Tin Thị trường: Giá dầu hôm nay vẫn cho thấy xu hướng tăng
Giá dầu hôm nay vẫn cho thấy xu hướng tăng; Giá khí đốt tại Mỹ quay đầu giảm mạnh; trong khi đó giá khí đốt chuẩn Châu Âu cũng giảm...

Ảnh: Internet
Giá dầu hôm nay vẫn cho thấy xu hướng tăng
Tính đến đầu giờ chiều nay 27/3 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 69,49 USD/thùng - giảm 0,23%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 73,62 USD/thùng - giảm 0,23%.
Theo các nhà phân tích, giá dầu thế giới đang được hỗ trợ bởi dữ liệu tồn kho xăng, dầu của Mỹ giảm và lo ngại ngày càng tăng về nguồn cung toàn cầu thắt chặt sau khi Mỹ đe dọa áp thuế đối với các quốc gia mua dầu thô của Venezuela.
Hạn chế đà tăng của giá dầu trong phiên là triển vọng dòng dầu của Nga sẽ dồi dào hơn trên thị trường, sau thông tin Mỹ đã đạt được thỏa thuận với Ukraine và Nga về việc tạm dừng các cuộc tấn công trên biển và nhằm vào các mục tiêu năng lượng, trong đó Washington đồng ý thúc đẩy dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Trong ngày 26/3, hoạt động giao dịch dầu của Venezuela với Trung Quốc, đã bị đình trệ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế đối với các quốc gia mua dầu từ Caracas. Ngày 24/3, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cho phép áp dụng mức thuế toàn phần 25% đối với hàng nhập khẩu từ bất kỳ quốc gia nào mua dầu thô và nhiên liệu lỏng của Venezuela. Mỹ cũng áp lệnh trừng phạt nhằm vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Iran.
Chuyên gia John Kilduff, đối tác tại Again Capital LLC ở New York nhận xét: "Thị trường đang lo ngại sẽ thiếu hụt nguồn cung". Còn theo các nhà phân tích của Barclays, chiết khấu cho xuất khẩu của Venezuela có thể lên tới 35%, và những khó khăn trong thương mại hóa có thể tạo điểm nghẽn dẫn đến việc ngừng sản xuất lên tới 400.000 thùng/ngày, tương đương hơn một nửa lượng xuất khẩu của Venezuela.
Giá khí đốt tại Mỹ quay đầu giảm mạnh
Ghi nhận vào đầu giờ chiều 27/3/2025 (giờ Việt Nam), giá khí tự nhiên tại thị trường Mỹ đảo chiều giảm mạnh 2,02% xuống mức 3,783 USD/mmBTU.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) dự báo sản lượng điện từ than có thể tăng tạm thời 6% vào năm 2025 khi giá khí đốt tăng, nhưng sẽ giảm 8% vào năm 2026. Các nhà máy điện hiện vẫn ưu tiên khí đốt tự nhiên nhờ tính linh hoạt và chi phí hợp lý hơn. Theo Goldman Sachs, nhu cầu điện của Mỹ sẽ tăng trung bình 2,4% mỗi năm đến 2030, với phần lớn tăng trưởng liên quan đến AI. Khí đốt tự nhiên được đánh giá là lựa chọn hàng đầu để đáp ứng nhu cầu này nhờ khả năng cung cấp liên tục 24/7.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố trên mạng xã hội rằng, ông sẽ thúc đẩy sản xuất than để cạnh tranh với Trung Quốc. Tuy nhiên, các chi tiết về quyết định này chưa rõ ràng. Hiện tại, than chỉ chiếm khoảng 15-16% sản lượng điện ở Mỹ, giảm mạnh do sự phát triển của năng lượng tái tạo và khí đốt tự nhiên giá rẻ. Thêm vào đó, các quy định môi trường cũng làm tăng chi phí vận hành các nhà máy điện than, khiến chúng khó cạnh tranh hơn.
Thực tế, giới chuyên gia đánh giá việc xây dựng nhà máy điện than mới là không thực tế, cần tập trung vào những giải pháp dài hạn và ít rủi ro hơn, như khí đốt tự nhiên và năng lượng tái tạo.
Giá khí đốt chuẩn Châu Âu giảm khi lo ngại nguồn cung dịu đi
Giá khí đốt tự nhiên chuẩn của Châu Âu đã giảm vào ngày 26/3, trong bối cảnh thời tiết ôn hòa hơn và nguồn cung LNG tăng khi nhu cầu của Trung Quốc suy yếu.
Hợp đồng tương lai khí đốt tự nhiên TTF của Hà Lan, chuẩn cho giao dịch khí đốt của Châu Âu, đã giảm 1,5% xuống còn 44,19 USD (40,92 euro) cho mỗi megawatt-giờ (MWh) tính đến 9h18' sáng 26/3 tại Amsterdam. Giá hợp đồng tương lai trước 1 tháng đã giảm trong ngày thứ hai liên tiếp, sau khi mất 3% vào một ngày trước đó khi có tin tức rằng Ukraine và Nga đã đồng ý ngừng bắn một phần ở Biển Đen.
Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn vẫn còn khó nắm bắt vì Nga đặt ra các điều kiện để thực hiện lệnh ngừng bắn trên biển ở Biển Đen, bao gồm gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng Nga và hoạt động thương mại nông nghiệp và phân bón.
Tuy nhiên, giá khí đốt Châu Âu vẫn tiếp tục giảm trong bối cảnh thời tiết mùa xuân ôn hòa hơn ở tây bắc Châu Âu và lượng LNG cập cảng tăng trong tháng này.
Theo dữ liệu theo dõi tàu do Bloomberg tổng hợp, lượng nhập khẩu LNG của các nước tiêu thụ chính ở tây bắc Châu Âu đã tăng vọt trong tháng này.
Mặc dù giá khí đốt chuẩn của Châu Âu giảm gần đây, từ mức cao nhất trong hai năm vào giữa tháng 2, Châu Âu vẫn tiếp tục nhập khẩu LNG trong khi giá LNG giao ngay tại Châu Á vẫn gần mức thấp nhất trong ba tháng do nhu cầu yếu hơn.