thờ các vị thần sông nước (thủy thần) từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong văn hóa dân gian của người Việt. Tại Nam Định, các vị thủy thần như Nam Hải Đại Vương, Đông Hải Đại Vương, Linh Lang Đại Vương… được thờ phụng tại nhiều di tích lịch sử - văn hóa. Ngoài giá trị tâm linh, những di tích còn là kho tàng kiến trúc và nghệ thuật, gắn liền với các lễ hội truyền thống đặc sắc, phản ánh bản sắc văn hóa phong phú của các địa phương.

Nghi thức tế “Tam Kỳ giang” trong lễ hội Đền Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên).

Nghi thức tế “Tam Kỳ giang” trong lễ hội Đền Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên).

Nơi lưu giữ tín ngưỡng cộng đồng

Đức Thánh Linh Lang Đại Vương là vị thần được dân gian tôn vinh với nhiều chiến công hiển hách và gắn liền với tín ngưỡng bảo vệ dân tộc. Theo các thần tích, ông là hoàng tử triều Lý với ba lần cưỡi voi xông pha trận mạc: đánh giặc Chiêm Thành (1044), giặc Trinh Vĩnh (1069) và giặc Tống (1077). Không chỉ là một anh hùng quân sự, Linh Lang còn được truyền tụng là vị thần có phép hóa mưa, giải hạn, mang lại sự phồn thịnh và mùa màng bội thu cho nhân dân. Sau khi mất, ông được các triều vua sắc phong danh hiệu cao quý như Nam Thiên Thượng đẳng thần và được thờ phụng tại nhiều ngôi đền khắp cả nước, tiêu biểu là Đền Voi Phục - một trong “Thăng Long tứ trấn”. Đặc biệt tại Nam Định, các di tích thờ Linh Lang Đại Vương phân bố ở nhiều nơi, như: đền Cây Quế (xã Mỹ Tân, thành phố Nam Định), đền Sùng Văn, xã Mỹ Thuận (thành phố Nam Định), đền An Cư, xã Xuân Vinh (Xuân Trường). Trong đó, đền Cây Quế được xem là điểm thờ tự tiêu biểu. Đền nằm tại vị trí đắc địa gần ngã ba sông, nơi hợp lưu của sông Hồng và sông Đào, vừa thể hiện lòng kính ngưỡng đối với vị anh hùng dân tộc vừa tôn vinh tín ngưỡng trị thủy của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngoài Linh Lang Đại Vương, đền còn thờ các vị thần khác như Bố Cái Đại Vương, Bạch Hạc Đại Vương và Sơn Dược Đại Vương gắn với niềm tin bảo trợ cho cuộc sống cư dân ven sông nước. Về kiến trúc, đền Cây Quế được xây dựng theo kiểu chữ Tam với ba hạng mục chính: tiền đường, trung đường và cung cấm. Dù trải qua nhiều lần trùng tu, đền vẫn giữ được nét cổ kính và giá trị nghệ thuật. Hệ thống cấu kiện gỗ được chạm khắc tinh xảo với các họa tiết “tứ linh, tứ quý” đặc trưng thời Nguyễn. Đặc biệt, tòa tiền đường gây ấn tượng với đôi rồng đá sống động ở bậc thềm và các mảng chạm khắc trên bảy tiền, bảy hậu, thể hiện trình độ nghệ thuật tinh tế của tiền nhân.

