Tin thế giới 16/11: Nóng vụ tên lửa rơi tại Ba Lan, Thượng đỉnh G20 bế mạc, Hungary có tin vui

Tên lửa rơi tại Ba Lan, hội nghị thượng đỉnh G20 bế mạc, ông Donald Trump tuyên bố tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã trao búa cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, lãnh đạo nước Chủ tịch G20 năm 2023, ngày 16/11. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã trao búa cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, lãnh đạo nước Chủ tịch G20 năm 2023, ngày 16/11. (Nguồn: Reuters)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Tên lửa rơi tại Ba Lan

* Các nước lên tiếng về tên lửa rơi tại Ba Lan: Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lập tức bày tỏ thái độ sau khi hai quả tên lửa rơi xuống khu vực đông dân cư Przewodow, tỉnh Lublin giáp Ukraine, khiến 2 người thiệt mạng.

Ngay sau vụ việc, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã kêu gọi người dân bình tĩnh và thận trọng, trong khi Tổng thống Andrzej Duda cho biết, hiện Ba Lan chưa có bằng chứng về bên nào bắn tên lửa gây ra vụ nổ và nhà chức trách nước này vẫn đang tiến hành điều tra.

Người phát ngôn chính phủ Ba Lan cũng thông báo đã đặt một số đơn vị vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao, trong bối cảnh có thông tin cho rằng hai tên lửa này đến từ phía Nga.

Tuy nhiên, ngày 16/11, người phát ngôn Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng, một số quốc gia đã đưa ra “tuyên bố vô căn cứ” về một vụ nổ trên lãnh thổ Ba Lan, khẳng định, Nga không liên quan tới vụ việc được cho là do hệ thống phòng không S-300 gây ra.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Những bức ảnh về đống đổ nát được tìm thấy ở làng Przewodow, được công bố vào tối ngày 15/11 tại Ba Lan, đã được các chuyên gia của tổ hợp công nghiệp-quân sự Nga xác định rõ ràng là các bộ phận của tên lửa phòng không dẫn đường thuộc hệ thống phòng không S-300 của Ukraine”. Bộ này khẳng định tất cả các tuyên bố không chính xác của Ukraine và nước ngoài về “tên lửa Nga” ở Ba Lan là hành động khiêu khích có chủ ý.

Trong khi đó, AP (Mỹ) dẫn lời ba quan chức Mỹ giấu tên ngày 16/11 cho biết theo kết quả điều tra ban đầu, tên lửa rơi xuống lãnh thổ Ba Lan và do Ukraine phóng đi để đánh chặn tên lửa Nga. Cùng ngày, Reuters (Mỹ) dẫn nguồn NATO cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo với đối tác NATO và lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) rằng vụ nổ tại Ba Lan là do tên lửa phòng không Ukraine. Đặc biệt, trong tuyên bố về vụ việc, Ba Lan và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã sử dụng ngôn ngữ hàm ý họ không coi đây là một cuộc tấn công có chủ ý và đơn thuần chỉ là một “sự cố nghiêm trọng”.

Tương tự, cùng ngày, AFP (Pháp), dẫn lời của Bộ trưởng Quốc phòng Bỉ Ludivine Dedonder nhận định sự cố nêu trên có khả năng do phòng không Ukraine đánh chặn tên lửa gây ra.

Về phần mình, phát biểu bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Indonesia, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng nhận định: “Nga tuyên bố không liên quan tới vụ tên lửa rơi ở Ba Lan và Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố tên lửa không do Nga sản xuất cho thấy vụ việc không liên quan tới Nga". Ông lưu ý vụ việc cần được điều tra làm rõ và khẳng định ông sẽ trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông về nước liên quan tới vụ việc tại Ba Lan.

Một số quốc gia và tổ chức khác cũng bày tỏ sự thận trọng trước vụ việc này. Ngày 16/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh khẳng định, các bên cần “duy trì thái độ bình tĩnh và kiềm chế để tránh tình hình leo thang”.

Tương tự, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi “cần duy trì thái độ thận trọng”.

Trong khi đó, viết trên Twitter, Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định nước này luôn sát cánh cùng Ba Lan, song cần phải điều tra bình tĩnh và kỹ lưỡng nhằm tìm ra nguyên nhân vụ việc trước khi kết luận.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio bày tỏ thái độ “quan ngại”, trong khi Ngoại trưởng Australia Penny Wong nhấn mạnh, thế giới cần “tránh suy đoán” về vụ việc ở Ba Lan.

