Tin Thị trường: Châu Á khan hiếm dầu thô chua
Thị trường đang cho thấy sự khan hiếm dầu thô chua Trung Đông; Kích thích kinh tế của Trung Quốc có ảnh hưởng đến giá dầu?
Thị trường khan hiếm dầu thô chua Trung Đông
Ả Rập Xê-út cam kết cắt giảm sản lượng ngay sau hội nghị thượng đỉnh OPEC+ vào đầu tháng 6, tuy nhiên, thị trường phải mất vài tuần để xem xét và đánh giá đúng tác động của việc cắt giảm đó.
Khi các công ty dầu mỏ quốc gia Trung Đông bắt đầu công bố giá công thức cho tháng 8 năm 2023, việc Ả Rập Xê-út gia hạn cắt giảm sản lượng sang tháng 8 và cam kết cắt giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày của Nga trong cùng tháng đã trở thành vấn đề tiêu điểm của toàn thế giới. Thị trường cần sự gia hạn của Ả Rập Xê-út vì những dấu hiệu đáng lo ngại về sự suy giảm sắp xảy ra trong sản xuất của Trung Quốc cũng như nỗi lo suy thoái lan rộng khắp Bắc Mỹ và Châu Âu đã khiến nhiều nhà đầu tư từ bỏ vị thế của họ trên thị trường dầu mỏ và chờ đợi mọi tai ương qua đi.
Thời gian là tất cả đối với Ả Rập Xê-út, đặc biệt là khi định giá. Với việc chênh lệch tiền mặt sang hợp đồng tương lai của Dubai không thay đổi so với tháng 5, với mức trung bình của tháng 6 là 0,99 USD/thùng, đường cong hợp đồng tương lai cho thấy giá châu Á sẽ được chuyển sang tháng 8.
Lợi nhuận lọc dầu trên toàn cầu đã có một số cải thiện, tuy nhiên, sự gia tăng lớn dường như rất khó xảy ra.Các loại dầu nặng hơn, bao gồm Arab Light, Medium và Heavy đều tăng đồng loạt 0,20 USD/thùng so với tháng 7, trong khi Arab Extra Light được hạ giá và Arab Super Light (loại không xuất khẩu trong tháng 5 và tháng 6) giảm 0,40 USD mỗi thùng. Do đó, châu Á có mức chênh lệch hẹp nhất giữa Arab Heavy và Arab Extra Light, chỉ 1,55 USD/thùng. Điều này cho thấy nguồn cung chua vừa trên khắp lục địa châu Á khan hiếm như thế nào.
Để tham khảo, mức chênh lệch tương tự ở Tây Bắc Châu Âu là 3,5 USD/thùng, cao hơn gấp đôi so với Châu Á.
Kích thích kinh tế của Trung Quốc có ảnh hưởng đến giá dầu?
Kể từ giữa những năm 1990, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là một trong những yếu tố quyết định quan trọng nhất đối với giá dầu. Sự chênh lệch lớn giữa một bên là nhu cầu năng lượng của đất nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và một bên là việc thiếu trữ lượng dầu mỏ bản địa, đã thúc đẩy siêu chu kỳ hàng hóa từ thập kỷ đó.
Điều này được đặc trưng bởi giá tăng liên tục đối với các mặt hàng chủ lực được sử dụng trong tăng trưởng kinh tế, bao gồm dầu mỏ. Vào cuối năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đã cho phép nước này vượt Mỹ trở thành nước nhập khẩu dầu thô hàng năm lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, các công bố dữ liệu gần đây từ Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi về mức độ phục hồi của nền kinh tế nước này sau những tác động tiêu cực của dịch Covid-19.
Những số liệu gần đây nhất từ Trung Quốc có vẻ đáng khích lệ đối với giới đầu cơ dầu giá lên. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II của Trung Quốc cho thấy mức tăng trưởng 0,8% trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 trên cơ sở điều chỉnh theo mùa. Con số này cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích về mức tăng 0.5%. Trên cơ sở hàng năm, GDP đã tăng 6,3 % trong quý 2: tốt hơn đáng kể so với mức tăng 4,5% trong quý 1. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn vào các số liệu sẽ thấy các chỉ số này kém tích cực hơn. GDP đã tăng 0,8% trong quý 2, cao hơn kỳ vọng, nhưng nó đã tăng 2,2% trong quý 1. So với cùng kỳ năm ngoái, đó là mức tăng trưởng GDP 6,3% trong quý 2, nhưng các dự báo là tăng trưởng 7,3% hoặc tốt hơn.
Những số liệu kể trên chắc chắn là tốc độ tăng trưởng cao nhất kể từ quý 2 năm 2021, nhưng nó được so với mức cơ sở rất thấp của năm ngoái khi có các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được áp dụng tại một số trung tâm kinh tế lớn ở Trung Quốc, bao gồm cả Thượng Hải.
Khai thác đá phiến Mỹ chậm lại gây ảnh hưởng đến các dịch vụ mỏ dầu
Những dấu hiệu đầu tiên trong hoạt động khai thác đá phiến của Mỹ chậm lại đã xuất hiện vào đầu năm nay khi giá dầu giảm khiến các công ty giảm số lượng giàn khoan đang hoạt động.
Bên cạnh đó, các dữ liệu cho thấy sản lượng giếng cũng đang giảm xuống - dấu hiệu của sự cạn kiệt tự nhiên tiềm ẩn sẽ khiến các công ty phải cân nhắc trước khi dốc toàn lực mở rộng sản lượng.
Hiện tại, kết quả tài chính của các công ty cung cấp dịch vụ mỏ dầu đang đưa ra thêm bằng chứng cho thấy bất chấp những dự báo lạc quan của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) về sản lượng dầu kỷ lục, ngành công nghiệp này vẫn đang đi theo con đường riêng của mình.
Tờ Financial Times đưa tin hoạt động khoan giảm mà Khảo sát năng lượng của Fed Dallas đã báo cáo vào đầu năm nay đã bắt đầu ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của các công ty thực sự thực hiện hoạt động đó.
Báo cáo dẫn lời nhà phân tích Chris Wright của Liberty Energy cho biết: "Trong quý thứ hai, chúng tôi đã thấy hoạt động fracking giảm dẫn đến tăng lịch trống trong kế hoạch của chúng tôi".
Trong phần trình bày về kết quả của công ty, Wright cũng dự báo hoạt động thấp hơn trong mảng đá phiến của Mỹ trong nửa cuối năm nói chung. Điều này trùng hợp một cách thú vị với một báo cáo cập nhật gần đây từ EIA.
Đầu năm nay, EIA liên tục dự đoán sản lượng dầu của Mỹ đạt mức cao kỷ lục mới nhờ ngành công nghiệp đá phiến. Giờ đây, tổ chức này đã thay đổi quan điểm của mình.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-chau-a-khan-hiem-dau-tho-chua-690451.html