Tin nóng hôm nay: Hệ thống hải quan điện tử tê liệt; Hầm chui An Phú lùi hạn thông xe đến tháng 6; Rửa mặn đất lúa bị thiệt hại do làm cao tốc
Theo thông tin mới nhất từ chủ đầu tư, hầm chui nút giao An Phú (TPHCM) phải đến cuối tháng 6 mới có thể hoàn thành. Đây là lần thứ ba mốc thông xe bị điều chỉnh do chưa hoàn thiện trạm bơm. Thông tin này đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc trong hôm nay (7-5).
Những tin tức kinh tế khác cũng gây chú ý như doanh nghiệp gặp khó do hệ thống hải quan điện tử bị lỗi kỹ thuật, dự kiến trong tháng 9 sẽ có kết quả nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, TPHCM phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thuốc giả.
Hệ thống hải quan điện tử tê liệt vì sự cố kỹ thuật
Cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa gửi văn bản hướng dẫn xử lý hệ thống không tiếp nhận chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan.
Cục Hải quan nhận được phản ánh của hải quan địa phương và doanh nghiệp về việc hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan không chứng nhận các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan từ ngày 3-5.
Cục Hải quan đang phối hợp với các đơn vị có liên quan để kiểm tra xác định lỗi phát sinh. Trong khi chờ đợi xử lý lỗi hệ thống, để giải quyết thủ tục hàng hóa xuất nhập khẩu kịp thời, Cục Hải quan yêu cầu các chi cục hải quan khu vực chỉ đạo hải quan cửa khẩu, hải quan ngoài cửa khẩu triển khai nhiều giải pháp. Chẳng hạn như hướng dẫn người khai hải quan gửi kèm các chứng từ thuộc bộ hồ sơ hải quan bằng nghiệp vụ HYS thông quan hệ thống khai hải quan điện tử được sửa đổi, bổ sung.
Sẽ có kết quả nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 9

Bộ Tài chính cho biết, quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi đang có tiến triển tích cực, dự kiến sẽ có kết quả vào tháng 9 tới. Ảnh minh họa: Dũng Minh.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4-2025 diễn ra chiều 6-5 vừa qua, Bộ Tài chính cho biết, quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi đang có tiến triển tích cực, dự kiến sẽ có kết quả vào tháng 9 tới.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa làm việc với các tổ chức nâng hạng như FTSE hay MSCI, trong đó có thông tin Việt Nam đã đạt được 9 tiêu chí kỹ thuật do các tổ chức xếp hạng đặt ra. Bộ sẽ thành lập nhóm đối thoại chính sách gồm đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chuyên gia, tổ chức đầu tư quốc tế, công ty chứng khoán và ngân hàng, nhằm kịp thời nắm bắt, tháo gỡ vướng mắc và thúc đẩy quá trình nâng hạng.
Tuy nhiên, đây mới là điều kiện cần, điều kiện đủ là tùy thuộc vào sự đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bộ Tài chính sẽ tập trung giải pháp để gia tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có việc triển khai hệ thống công nghệ thông tin KRX vào đầu tháng 5 này.
Lắp đặt hệ thống giám sát cao tốc Bắc-Nam trước 31-10
Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông đang triển khai hệ thống giám sát điều hành giao thông. Từ cuối năm 2024 đến nay, Bộ Xây dựng đã nhiều lần đôn đốc nhưng việc triển khai hệ thống vẫn bị chậm trễ nên chưa thể tổ chức thu phí cao tốc.
Để kịp hoàn thành hệ thống quản lý giao thông, trạm thu phí và kiểm soát tải trọng trước ngày 31-10, vận hành thử từ 1-11 đến 31-12 và thu phí từ năm 2026, Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng kiến nghị Bộ Xây dựng yêu cầu các ban quản lý dự án khẩn trương lựa chọn nhà thầu, khởi công lắp đặt thiết bị, đảm bảo hoàn thành toàn bộ hệ thống đúng tiến độ.