Ngoài ra, một số tổ chức cũng bày tỏ quan ngại về vụ việc. Phó Phát ngôn Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết, Tổng thư ký Antonio Guterres “rất quan ngại” và hy vọng sẽ có một cuộc điều tra triệt để trước thông tin một tên lửa rơi ở Ba Lan. Ông nhấn mạnh: “Điều hết sức cần thiết là tránh làm leo thang cuộc xung đột ở Ukraine”. Cùng ngày, các nước NATOG7 đã nhóm họp để thảo luận về vụ việc này. (AFP/Reuters/TASS)

G20

* Hội nghị thượng đỉnh G20 chính thức bế mạc: Chiều 16/11, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chính thức tuyên bố bế mạc Hội nghị thượng G20 năm 2022. Ông đã cảm ơn các nhà lãnh đạo đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, đánh giá cao sự hỗ trợ và ủng hộ của các nước G20 trong bối cảnh thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Cũng tại lễ bế mạc, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã trao búa cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, lãnh đạo nước Chủ tịch G20 năm 2023, mong rằng New Delhi tiếp tục duy trì và hiện thực hóa mục tiêu phục hồi toàn cầu và tăng trưởng toàn diện hơn. Ông tin tưởng, dưới sự lãnh đạo của Ấn Độ, G20 sẽ tiếp tục chuyển động mạnh mẽ. Đồng thời, Indonesia sẵn sàng ủng hộ vai trò Chủ tịch của Ấn Độ năm tới.

Về phần mình, ông Modi khẳng định đảm nhiệm cương vị Chủ tịch của G20 là niềm tự hào của người dân Ấn Độ và cam kết đưa G20 trở thành “chất xúc tác” cho sự thay đổi toàn cầu.

Thủ tướng Modi cho biết, trong năm Chủ tịch G20, từ ngày 1/12/2022, Ấn Độ sẽ tổ chức các hội nghị liên quan tại nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước, với một trong những nội dung trọng tâm là chuyển đổi số. (AFP)

* Hội nghị thượng đỉnh G20 ra tuyên bố chung: Chiều 16/11, sau hai ngày làm việc, Hội nghị thượng đỉnh G20 đã khép lại với Tuyên bố chung. Theo đó, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần phải có những hành động cụ thể, chính xác, nhanh chóng và cần thiết để giải quyết các thách thức chung. Đồng thời, G20 cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển, nhất là các quốc đảo nhỏ và các nước kém phát triển, ứng phó với thách thức toàn cầu và đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).

Trên tinh thần “Cùng nhau phục hồi, Phục hồi mạnh mẽ hơn” của Chủ tịch G20, các nhà lãnh đạo cũng khẳng định quyết tâm phối hợp hành động nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự hướng tới phục hồi toàn cầu mạnh mẽ, bao trùm, kiên cường và phát triển bền vững.

Theo đó, G20 sẽ tăng đầu tư công và cải cách cơ cấu, thúc đẩy đầu tư tư nhân, thương mại đa phương và tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm hỗ trợ tăng trưởng dài hạn, chuyển đổi bền vững và bao trùm, xanh và công bằng. G20 cũng sẽ duy trì ổn định tài chính và vĩ mô; thúc đẩy an ninh lương thực và năng lượng; hỗ trợ ổn định thị trường, cung cấp hỗ trợ tạm thời và có mục tiêu nhằm giảm tác động của việc tăng giá; tăng cường thương mại và đầu tư để đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực dài hạn, cũng như các hệ thống năng lượng, phân bón và lương thực có khả năng ứng phó và bền vững.

G20 cũng sẽ mở rộng hơn nữa đầu tư cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, cũng như các nước đang phát triển khác thông qua nhiều nguồn và công cụ tài chính sáng tạo hơn để hỗ trợ đạt được các SDG; yêu cầu các ngân hàng phát triển đa phương huy động và cung cấp bổ sung tài chính để hỗ trợ đạt được các SDG và ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Đồng thời, quan ngại sâu sắc trước các thách thức an ninh lương thực toàn cầu, càng trầm trọng hơn do các xung đột và căng thẳng hiện nay, G20 cam kết hành động khẩn cấp để ngăn chặn nạn đói và suy dinh dưỡng, đồng thời kêu gọi nhanh chóng chuyển đổi hướng tới các hệ thống và chuỗi cung ứng nông nghiệp và thực phẩm bền vững và có khả năng ứng phó.