Đức Thánh Triệu Việt Vương (524-571) nổi tiếng với công lao đánh đuổi quân Lương xâm lược vào thế kỷ VI. Sau khi mất, ông được nhân dân suy tôn và thờ phụng là vị thần bảo trợ, đặc biệt trong đời sống tâm linh của cư dân ven sông nước. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các di tích thờ Triệu Việt Vương phân bố rộng khắp ở nhiều địa phương trong tỉnh, với tổng cộng hơn 60 di tích, nổi bật ở Giao Thủy (12 di tích), Nam Trực (18 di tích), Hải Hậu (8 di tích) và các huyện khác. Mật độ phân bố dày đặc các di tích thờ Triệu Việt Vương phản ánh tầm vóc lịch sử và sự tri ân của người dân đối với công lao to lớn của ông. Trong số các di tích thờ Triệu Việt Vương, đền Độc Bộ ở xã Yên Nhân (Ý Yên) là công trình tiêu biểu về giá trị lịch sử, kiến trúc và nghi lễ truyền thống. Theo truyền thuyết, nơi đây từng là căn cứ của Triệu Quang Phục khi ông lãnh đạo nhân dân chống giặc ngoại xâm. Sau khi lên ngôi và lấy hiệu Triệu Việt Vương, ông tiếp tục kháng chiến kiên cường cho đến khi tuẫn tiết tại cửa biển Đại Nha vào năm 571. Để tưởng nhớ ông, dân làng Độc Bộ xây dựng đền thờ và tôn ông làm Thành hoàng. Ban đầu, đền tọa lạc gần sông Đáy nhưng được di dời vào năm 1577 đến vị trí hiện tại. Trải qua nhiều thăng trầm, đền từng bị phá hủy thời Pháp thuộc và được phục dựng vào năm 1957. Kiến trúc đền vẫn giữ nguyên phong cách truyền thống, với kiểu dáng “tiền chữ Nhất, hậu chữ Công”. Nổi bật là tòa tiền đường chồng diêm hai tầng, tám mái, và pho tượng đồng Triệu Việt Vương cao 1,6m, thể hiện thần thái uy nghiêm. Đền còn lưu giữ nhiều hiện vật quý giá, bao gồm văn bia, đại tự, câu đối, cùng gần 10 đạo sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn. Đây là nơi thể hiện rõ nét lòng tôn kính và tri ân của dân tộc đối với vị anh hùng kiệt xuất.

Đặc sắc các lễ hội

Nam Định là nơi tín ngưỡng thờ thủy thần gắn bó sâu sắc với đời sống tâm linh của người dân, đặc biệt ở các khu vực ven sông. Trong đó, các lễ hội truyền thống như lễ hội đền Cây Quế, đền An Cư và đền Độc Bộ là minh chứng nổi bật cho sự phát triển và gìn giữ tín ngưỡng thờ thủy thần qua hàng thế kỷ. Tiêu biểu, lễ hội đền Cây Quế tại xã Mỹ Tân (thành phố Nam Định) diễn ra vào ngày 22 tháng 8 âm lịch hàng năm, mang đậm dấu ấn tín ngưỡng trị thủy. Điểm nhấn của lễ hội là nghi thức “rước nước”, trong đó nước được lấy từ ngã ba sông Hồng và sông Đào - vị trí linh thiêng, thanh sạch nhất rồi rước về đền để dâng lên Đức Thánh Linh Lang Đại Vương. Nghi thức này không chỉ nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu mà còn thể hiện niềm tin vào sự bảo trợ của các vị thần sông nước, bảo vệ đời sống và sản xuất của cư dân. Không gian lễ hội hòa quyện giữa yếu tố linh thiêng trong các nghi thức và sinh hoạt cộng đồng, tạo nên nét văn hóa độc đáo cho vùng đất này. Tín ngưỡng thờ thủy thần cũng được thể hiện đậm nét tại lễ hội đền An Cư, xã Xuân Vinh (Xuân Trường), tổ chức vào mồng 6 và 7 tháng Giêng. Lễ hội tôn vinh hai vị thần Nam Hải Đại Vương và Linh Lang Đại Vương. Ngoài phần lễ trang trọng, phần hội với các trò chơi dân gian, tiêu biểu như bơi chải - môn thể thao truyền thống gắn liền với đời sống sông nước. Bên cạnh đó, lễ hội đền Độc Bộ, xã Yên Nhân (Ý Yên) cũng mang đậm dấu ấn của tín ngưỡng thờ thủy thần thông qua nghi thức tế “Tam Kỳ giang” tại ngã ba sông, nơi được coi là huyết mạch giao thông và nguồn sống của người dân xưa. Nghi thức nhằm tưởng nhớ Triệu Việt Vương - vị anh hùng dân tộc và thể hiện ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, sông nước bình yên. Tín ngưỡng thờ thủy thần tại Nam Định không chỉ là một phần của văn hóa tâm linh mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Thông qua các lễ hội truyền thống, người dân vừa duy trì di sản tinh thần quý báu vừa gắn kết cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa độc đáo.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có các di tích thờ thủy thần, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên tuyên truyền Luật Di sản văn hóa, thực hiện có hiệu quả các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Các địa phương có di tích thờ thủy thần đã nỗ lực tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, khôi phục các trò chơi, hình thức diễn xướng dân gian nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Đẩy mạnh xã hội hóa để nhiều tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí cùng với sự đầu tư của Nhà nước để tu bổ di tích, góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương cho thế hệ trẻ.

Bài và ảnh: Viết Dư

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202501/tin-nguong-tho-thuy-thano-nam-dinh-32f58f5/