Đối với 5 đoạn cao tốc gồm Mai Sơn - quốc lộ 45, quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, hệ thống giám sát giao thông dự kiến hoàn thành cuối tháng 9-2025.
Dự kiến trong tháng 5-2025, bộ sẽ phê duyệt hồ sơ thiết kế và dự toán 6 dự án gồm các đoạn cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang.
Bốn dự án gồm Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau dự kiến hoàn thành đầu tháng 6. Hai dự án còn lại Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng sẽ hoàn thành cuối tháng 6.
Diện tích lúa bị thiệt hại do thi công cao tốc được rửa mặn
Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Hậu Giang về việc rửa mặn đối với diện tích đất trồng lúa bị thiệt hại do nhiễm mặn cạnh cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. UBND tỉnh Hậu Giang chỉ đạo cơ quan chuyên môn căn cứ vào địa hình, thời tiết, thủy văn và điều kiện thực tế của địa phương để hướng dẫn người dân, hợp tác xã thực hiện các biện pháp rửa mặn theo đúng quy trình.
Ngoài việc bồi thường cho người dân có diện tích lúa bị nhiễm mặn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với chủ đầu tư, ban quản lý dự án và nhà thầu bố trí nguồn lực để hỗ trợ nông dân, địa phương trong quá trình rửa mặn, sớm ổn định canh tác lúa trở lại.
Sau khi rửa mặn, địa phương nên gieo cấy bằng giống lúa có khả năng chịu mặn như OM 4900, OM 6976, OM 5629... đồng thời chỉ gieo cấy khi đã đánh giá đầy đủ về việc đảm bảo các điều kiện phù hợp cho cây lúa sinh trưởng.
Hầm chui An Phú hoàn thành 99% nhưng phải lùi hạn thông xe

Công trình hầm chui nút giao An Phú (TPHCM) hiện đã thi công xong 99%. Ảnh: Lê Vũ
Công trình hầm chui nút giao An Phú (TPHCM) hiện đã thi công xong 99% nhưng chưa thể đưa vào hoạt động do hệ thống bơm thoát nước cho hầm chưa hoàn thành, cần thêm thời gian xử lý do địa chất khu vực và nước ngầm phức tạp gây phát sinh thêm về kỹ thuật. Hầm chui này sẽ thông xe vào cuối tháng 6, trễ hai tháng so với kế hoạch do chưa hoàn thành hạng mục trạm bơm.
Hầm chui này là một trong những hạng mục chính thuộc dự án nút giao An Phú. Hầm dài 480m gồm 4 làn xe. Sau khi hoạt động, hầm chui này sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông.
An Phú là nút giao kết nối các trục giao thông chính gồm cao tốc Long Thành - Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ, đường Lương Định Của, Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống và cũng là cửa ngõ ra vào Cát Lái với hơn 20.000 lượt xe container mỗi ngày.
TPHCM phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh thuốc giả
Báo cáo với Bộ Y tế tại hội nghị trực tuyến ngày 7-5, Sở Y tế TPHCM cho biết, thành phố có 42 nhà máy sản xuất thuốc và 1.531 cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc. Năm 2025, Sở Y tế TPHCM đã triển khai chuyên đề kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Trước đó, trong năm 2024, Sở Y tế đã kiểm tra 174 cơ sở bán buôn thuốc và 344 cơ sở bán lẻ thuốc và 40 cơ sở bán buôn, cơ sở bán lẻ dược liệu, đã ban hành 151 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, xử lý 147 cơ sở với tổng số tiền xử phạt là hơn 7 tỉ đồng. Trong quá trình kiểm tra, Sở Y tế TPHCM phát hiện 6 cơ sở kinh doanh thuốc Cefuroxim 500 mg giả, 2 cơ sở kinh doanh thuốc Cefixim 200mg giả, một cửa hàng kinh doanh thuốc Levofloxacin 500mg không rõ nguồn gốc và một nhà thuốc bán thuốc Neo-Codion giả.