Về khủng hoảng năng lượng, G20 nhấn mạnh, cần nhanh chóng chuyển đổi và đa dạng hóa các hệ thống năng lượng, tăng cường an ninh năng lượng, khả năng ứng phó và ổn định thị trường, bằng cách đẩy nhanh và đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, bền vững, công bằng, với giá cả phải chăng và bao trùm, cũng như dòng đầu tư bền vững.

Liên quan tới nỗ lực chuyển đổi năng lượng, G20 nhắc lại cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon trên toàn cầu vào giữa thế kỷ hoặc sớm hơn, đồng thời kêu gọi các nước phát triển thực hiện các cam kết nhằm huy động khẩn cấp 100 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2020-2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển, giúp hoàn thành mục tiêu của Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) và thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Về xung đột Nga-Ukraine, các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh, cần duy trì luật pháp quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa binh, ổn định, với nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các xung đột, khủng hoảng thông qua ngoại giao và đối thoại là rất quan trọng. (TTXVN)

Châu Âu

* Hungary: Đường ống dẫn dầu Druzhba sớm hoạt động trở lại: Ngày 16/11, phát biểu trong một đoạn video đăng trải trên Facebook, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó cho biết, máy biến áp bị hư hại của đường ống dẫn dầu Druzhba có thể sẽ sớm được đưa vào hoạt động trở lại.

Ông cho biết: “Sửa chữa (máy biến áp) chắc chắn là dễ hơn nhiều so với kịch bản sửa chữa một đường ống bị trúng tên lửa... việc này có thể được thực hiện trong một thời gian ngắn, phụ thuộc vào quá trình sửa chữa, thay thế bộ phận hỏng hóc”. Quan chức này cũng nhấn mạnh Hungary có vài tháng dự trữ năng lượng và do đó, nguồn cung của nước này không đứng trước nguy cơ bị gián đoạn.

Trước đó, đường ống vận chuyển dầu từ Nga đến Hungary, Slovakia và Czech đã ngừng hoạt động tối 15/11 khi một tên lửa Nga bắn trúng một máy biến áp, song không gây hư hại cho phần đường ống. Ngay sau đó, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán đã triệu tập cuộc họp bất thường của Hội đồng Bảo an vào tối 15/11. (Reuters/TTXVN)

Châu Mỹ

* Ông Donald Trump chính thức ra tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024: Tối 15/11, tại một sự kiện ở dinh thự Mar-a-Lago, bang Florida, cựu Tổng thống Mỹ 76 tuổi Donald Trump phát biểu trước hàng trăm người ủng hộ: “Để đưa Mỹ trở lại với sự vĩ đại và vinh quang một lần nữa, tối nay, tôi tuyên bố ứng cử tổng thống Mỹ”.

Việc ông Trump tuyên bố tranh cử sớm được cho là nhằm đối phó các đối thủ tiềm năng trong đảng Cộng hòa như Thống đốc bang Florida Ron DeSantis hay cựu Phó Tổng thống Mike Pence.

Quyết định của cựu Tổng thống Mỹ được đưa ra trong bối cảnh bầu cử giữa kỳ vẫn chưa có kết quả cuối cùng, lợi thế tại Hạ viện đang nghiêng về đảng Cộng hòa, còn Thượng viện đã nằm trong tay đảng Dân chủ.

Trước đó, ông Trump đã nộp hồ sơ ứng cử cho Ủy ban Bầu cử Liên bang. Nếu giành được đề cử của đảng Cộng hòa, ông Trump có thể sẽ gặp lại ông Biden trong cuộc tái tranh cử tổng thống năm 2024.

Hiện Tổng thống Biden vẫn chưa chính thức khởi động chiến dịch tái tranh cử của mình. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, ông đang lên kế hoạch cho chiến dịch trong những tuần gần đây. (CNN, CNBC, Reuters)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-1611-nong-vu-ten-lua-roi-tai-ba-lan-thuong-dinh-g20-be-mac-hungary-co-tin-vui-206165.html